Đổi Đời Nhờ Nuôi Ếch

Anh Võ Văn Nhân (36 tuổi) ở thôn Xuân An, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành - Quảng Ngãi) là người đầu tiên trong xã thực hiện thành công mô hình nuôi ếch công nghiệp, với doanh thu mỗi năm trên 1 tỷ đồng.
Bảy năm về trước, gia đình anh Nhân hết sức khó khăn. Quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng chẳng tích lũy được gì. Thế là, anh Nhân khăn gói vào Củ Chi (TP.HCM) xin làm thuê tại các trang trại nuôi ếch để học hỏi kinh nghiệm. Sau gần 1 năm tích luỹ kiến thức, năm 2008 anh trở về quê đầu tư mở trang trại nuôi ếch.
Để gầy dựng mô hình, anh đã vay mượn vốn đầu tư nuôi thử nghiệm vài trăm cặp ếch giống ban đầu để lấy ngắn nuôi dài, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, do chưa có nhiều kinh nghiệm. Vừa nuôi vừa học, đến nay anh đã đầu tư mở rộng quy mô với 65 bể nuôi, mỗi bể rộng 20m2, thả nuôi 600 - 700 cặp ếch bố mẹ với mật độ 3,5 - 4 tạ ếch/bể.
Đối với mô hình của anh Nhân, thành công nhất là việc anh đã hạn chế được hiện tượng các con trong đàn cắn nhau, nên thành phẩm thu lại cho thu nhập khá cao. Anh Nhân chia sẻ: “Tôi thường xuyên vệ sinh sạch sẽ bể nuôi để hạn chế các vi sinh vật gây hại tới đàn ếch.
Đồng thời, ở mỗi bể tôi đặt một tấm tôn xi măng chiếm khoảng ¾ diện tích để ếch có nơi trú ẩn, phân bố đều. Trong khâu phân loại giống, đối với những nòng nọc đã lên vỉ (ván) phải bắt hết sang bể khác để những con còn dưới nước phát triển tiếp, tránh tình trạng con lớn ăn con bé. Phải chọn ếch có độ đồng đều cao để nuôi cùng bể, nên giảm tình trạng ếch đàn cắn nhau”.
Với quy mô nuôi 2,5 ha ở đồng Xuân An hiện nay, mỗi năm anh Nhân đầu tư nuôi 2 vụ. Sau 2 tháng là có ếch cung ứng cho thị trường. Giá ếch hiện giữ mức ổn định từ 70.000 - 100.000 đồng/kg. Trung bình, mỗi vụ gia đình anh Nhân xuất bán khoảng 15 tấn ếch thương phẩm, bình quân mỗi tấn ếch hơn 50 triệu đồng, trừ chi phí thu về hơn 1 tỷ đồng/năm.
Đầu ra cho ếch hiện tại đang rất ổn định, mỗi đợt thu hoạch ếch anh hợp đồng với một số thương lái phía bắc để tiêu thụ tại chỗ. Đồng thời, anh còn cung cấp ếch cho các chủ trại nuôi rắn ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Anh Nhân bộc bạch: “Nuôi ếch không quá khó, chi phí bỏ ra ít, công chăm sóc không nhiều. Chủ yếu mình cho ăn thức ăn đủ độ đạm là được và thường xuyên vệ sinh bể nuôi”.
Ngoài nuôi ếch thương phẩm, gia đình anh Nhân còn nuôi cả ếch sinh sản nên chủ động được nguồn giống những vụ sau. Tận dụng diện tích, nguồn thức ăn thừa, từ phân ếch, anh Nhân đầu tư nuôi thêm 1.000 con cá trê. Ngoài ra, anh còn đầu tư nuôi heo, gà...
Hiện trang trại của anh đã giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng. Không những năng động trong cách nghĩ, cách làm, mà anh Nhân còn thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho nông dân trong vùng và các địa phương khi đến tham quan học hỏi.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian qua, do thời tiết nắng mưa xen kẽ, đêm và sáng có sương mù, độ ẩm cao đã tạo điều kiện cho bệnh phấn trắng trên cây cao su phát triển.

Mô hình tôm - lúa (1 vụ tôm, 1 vụ lúa) đã khẳng định được tính hiệu quả cũng như tính thích nghi đối với khu vực ven biển ĐBSCL; tiềm năng mỗi năm có thể mở rộng SX lên 200.000 - 250.000 ha, sản lượng đạt khoảng 1 triệu tấn lúa hữu cơ, đặc sản và trên 100.000 tấn tôm sạch phục vụ nhu cầu chế biến XK.

Trong khi một số nhà máy sản xuất hạt điều xuất khẩu lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thiếu nguyên liệu, phải thường xuyên nhập khẩu thì nông dân trồng điều lại không dễ dàng tiêu thụ sản phẩm của mình. Nghịch lý trên tồn tại nhiều năm qua, một phần do thiếu sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ.

Thời gian qua, mặt hàng nhãn tiêu da bò chủ yếu xuất khẩu, việc tiêu thụ ở nội địa rất hạn chế do có ít người ăn. Theo nhiều tiểu thương thu mua nhãn tiêu da bò, giá nhãn tiêu giảm là do đầu ra trong xuất khẩu đang yếu, giá nhãn tiêu da bò giảm mạnh làm không ít nhà vườn ngán ngại đầu tư, chăm sóc vườn nhãn. Trong khi đó, hiện bệnh chổi rồng trên cây nhãn vẫn tiếp tục gây hại, làm giảm năng suất, sản lượng cho trái của nhiều vườn nhãn tại ĐBSCL.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian qua, việc nhập lậu cá tầm thương phẩm qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc diễn ra rất phức tạp, cá tầm nhập khẩu vào Việt Nam không qua kiểm dịch thú y, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản và nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.