Đồng Bằng Sông Cửu Long Mở Rộng Thị Trường Xuất Khẩu Trái Cây Đặc Sản

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam (SOFRI), hiện nay, trái cây đặc sản chủ lực của đồng bằng sông Cửu Long đang mở rộng thị trường xuất khẩu đến 76 nước trên khắp các châu lục, tăng hơn 13 nước so với năm trước. Bên cạnh các thị trường truyền thống: Trung Quốc, Nga, Nhật, Indonesia, Hàn Quốc, Singapore... còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường mới đầy tiềm năng, thu hút ngoại tệ như Hoa Kỳ, Hà Lan, Nam Phi, Rumani, Hy Lạp, Ai Cập, Phi-líp-pin...
Các mặt hàng trái cây chủ lực được thị trường xuất khẩu ưa chuộng gồm: Thanh long, dừa, dứa, mít, nhãn, xoài, bưởi, chuối, chôm chôm... Trong đó, thanh long luôn là mặt hàng đứng đầu trong danh sách trái cây xuất khẩu, chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu quả. Đặc biệt, thanh long đã thâm nhập thành công các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Chi Lê, Trung Đông.
Trong năm 2012, nhiều thị trường xuất khẩu trái cây đặc sản đã tăng đột biến mang lại niềm vui cho nhà vườn cũng như các ngành chức năng: Xuất sang Nam Phi tăng gấp 13 lần, sang Rumani tăng 6 lần, sang Hy Lạp tăng 3 lần so với năm 2011. Kim ngạch xuất khẩu trái cây chính ngạch đạt 330 triệu USD, tăng gấp đôi năm 2011. Năm 2013, khả năng đạt kim ngạch 360 triệu USD xuất khẩu chính ngạch nằm trong tầm tay. Đó là nhờ dự báo xuất khẩu chôm chôm, nhãn và xoài sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi được chấp thuận cho nhập khẩu vào các thị trường Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc.
Ngoài ra, các chủng loại trái cây đặc sản đồng bằng sông Cửu Long như cam sành, bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, sầu riêng Ngũ Hiệp (Tiền Giang), mãng cầu... cũng được thị trường nội địa ưa chuộng, trong đó Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Bắc... là những thị trường lớn nhất.
Những ngày đầu tháng 8/2013, ở Tiền Giang, giá sầu riêng đang tăng mạnh. Sầu riêng chất lượng cao giống RI 6, Mong Thong, Cơm vàng hạt lép... thương lái thu mua tại vườn có giá 32.000 - 34.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với cách đây gần một tháng. Với giá trên, mỗi ha chuyên canh nhà vườn đạt nguồn thu trên 500 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 200 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Ngoãn, một nhà vườn trồng chuyên canh sầu riêng ở Long Tiên, Cai Lậy cho biết, bình quân mỗi ha sầu riêng cho năng suất từ 15 - 20 tấn trái. Ngày nay, trình độ canh tác của nhà vườn được nâng lên, áp dụng đồng bộ các giải pháp thâm canh để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nên hiệu quả kinh tế cây trồng này rất cao. Đặc biệt, với kỹ thuật xử lý cho trái mùa nghịch, bà con đã chủ động được thời vụ thu hoạch để bán được giá cao.
Có thể bạn quan tâm

Từ một người nghèo khó, phải đi làm mướn mới đủ tiền nuôi sống gia đình… đến nay, gia đình ông đã có “của ăn, của để” và giúp đỡ những người khó khăn. Đó là ông Nguyễn Văn Ân (ấp Thanh Đăng, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang), 1 lão nông sản xuất - kinh doanh giỏi nhiều năm liền, với mô hình nuôi bò hiệu quả cao.

Ngày 2-5, các chủ trang trại nuôi heo trên đại bàn Thống Nhất, Trảng Bom cho biết, bắt đầu từ những ngày đầu nghỉ lễ đến nay (từ ngày 28-4), giá heo thịt thương lái mua tại các trại ở Đồng Nai chỉ còn khoảng 46 - 48 ngàn đồng/kg, giảm khoảng 2 ngàn đồng/kg so với những ngày trước lễ.

So với các địa phương khác trong tỉnh, huyện Lạc Thủy có khá nhiều thuận lợi về thị trường tiêu thụ, giao thương hàng hóa để phát triển chăn nuôi. Lợi thế này cũng được các nông hộ trên địa bàn phát huy, tận dụng, từng bước hình thành vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn.

Dự án sử dụng nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân với số tiền 700 triệu đồng và tham gia của 28 hộ dân.
Một số chủ đầu mối cung cấp thủy sản tươi sống tại huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) cho biết, trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, các ngư dân tăng cường khai thác thủy sản để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng cao của người dân trong tỉnh và TP.Hồ Chí Minh.