Đổi đời nhờ trồng gấc

Mạnh dạn thuê đất trồng gấc, chỉ một năm sau, ông Đặng Văn Hai ở H.Mang Thít (Vĩnh Long) đã có thu nhập gần 600 triệu đồng.
Ruộng gấc của ông Hai được nhiều người tham quan học hỏi kinh nghiệm. Ảnh: Thanh Đức
Ông Hai (còn gọi Hai Đạo, 53 tuổi, ngụ ấp Mỹ Phú, xã Mỹ Phước) kể gia đình chỉ có vài công đất vườn nhưng đã chia hết cho mấy đứa con. Cách đây hơn 1 năm, sau khi tham quan các mô hình nông nghiệp ở nhiều nơi, ông mạnh dạn thuê đất lúa kém hiệu quả để trồng gấc. Ban đầu, ông thuê 10 công đất gần nhà với giá 2 triệu đồng/công/năm. Sau hơn 2 tháng chăm sóc, thấy gấc phát triển tốt, ông thuê thêm hơn 10 công cách nhà khoảng 2 km để xuống giống. Do địa phương chưa có ai trồng gấc, nên thấy ông đầu tư trồng với quy mô lớn thì nhiều người can ngăn. “Tôi dám làm vì tin đất phù hợp, giống mua ở nơi đáng tin cậy và đầu ra được bao tiêu hẳn hoi”, ông Hai nói.
Theo ông Hai, đối với đất lúa kém hiệu quả có thể trồng màu, nhưng chỉ sau 1 - 2 vụ trồng phải đổi giống cây màu rất tốn công. Trong khi trồng gấc có thể đầu tư một lần nhưng thu hoạch nhiều năm liền, nếu trồng khéo có thể lên tới 5 - 7 năm. Quyết là làm, ông đến Viện Cây ăn quả miền Nam ở Tiền Giang mua giống. “Tôi chọn giống có gốc ghép nước ngoài nên cho trái thịt dày và ngon. Tuy giá bán cao hơn bên ngoài nhưng chất lượng tin cậy. Mỗi dây 17.000 đồng, tôi mua hơn 800 dây tốn hơn 100 triệu đồng. Chỉ sau 4 tháng chăm sóc, gấc đã cho trái hơn sự mong đợi”, ông Hai phấn khởi.
Ông Hai cho biết, gấc rất dễ trồng. Để giảm chi phí, ông dựng màn lưới bằng cây cách mặt đất khoảng 2 m. Mỗi công đất (1.000 m2) chỉ trồng 40 dây gấc. Mỗi liếp có bề ngang 4 m và mương nước khoảng 2,5 m. Khi xuống giống, ông đào một hố lớn, trộn phân bò và tro trấu tạo độ xốp để cây phát triển bền vững. Khi cây có trái, bón phân mỗi tháng 1 lần, chủ yếu là NPK. Nếu dây tốt thì rải phân kali cho vỏ gấc dày, ruột đỏ, tránh sâu bệnh. “Cần lưu ý, khi gấc cho trái thường gặp 2 loại bệnh là thán thư và vàng lá làm trái bị nhỏ. Để trị bệnh này, chỉ cần cắt đoạn nhánh dây bị bệnh và phun ít thuốc bảo vệ thực vật, sau đó gấc sẽ ra nhánh tốt và trái to bình thường”, ông Hai chia sẻ và cho biết những tháng đầu, trung bình ông hái bán 100 kg/tuần, giá bán 15.000 đồng/kg thu về hơn 1,5 triệu đồng. Khi dây càng lớn, gấc cho trái càng nhiều và sản lượng thu hoạch tăng lên. Sau gần 1 năm, ông Hai thu khoảng 50 tấn trái, với giá bán bình quân 12.000 đồng/kg, gia đình ông có 600 triệu đồng.
Ông Cù Văn Thinh, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Phước, cho biết thấy ruộng gấc của ông Hai hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân đã đến tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và được ông hướng dẫn tận tình. Hiện ông còn tham gia thu mua gấc cho nhiều hộ trồng nhỏ lẻ ở địa phương. “Mô hình của ông Hai vừa góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên vùng đất kém hiệu quả, vừa nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Vừa qua, sản phẩm gấc của ông Hai được trưng bày tại Festival Vật tư nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long, rất đáng tự hào”, ông Thinh nhận xét.
Có thể bạn quan tâm

Hầu hết các mặt hàng nông sản, thực phẩm, thủy sản tại thời điểm này đều bị giảm giá tới 50-60%, song vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Theo nhận định, với đà giảm giá này, có thể khiến cho sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân rơi vào khủng hoảng, thậm chí tê liệt.

Sau hơn 3 tháng thả nuôi, Công ty TNHH một thành viên Thông Thuận - Kiên Giang (Cty Thông Thuận) vừa thu hoạch vụ nuôi tôm thẻ chân trắng đầu tiên tại xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang với năng suất đạt gần 17 tấn/ha.

Trên diện tích đất của những dự án hàng triệu đô la đầu tư nhưng mau chóng đóng cửa, bỏ hoang, nhiều hộ nông dân mạnh dạn thuê lại để đầu tư nuôi trồng thủy sản và đạt hiệu quả cao.Đó là thực tế đã diễn ra ở Hà Tĩnh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trong thời gian 10 năm trở lại đây. Điển hình là hộ ông Nguyễn Văn Mại ở xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà và bà Nguyễn Thị Hạnh ở xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà.“Đâm đầu vào đá”

Sáng 28-6, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Minh Trí chủ trì họp khẩn cùng các cơ quan chức năng TP rà soát, triển khai các biện pháp phòng chống dịch heo tai xanh đang “nóng” ở một số vùng của các tỉnh lân cận TP.

Ba Chẽ là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh, với trên 79,8% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân trong huyện chủ yếu làm nông nghiệp, chăn nuôi và trồng rừng. Không cam chịu cái nghèo khó đeo đẳng, nhiều gia đình ở Ba Chẽ đã vươn lên tìm hướng thoát nghèo. Một trong những hướng đó là nuôi lợn rừng.