Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Dự Án Nhỏ Hiệu Quả Kinh Tế Lớn

Dự Án Nhỏ Hiệu Quả Kinh Tế Lớn
Ngày đăng: 31/07/2013

Đó là Dự án “Hỗ trợ nâng cao chất lượng phát triển sản xuất lợn giống” tại xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, do Phòng NN – PTNT huyện triển khai từ năm 2009; giúp gần 200 hộ có con giống, kinh nghiệm nuôi lợn nái để bán giống cũng như phục vụ nhu cầu nuôi lợn thịt của gia đình. Đã có rất nhiều hộ thoát đói nghèo từ Dự án ý nghĩa này.

Chăn nuôi là nghề chính trong cuộc sống của đồng bào vùng cao Đồng Văn. Do đó, huyện xác định: “Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, năng suất, chất lượng, hiệu quả... Tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, phấn đấu thu nhập từ chăn nuôi chiếm trên 60% thu nhập của hộ ở khu vực nông thôn...”. Từ định hướng đó, các xã, thị trấn chỉ đạo nhân dân phát triển chăn nuôi, chú trọng đàn lợn nhằm nâng cao thu nhập.

Tuy nhiên, phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện chưa hình thành cơ sở sản suất và cung ứng giống lợn phẩm chất tốt. Việc chăn nuôi thực hiện theo tập quán truyền thống là cho giao phối cận huyết nên đàn lợn dần bị thoái hoá, thể vóc nhỏ, trọng lượng thấp, khả năng chống dịch bệnh kém.

Nhằm giải quyết vấn đề lợn giống kết hợp chuyển giao kỹ thuật trong chăn nuôi, cuối năm 2009, Phòng NN - PTNT huyện thực hiện Dự án “Hỗ trợ nâng cao chất lượng phát triển sản xuất lợn giống” tại xã Sủng Trái. Đây là địa phương có truyền thống chăn nuôi lợn nái, hàng năm thường có khoảng 100 hộ nuôi lợn nái sinh sản phục vụ lợn giống cho xã và địa bàn lân cận.

Ngay sau khi Dự án được phê duyệt, Phòng NN - PTNT phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, chọn được 185 hộ dân ở 13 thôn trong xã tham gia. Dự án tiến hành mua 172 con lợn nái giống địa phương đủ tiêu chuẩn cung cấp cho 172 hộ. Định mức hỗ trợ giống 2,5 triệu đồng/con, tổng kinh phí 430 triệu đồng từ nguồn vốn 30a. Mua 13 con lợn đực giống cho 13 hộ từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học.

Định mức hỗ trợ 100% giá con giống với trọng lượng 40kg/con. Đồng thời, hỗ trợ thuốc thú y với định mức 100.000 đồng/hộ; hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ sửa và làm chuồng trại. Đến tháng 5.2013, số lợn nái bà con nuôi đều sống và sinh sản tốt, 172 lợn nái đã sinh sản được 8.428 con lợn giống đạt tiêu chuẩn.

Về hiệu quả kinh tế, sau gần 4 năm, 172 hộ sản xuất và bán được 8.428 con lợn, với giá bình quân 1 triệu đồng/con giống, cho nguồn thu trên 8.428 triệu đồng, trừ chi phí mua lợn giống, nhân công, thuốc thú y... với số tiền trên 950 triệu đồng thì nguồn thu của bà con được trên 7.400 triệu đồng. Đây là số tiền lớn, giúp bà con trong xã có thêm nguồn thu, xóa đói giảm nghèo.

Về hiệu quả xã hội, hàng năm, từ nghề nuôi lợn sinh sản đã giải quyết việc làm cho 185 hộ với trên 700 lao động. Đồng thời, Dự án cũng chuyển giao tập huấn kỹ thuật được 6 lớp cho 240 lượt người tham gia. Qua thực tế chăn nuôi lợn sinh sản, trên địa bàn xã đã có 49 hộ làm theo, trong đó có 34 hộ nuôi lợn sinh sản từ con giống của các hộ tham gia dự án.

Ngoài cung ứng giống các hộ nuôi lợn nái sinh sản cũng cơ bản giải quyết được vấn đề giống cho các xã phía Nam của huyện. Ông Thò Mí Pó, thôn Há Chớ cho biết: “Gia đình tôi được Dự án hỗ trợ 1 con lợn nái giống từ năm 2009. Ban đầu, gia đình duy trì lợn nái và phát triển tăng đàn theo từng năm. Đến nay đã có 3 con lợn nái, ngoài phục vụ con giống cho gia đình, còn cung cấp cho bà con trong thôn và các xã lân cận.

