Dự Án Nuôi Bò Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Dự án chăn nuôi bò thịt được triển khai thực hiện đầu tiên tại 2 xã Phong Thạnh và Tân Phong (huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) từ nguồn quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương. Qua hơn 2 năm thực hiện, dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thêm thu nhập cho nông dân.
Để đảm bảo người dân trong vùng dự án có được giống bò tốt, Hội Nông dân xã Phong Thạnh và Tân Phong đã chủ động đến các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang… để tìm hiểu kỹ con giống rồi về giới thiệu với những hộ được vay vốn nuôi bò. Nhờ cách làm này mà đàn bò trong vùng dự án ít xảy ra dịch bệnh và phát triển rất tốt.
Ông Nguyễn Xuân Tươi, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Giá Rai cho biết: “Trước khi triển khai nguồn vốn để thực hiện dự án, Hội Nông dân huyện đã thành lập đoàn xuống cơ sở khảo sát xem có phù hợp để thực hiện dự án hay không.
Cùng với đó, Hội phân công cán bộ phụ trách tìm nguồn bò giống để hướng dẫn bà con mua, tránh tình trạng nguồn giống không rõ ràng, gây thiệt hại cho người nuôi. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương với 650 triệu đồng, mỗi hộ trong vùng dự án được vay vốn mua từ 1 hoặc 2 con (giá từ 13 - 14 triệu đồng/con bò giống). Sau 2 năm thả nuôi đến khi xuất bán, mỗi hộ thu lãi từ 10 - 12 triệu đồng/con bò”.
Lúc đầu dự án triển khai nuôi bò thịt, thế nhưng nhiều hộ nuôi đã nhận ra lợi nhuận từ việc cung cấp bò giống cao hơn nhiều so với việc bán bò thịt. Khi đến kỳ hạn hoàn vốn, nhiều hộ không bán bò mà xuất tiền gia đình trả lại cho Hội Nông dân để tiếp tục phát triển mô hình nuôi bò giống. Nhờ vậy, nguồn vốn được thu hồi rất nhanh và tạo điều kiện tái đầu tư cho những hộ nông dân khác.
Ông Nguyễn Văn Hiểu (ấp 19, xã Phong Thạnh) chia sẻ: “Gia đình tôi rất phấn khởi khi được hỗ trợ vay vốn mua 2 con bò giống. Lúc trước tôi nuôi cá sấu, nhưng do giá cả bấp bênh nên thường bị thua lỗ. Bây giờ nuôi bò tôi thấy ổn định hơn, mà cũng không cực lắm. Tôi có nhiều thời gian làm những việc khác tăng thêm nguồn thu cho gia đình”.
Để dự án nuôi bò phát huy hiệu quả cũng như tránh những tổn thất cho người nuôi (vì vốn đầu tư ban đầu khá lớn), thời gian tới, các ngành chức năng cần mở các lớp tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi bò cho người nuôi…
Có thể bạn quan tâm

Ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh, cho biết: Trong tháng 8/2015, nông dân các huyện ven biển thả nuôi 167 triệu con tôm sú, diện tích 527 ha, hơn 510 triệu con tôm thẻ chân trắng, diện tích 810 ha. Nâng tổng số đến nay toàn vùng thả nuôi 1,97 tỷ con tôm sú, diện tích 19.125 ha; 2,28 tỷ con thẻ chân trắng, diện tích 4.139 ha. Sản lượng thu hoạch đến tháng 8/2015 là 19.724 tấn/40.425 tấn (8.049 tấn tôm sú, 11.675 tấn tôm thẻ chân trắng), đạt 48,7% kế hoạch, giảm hơn 9.100 tấn (tôm sú 1.856 tấn, tôm thẻ 7.195 tấn) so cùng kỳ.

Ngày 7/8/2014 Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) về việc Tổng thống Obama trực tiếp chỉ đạo thành lập Tổ công tác liên ngành (Task Force)

Người phụ nữ ấy có dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, nước da rám nắng, vận trên mình bộ quần áo bảo hộ lao động và làm việc từ sáng đến chiều tối trong chuồng lợn như một người lao động thạo việc của trang trại. Vì vậy, nếu không được giới thiệu thì tôi không nghĩ đó chính là bà chủ của trang trại chăn nuôi lợn nái hậu bị công nghệ cao lớn nhất, nhì tỉnh với 1.200 con lợn/lứa. Bà là Vũ Thanh Lâm, 54 tuổi, ở tổ dân phố Nam Thọ, phường Nam Cường, thành phố Yên Bái.

Để duy trì và phát triển đàn gia súc có sừng trong điều kiện thời tiết nắng hạn kéo dài, ngoài việc tìm nguồn thức ăn, nước uống, các hộ chăn nuôi ở huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đã chủ động chuyển đổi diện tích đất không chủ động nước sang trồng cỏ.

Cơ sở sản xuất nền tổ ong nhân tạo (còn gọi là cán chân tầng cho tổ ong)ở ấp Nam Sơn, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất là một trong những cơ sở đầu tiên sản xuất tổ sáp ong nhân tạo tại Đồng Nai. Cơ sở được thành lập ngay vùng nuôi ong mật của Đồng Nai, cùng hưng thịnh với nghề này suốt hơn 30 năm qua.