Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đông Anh (Hà Nội) Tạo Đột Phá Từ Cơ Giới Hóa

Đông Anh (Hà Nội) Tạo Đột Phá Từ Cơ Giới Hóa
Ngày đăng: 28/07/2014

Xác định đưa cơ giới hóa vào sản xuất là động lực để hiện đại hóa nền nông nghiệp và góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, huyện Đông Anh (Hà Nội) quyết tâm ứng dụng mô hình mạ khay, máy cấy vào sản xuất lúa, từng bước giúp người dân nâng cao hiệu quả canh tác, tăng thu nhập.

Nhiều lợi ích

Vụ mùa năm 2014 là vụ thứ hai, xã Liên Hà đưa mô hình mạ khay, máy cấy vào sản xuất với diện tích 70ha. Được huyện hỗ trợ 50% kinh phí mua 8 chiếc máy cấy Kobota, xã đã tiến hành gieo mạ khay cấy bằng máy cho bà con nông dân trong xã với giá dịch vụ 155.000 đồng/sào.

Chị Lê Thị Mơ, thôn Đại Vĩnh cho biết: "Nhà tôi có 6 sào ruộng ở xứ đồng trũng, trước đây luôn lo lắng bởi mỗi khi gió to hay mưa bão là lúa thường bị đổ, năng suất thấp. Nhưng kể từ khi cấy lúa bằng mạ khay, máy cấy, năng suất lúa đã tăng lên đáng kể".

So sánh với cấy lúa theo phương pháp truyền thống thì mô hình mạ khay, máy cấy giảm chi phí trung bình 100.000 đồng/sào, giảm 1/2 lượng thóc giống/sào. Cấy bằng máy một sào chỉ cần thời gian khoảng 15 - 20 phút nên giảm đáng kể chi phí ngày công và tiết kiệm sức lao động cho nông dân, đồng thời cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị đổ do tác động của gió bão.

Nhờ đó, năng suất cao hơn lúa cấy bằng tay trung bình 1 tạ/ha, chất lượng thóc cũng cao hơn. Ông Ngô Văn Lệ - Trưởng Phòng Kinh tế huyện Đông Anh cho biết, áp dụng mô hình mạ khay, máy cấy vào sản xuất đã góp phần không nhỏ vào việc khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai; củng cố, nâng cao vai trò của các HTX. Điều quan trọng là làm thay đổi được tập tục sản xuất thủ công manh mún, nhỏ lẻ của người nông dân.

Vụ xuân năm 2014, huyện triển khai thí điểm mô hình mạ khay, máy cấy với diện tích 30ha tại 6 xã. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, năng suất lúa vụ xuân bình quân đạt gần 60tạ/ha. Lợi nhuận của lúa cấy bằng máy cao hơn cấy lúa bằng tay khoảng 2,5 triệu đồng/ha và tiết kiệm 20% chi phí.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả

Vụ mùa 2014, Đông Anh tiếp tục triển khai áp dụng mạ khay, máy cấy tại 6 xã Liên Hà, Việt Hùng, Thụy Lâm, Vân Hà, Dục Tú, Xuân Nộn với diện tích 200ha. Để khuyến khích các xã tham gia mô hình, huyện đã hỗ trợ gần 3 tỷ đồng và 28 máy cấy.

Trong đó, hỗ trợ 50% giá trị máy cấy, 50% kinh phí mua khay mạ, 100% kinh phí mua thóc giống, tập huấn và hỗ trợ công cấy 50.000 đồng/sào. Bên cạnh đó, huyện tuyên truyền sâu rộng về những ưu điểm, lợi ích của mô hình mạ khay, máy cấy đến người dân.

Để đảm bảo chất lượng, hiệu quả của mô hình và nâng cao trách nhiệm các xã, HTX, huyện yêu cầu các địa phương cam kết trong việc mua, quản lý và sử dụng máy cấy. Trong đó, cán bộ, đảng viên phải đi đầu, gương mẫu thực hiện. Chẳng hạn như tại xã Liên Hà, các đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã, Xã đội trưởng cũng tham gia góp cổ phần trong việc mua máy cấy và hạch toán kinh tế từ khâu đầu đến khâu cuối.

Để triển khai mô hình mạ khay, máy cấy hiệu quả, huyện đã tổ chức tham quan mô hình và học hỏi kinh nghiệm tại xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên. Sau đó, tổ chức trình diễn cấy bằng máy ngay trong vụ mùa 2013.

Với quyết tâm cao độ, sự nỗ lực, đồng thuận của cán bộ và người dân trong việc đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, diện mạo nông thôn Đông Anh sẽ ngày một khởi sắc.


Có thể bạn quan tâm

Thu nhập cao nhờ nuôi bò vỗ béo Thu nhập cao nhờ nuôi bò vỗ béo

Trạm Khuyến nông huyện Vân Canh (Bình Định) vừa tổ chức hội nghị tổng kết mô hình vỗ béo bò trước khi xuất bán tại xã Canh Hiển.

02/10/2015
Giúp hộ nghèo có hướng làm ăn Giúp hộ nghèo có hướng làm ăn

“Nhờ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH, gia đình tôi không chỉ được vay vốn hộ nghèo đầu tư phát triển sản xuất mà còn được vay cả vốn cho con đi học đến nơi đến chốn” - chị Nguyễn Minh Khuyến, thôn Dĩnh Tân, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang thổ lộ.

02/10/2015
Gà lông trắng không có thế mạnh Gà lông trắng không có thế mạnh

Đó là ý kiến của ông Trần Duy Thanh- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam.

02/10/2015
Sản phẩm đặc trưng sâm Ngọc Linh và ô tô Sản phẩm đặc trưng sâm Ngọc Linh và ô tô

Trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ (KH-CN) giai đoạn 2015 - 2020, Quảng Nam tập trung phát triển hai sản phẩm đặc trưng là sâm Ngọc Linh và ô tô, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

02/10/2015
Khó đưa vốn về thị trường nông thôn Khó đưa vốn về thị trường nông thôn

Thiếu cơ sở hạ tầng, dự án lớn, món vay nhỏ, địa bàn rộng, chính sách nông nghiệp bất cập lẫn việc có quá nhiều rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh ở thị trường nông nghiệp, nông thôn nên lượng vốn tín dụng đầu tư vào khu vực này vẫn không đạt như ý muốn của giới ngân hàng.

02/10/2015