Từ chăn nuôi lợn, bình quân mỗi năm, trừ chi phí gia đình cũng thu khoảng 20 triệu đồng”. Giống như gia đình ông Pó, từ việc tham gia Dự án, gần 200 hộ dân trên địa bàn xã đã có con giống phát triển chăn nuôi, thêm nguồn thu nhập, trong đó có gần 50 hộ đã thoát khỏi cảnh đói nghèo. Đồng chí Nguyên Thanh Tuân, Trưởng phòng NN – PTNT huyện cho biết: Với số vốn đầu tư chưa đầy 1 tỷ đồng, đây là

Dự án vốn đầu tư nhỏ nhưng hiệu quả thu được rất lớn. Ngoài việc giúp gần 200 hộ dân trên địa bàn xã Sủng Trái có con giống phát triển chăn nuôi lợn nái, lợn thịt và đáp ứng nhu cầu lợn giống phát triển chăn nuôi cho xã và các xã lân cận, còn giúp huyện bảo tồn nguồn gen lợn địa phương có giá trị kinh tế cao; khống chế được tình trạng lây lan dịch bệnh”.

Qua Dự án tại xã Sủng Trái, từ năm 2012 đến nay, huyện Đồng Văn đã nhân rộng việc hỗ trợ nhân dân chăn nuôi lợn nái địa phương trên địa bàn các xã. Trong đó, năm 2012, hỗ trợ 66 hộ với mức đầu tư bình quân mỗi hộ 7 triệu đồng; năm 2013 hỗ trợ 285 hộ, mức hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ.

Tuy nhiên, huyện xác định đầu tư lợn nái sinh sản cho từng thôn tùy thuộc vào nhu cầu tiêu thụ lợn giống, số hộ dân nên việc đầu tư chỉ đủ sản xuất giống đáp ứng nhu cầu từng thôn nhằm hạn chế việc bán giống ra ngoài địa bàn, tránh lây lan dịch bệnh.


Có thể bạn quan tâm

Trồng Sắn Đang Có Lãi Trồng Sắn Đang Có Lãi

Theo Cty CP Chế biến tinh bột sắn XK Bình Định (BDSTAR), từ đầu vụ SX (cuối tháng 8/2014) đến nay, giá thu mua sắn là 1.850đ/kg với sắn có hàm lượng tinh bột đạt 30%. “Giá sắn chỉ cần đứng ở mức 1.000đ/kg nông dân đã có lãi”, ông Phan Sĩ Hùng, Phó phòng NN-PTNT huyện Phù Cát (Bình Định), khẳng định.

10/09/2014
626 Ha Nhãn Bị Tái Nhiễm Bệnh 626 Ha Nhãn Bị Tái Nhiễm Bệnh "Chổi Rồng"

Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, diện tích nhãn bị tái nhiễm bệnh “chổi rồng” khoảng 626 ha, trong đó 311 ha nhãn bị nhiễm bệnh “chổi rồng” dưới 5 - 10%, 280 ha bị nhiễm bệnh từ 15 - 20%, 35 ha nhiễm bệnh từ 30 - 75%. Diện tích nhãn bị tái nhiễm tập trung ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, TX. Gò Công và TP. Mỹ Tho.

10/09/2014
Tái Cơ Cấu Ngành Nông Nghiệp Và Nhiệm Vụ Của Trung Tâm Khuyến Nông Tái Cơ Cấu Ngành Nông Nghiệp Và Nhiệm Vụ Của Trung Tâm Khuyến Nông

Nền nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, đóng góp to lớn vào thành tựu chung của đất nước. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp những năm gần đây đang giảm dần và bộc lộ những hạn chế yếu kém của một nền nông nghiệp dựa trên kinh tế hộ manh mún, thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

10/09/2014
Xuất Khẩu Gạo Tiêu Thụ Hết Lượng Gạo Trong Dân Với Giá Cao Xuất Khẩu Gạo Tiêu Thụ Hết Lượng Gạo Trong Dân Với Giá Cao

Không giống như vụ Hè-Thu hàng năm là vụ sản xuất và kinh doanh lúa gạo khó khăn nhất trong năm, vụ lúa Hè-Thu 2014 tại Đồng bằng sông Cửu Long đến nay gần như đã kết thúc, lúa thu hoạch tới đâu được doanh nghiệp và thương lái thu mua hết đến đó với giá cao so với mọi năm.

10/09/2014
Hướng Mở Cho Làng Nghề Cá Khô Vàm Láng Hướng Mở Cho Làng Nghề Cá Khô Vàm Láng

Thị trấn Vàm Láng không chỉ được nhiều người biết đến với cảng cá lớn nhất khu vực Gò Công, Lễ hội Nghinh Ông, Di tích Lăng Ông Nam Hải… mà còn có làng nghề cá khô truyền thống. Cùng với các loại hình chế biến khác như lột ghẹ, lột tôm, chế biến mắm, tôm khô, ruốc khô… nghề phơi cá khô truyền thống đã góp phần đáng kể vào giải quyết việc làm cho lao động và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động tại địa phương.

10/09/2014