Dự Án Chăn Nuôi Bò Sinh Sản, Đảm Bảo Vệ Sinh Môi Trường Có Hiệu Quả Ở Đồng Tháp

Tháng 1/2012, Hội Nông dân xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) triển khai dự án “Chăn nuôi bò sinh sản, đảm bảo vệ sinh môi trường” cho 18 hộ nông dân tại ấp Bắc Trang 2. Đến nay, dự án bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.
Nhiều hộ chăn nuôi gia súc trên địa bàn xã Tân Công Chí chủ yếu chọn con giống của địa phương và chăn nuôi theo kiểu truyền thống nên năng suất chưa cao. Từ đó, Hội Nông dân xã đã mạnh dạn lập dự án “Chăn nuôi bò sinh sản, đảm bảo vệ sinh môi trường”, vận động người dân chăn nuôi giống bò năng suất cao kết hợp với xử lý tốt môi trường để phát triển kinh tế từ nguồn vốn hỗ trợ của cấp trên.
Ông Nguyễn Văn Sẽ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Công Chí cho biết: “Mục tiêu của dự án là xây dựng mô hình liên kết phát triển chăn nuôi bò sinh sản với chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường; chuyển đổi nhận thức của nông dân từ phương thức chăn nuôi truyền thống sang phương pháp chăn nuôi khoa học; nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, phổ biến, trao đổi, học hỏi chăn nuôi bò đảm bảo chất lượng theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho nông dân và thu hút nông dân vào Hội”.
Dự án được thực hiện trong 3 năm, với tổng số vốn 650 triệu đồng, trong đó nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương hỗ trợ 400 triệu đồng, còn lại là vốn của người dân. Đối tượng của dự án là hội viên nông dân khó khăn, thiếu kiến thức, kinh nghiệm làm ăn nhưng có lực lượng lao động và đủ điều kiện về chuồng trại để chăn nuôi. Mỗi hộ được hỗ trợ từ 20 - 25 triệu đồng để mua bò cái sinh sản. Các hộ gia đình chủ động mua bò giống có độ tuổi từ 18 - 20 tháng. Số tiền chênh lệch giữa giá cả thực tế và tiền dự án hỗ trợ, Hội Nông dân đứng ra vận động anh em họ hàng hoặc tín chấp ngân hàng cho các hộ vay.
Với cách làm này, dự án đã hỗ trợ nông dân mua được 36 con bò giống đạt tiêu chuẩn. Hội Nông dân xã lập sổ theo dõi để phản ánh tình hình đàn bò trong xã liên quan đến bệnh tật, lứa đẻ, chi phí mua bán bò...
Sau hơn 1 năm thực hiện, đến nay số bò, bê của dự án đã tăng lên 54 con. Có những hộ mua bò phối giống liền nay đã có từ 1 đến 2 bò con. Điển hình là hộ ông Nguyễn Văn Dư ấp Bắc Trang 2, được dự án cho vay 20 triệu đồng, ông Dư mua 2 con bò cái đang mang thai với giá 45 triệu đồng. Sau hơn 1 năm nuôi, tổng đàn bò có được là 6 con, trong đó có 1 con đang mang thai.
Tương tự ông Trần Văn Đức, ấp Bắc Trang 2 được dự án cho vay 25 triệu đồng mua 2 con bò giống, trị giá 28 triệu đồng. Ông Đức cho biết: “Đến nay tổng đàn bò là 3 con, trong đó có hai con bò lớn gần đến ngày sinh sản. Hiện nay, số bò của tôi trị giá 65 triệu đồng”.
Không chỉ hỗ trợ bò sinh sản, Hội Nông dân xã Tân Công Chí phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản, chuẩn bị chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng bê con, cách phòng trừ dịch bệnh. Dự án còn hỗ trợ Hội Nông dân xã thành lập Tổ nông dân liên kết phát triển chăn nuôi bò sinh sản để học tập và trao đổi kinh nghiệm làm ăn, chuyển giao kỹ thuật và được tham quan, học hỏi những mô hình chăn nuôi bò hiệu quả ở các địa phương khác... Từ đó tạo điều kiện cho nhiều hội viên nông dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, nhiều hội viên vươn lên khá giả, có điều kiện xây dựng, sửa chữa nhà cửa.
Dự án còn giúp bà con có ý thức hơn trong công tác bảo vệ môi trường, không thả rông gia súc, gia cầm; giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngăn chặn các loại dịch bệnh. Ngoài việc đem lại hiệu quả kinh tế, dự án đã góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động, phong trào thi đua của các cấp Hội, giúp hội viên nông dân yên tâm, gắn bó và tích cực tham gia vào tổ chức Hội Nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Vừa nuôi, vừa mày mò, học hỏi thêm về kỹ thuật nuôi hươu, dần dần ông khánh đã nắm bắt được những kinh nghiệm nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ những ở xã Trung Sơn. Thức ăn của hươu rất đơn giản chủ yếu là lá rừng, cỏ cây (cỏ voi, lá xoan, lá sung, lá mít…) rất dễ kiếm và dẻ tiền

Lần đầu tiên ở Mỹ có tình trạng ngô được dùng để chế tạo làm nhiên liệu sinh học nhiều hơn làm thức ăn gia súc, làm giá ngô tăng vọt, gây nhức nhối cho người chăn nuôi và người dân ở các nước nghèo vẫn dùng ngô làm lương thực

Hơn 15 năm nay, mô hình nuôi cá lồng ở thôn La Ỷ, Phú Thượng (Phú Vang, Thừa Thiên Huế) tận dụng nguồn hàng phế phẩm từ các chợ đã mang hiệu quả.

Ốc bươu vàng là đại dịch của nhà nông, cắn phá lúa gây thiệt hại nghiêm trọng, người dân tìm đủ cách diệt trừ nhưng không hết. Thịt ốc ăn không ngon, nhà nông chỉ chế biến cho cá tôm hay vịt ăn. Thế mà gần đây, ốc bươu vàng lại được thương lái thu gom xuất qua Trung Quốc!

Hiện cả nước có khoảng 50.000 ha ca cao, trồng tập trung tại Bến Tre, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Bình Phước, Tiền Giang và Bà Rịa- Vũng Tàu. Nhiều diện tích đã áp dụng tiêu chuẩn "UTZ Certified, hữu cơ và thương mại công bằng" cho hiệu quả kinh tế cao, thân thiện môi trường...