Đồng Tháp Lao Đao Tìm Đầu Ra Cho Trái Cây Khi Vào Chính Vụ

Từ đầu tháng 3 - 5 âm lịch là thời điểm một số loại trái cây vào mùa thu hoạch rộ. Hiện nay, dù chỉ mới đầu mùa nhưng các mặt hàng trái cây đang rớt giá thê thảm, khiến nhà vườn phải lao đao vì không thể xoay sở đầu ra cho vườn cây ăn quả nhà mình.
Hiện tại, xoài của tỉnh Đồng Tháp và một số tỉnh lân cận đang vào mùa thu hoạch rộ, dẫn đến tình trạng thừa nguồn cung, giá xoài hơn tháng nay bắt đầu tuột dốc mạnh. So với trước Tết, giá xoài giảm trung bình từ 60 - 70%. Hiện tại, xoài Cao Lãnh được thương lái thu mua từ 18 - 22 ngàn đồng/kg, xoài cát Chu Cao Lãnh 6 - 7 ngàn đồng/kg, xoài Đài Loan dao động từ 5 - 6 ngàn đồng/kg, các loại xoài lai, xoài thanh ca, xoài hòn... chỉ còn 3 - 4 ngàn đồng/kg.
Hiện xoài tại vườn ở các huyện đang vào thu hoạch rộ nhưng thương lái thì vắng bóng. Nhiều vựa trên địa bàn huyện Cao Lãnh chỉ tiêu thụ cầm chừng hoặc dừng thu hàng.
Ông Trần Văn Nên, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh cho biết: “Hiện nay xoài bao trái thì vẫn còn bán được nhưng vườn nào không bao trái là “chết đứng” vì lái không mua, hoặc chỉ mua với giá rất thấp. Xoài chín đầy ngoài cây nhưng không lái nào tới hỏi mua, vụ này chắc “xong” luôn”.
Không riêng xoài rớt giá mà một số loại trái cây như mận, ổi cũng chịu chung số phận. Giá ổi Đài Loan tại vườn chỉ còn 2 - 3 ngàn đồng/kg, giảm 9 - 10 ngàn đồng/kg so với trước đây một tháng. Với mức giá này, nhà vườn không những bị lỗ công mà lỗ cả vốn. Lo lắng của nhà vườn càng chất chồng khi nhiều vựa tuyên bố không tiêu thụ hàng nữa do không có đầu ra.
Nhiều hộ trồng ổi Đài Loan ở huyện Châu Thành, Cao Lãnh đang lao đao vì ổi đến lứa hái nhưng thương lái thì bặt tăm. Anh Nguyễn Trung Nhân ở xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh tâm sự: “Do phải tốn tiền thuê nhân công bao trái nên chi phí giá thành 1kg ổi mất 4 ngàn đồng. Trước đây bán với giá 14 ngàn đồng/kg vẫn còn lãi cao, giờ giá ổi chỉ còn 3 ngàn đồng/kg thì còn gì lợi nhuận. Chưa kể mấy ngày nay, lái không mua, ổi chín rụng đầy vườn tôi phải mang cho cá ăn”.
Hiện tại, một số giống ổi truyền thống như ổi xá lỵ được trồng ở huyện Cao Lãnh và Châu Thành còn thê thảm hơn với giá cầm cự từ 800 - 900 đồng/kg nhưng rất ít người mua. Anh Nguyễn Hữu Thanh ở xã An Hiệp, huyện Châu Thành trong tâm trạng não nề nói: “Giá ổi chưa tới 1 ngàn đồng/kg nhưng đem ra chợ bán chẳng ai thèm ngó”.
Có thể bạn quan tâm

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Đặng Trường Khanh đã làm nhiều việc khác không liên quan gì đến cây ca cao, nhưng bỗng dưng anh lại được “lệnh” của cha mình rời TP.Hồ Chí Minh lên huyện Định Quán (Đồng Nai) thay ông triển khai dự án phát triển cây ca cao ở vùng đất này. Hơn 8 năm qua, anh đã có biết bao buồn vui với cây ca cao.

Dự án chăn nuôi gà thịt hàng hóa theo hướng an toàn sinh học (ATSH) được triển khai thử nghiệm tại 12 hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Phú Bình (Thái Nguyên) thời gian vừa qua đã bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho người chăn nuôi…

Năm 2011, anh Huỳnh Văn Thành, 59 tuổi đầu tư hơn 1 tỉ đồng xây dựng trang trại tại xã Phước Thắng (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) nuôi heo siêu nạc.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lo rằng khó khăn về thị trường cùng với dịch bệnh thủy sản chưa có dấu hiệu dừng lại khiến nguồn nguyên liệu cho năm 2013 không ổn định, qua đó, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu. Nhưng ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) lại cho rằng những vấn đề này sẽ được giải quyết trong năm nay.

Hoạt động khai thác tôm hùm con, mà chủ yếu là nghề bẫy bắt để phục vụ nuôi trồng thủy sản trong thời gian qua đã phát triển mạnh tại vùng ven biển Bình Thuận. Việc này đã gây ảnh hưởng đến nguồn lợi tôm hùm trong tự nhiên. Đồng thời việc giăng mắc ngư lưới cụ cố định để bẫy bắt tôm hùm con tràn lan trong các khu vực ven bờ đã cản trở hoạt động đi lại của tàu thuyền cũng như hoạt động tắm biển, vui chơi, giải trí tại các khu du lịch ven biển, gây tranh chấp ngư trường đánh bắt, làm ảnh hưởng an ninh trật tự vùng ven biển.