Dự Án Chăn Nuôi Dê Phát Huy Hiệu Quả Tốt

Năm 2013, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai Dự án “Phát triển chăn nuôi dê” tại xã Trung Hội (Định Hóa). Qua hơn 1 năm triển khai, Dự án đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần tạo sinh kế bền vững cho nhiều hộ dân ở xã miền núi này.
Ông Ma Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Hội cho biết: Trung Hội có diện tích rừng khá lớn, thuận lợi để phát triển chăn nuôi dê.
Cùng với đó, một số hộ dân trong xã đã có sẵn chuồng trại và kinh nghiệm chăn nuôi dê. Trên thực tế, chăn nuôi dê đã phát triển ở xã từ khoảng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, do chưa được quy hoạch cụ thể về vùng chăn nuôi, đa số các hộ đều nuôi dê tự phát và chăn thả tự do ảnh hưởng đến sản xuất nông, lâm nghiệp. Thêm vào đó, để bắt đầu nuôi dê cần khá nhiều vốn vì giá dê giống luôn ở mức khá cao, một con dê sinh sản nặng 30kg có giá khoảng 3-4 triệu đồng.
Trong lúc nhiều hộ dân đang loay hoay với việc phát triển đàn dê, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai Dự án “Phát triển chăn nuôi dê” ở xã. 12 hộ được lựa chọn tham gia Dự án đã được vay 20-30 triệu đồng/hộ, với lãi suất 0,8%/tháng trong vòng 2 năm từ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương để đầu tư phát triển chăn nuôi dê. Trước khi thực hiện Dự án, Hội Nông dân huyện Định Hóa đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh cho đàn dê cho các hộ gia đình.
Ông Mạc Văn Viên, ở xóm Làng Mố, xã Trung Hội một trong những người đầu tiên tham gia dự án cho biết: Khoảng năm 2008-2010, tôi đã chăn nuôi dê nhưng do không có vốn đầu tư nên sau một thời gian duy trì nuôi 1-2 con dê/lứa, tôi đã không tiếp tục tái đàn. Năm 2013, sau khi vay 30 triệu đồng từ Dự án, ông Viên đã đầu tư làm chuồng trại và mua 5 con dê sinh sản. Từ 5 con dê ban đầu, có thời điểm đàn dê của gia đình ông có trên 20 con.
Khi chúng tôi đến thăm nhà, ông vừa bán 5 con dê thịt thu được gần 14 triệu đồng. Ông Viên nhẩm tính: Nuôi dê đang có đầu ra ổn định và cho thu lãi cao hơn khoảng 1,5 - 2 lần so với nuôi lợn. Chúng tôi chỉ cần gọi điện thoại là các tư thương sẽ đến tận nơi thu mua với mức giá khoảng 120 nghìn đồng/kg.
Cũng được vay 30 triệu đồng từ Dự án “Phát triển chăn nuôi dê”, gia đình anh Ma Văn Hào ở xóm Làng Vầy hiện đã có 15 con dê. Anh Hào cho biết: Trước kia, gia đình tôi đã chăn nuôi lợn nhưng có những thời điểm giá lợn xuống rất thấp trong khi giá thức ăn ngày càng cao nên tôi đã suy nghĩ tìm nuôi một con vật mới có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ngoài tiền giống, chăn nuôi dê hầu như không tốn kém thêm chi phí nào khác vì chúng hầu hết ăn các loại cây cỏ, lá cây rừng. Đây cũng là loại vật có sức đề kháng cao, ít bị ốm. Qua hơn 1 năm tham gia dự án, gia đình tôi đã thu hồi được tiền vốn ban đầu.
Được biết, các hộ dân tham gia dự án đều có quy mô đàn từ 10-30 con/hộ. Tất cả các gia đình đều đã xuất bán từ 2-3 lứa dê với giá bán trung bình khoảng 120-150 nghìn đồng/kg. Thêm vào đó, hiện nay, nhu cầu thị trường khá cao nên gần như nguồn cung dê thương phẩm không đủ cầu.
Dù chỉ bán một số dê trưởng thành nhưng đa số các hộ thuộc Dự án đều có khả năng trả được vốn vay, đồng thời có vốn để đầu tư nhân đàn... Sau khi các hộ tham gia dự án thu được hiệu quả bước đầu, nhiều hộ dân trong xã cũng đã phát triển chăn nuôi dê trở lại. Hiện toàn xã có hơn 60 hộ chăn nuôi dê, với tổng số đàn dê là khoảng 700 con.
Theo ông Ma Ngọc Hạnh, “Phát triển chăn nuôi dê” là dự án đem lại hiệu quả thiết thực đối với nông dân ở xã Trung Hội. Sắp tới, Hội Nông dân xã sẽ đề xuất tiếp tục và mở rộng hơn nữa quy mô dự án, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật về chăn nuôi dê. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với nhân viên thú y xã làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, đồng thời lên kế hoạch cụ thể để tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương nhằm phát triển chăn nuôi dê.
Nguồn bài viết: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/du-an-chan-nuoi-de-phat-huy-hieu-qua-tot-222540-108.html
Có thể bạn quan tâm

Theo sự giới thiệu của Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn chúng tôi đến thăm gia đình anh Lại Văn Diến, khu 2, thị trấn Kỳ Sơn là hộ gia đình hội viên nông dân tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện.

Sáng ngày 6/8, Hội chợ triển lãm quốc tế Thủy sản Việt Nam (VietFish) lần thứ 16 năm 2014 do Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức đã khai mạc tại thành phố Hồ Chí Minh.

Những năm qua, Trạm khuyến nông - khuyến lâm huyện Lạc Thủy đã làm tốt chức năng cầu nối chuyển giao tiến bộ KHKT, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đây là động lực quan trọng để phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Cá mú nghệ trước đây được xuất khẩu hoàn toàn qua Đài Loan. 2 năm nay, thị trường này không nhập khẩu nữa, người nuôi cá mú nghệ tại vùng đìa Bãi Giếng Nam (thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đứng ngồi không yên.

Năm 2008, huyện Lương Sơn có 6.712 hộ ở 18 cơ sở hội đăng ký gia đình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, chiến 60% hộ nông dân toàn huyện. Ngày càng nhiều những mô hình nông dân làm kinh tế giỏi có mức thu nhập từ 30 triệu đồng/năm trở lên ở các xã Hòa Sơn, Tân Vinh, Cư Yên, Nhuận Trạch, Thị trấn...