Độc đáo xây nò dụ cá vào rọ

Kết hợp kinh nghiệm di dân khẩn hoang trong vùng sông rạch chằng chịt, bà con vùng sông nước Cà Mau đã sáng tạo ra nhiều cách để bắt cá như giăng lưới, đặt gió, đặt đó, đặt lú, đặt lợp…, nhưng với tính sáng tạo và sự thông minh, ông cha ta đã nghĩ ra cách xây nò dụ cá vào rọ để dành, trong rọ lúc nào cũng từ 5 – 20 ký cá đồng đủ ăn, đãi bạn bè.
Nò dụ bắt cá ở U Minh, Cà Mau.
Nắm quy luật sinh tồn của các loại cá đồng, từ tháng 9 đến tháng 2, khi gió chướng thổi về là từng đàn cá đồng thi nhau tìm về ao đìa cũ, lúc này bà con xây “nò” dưới lòng kinh để bắt cá.
Miệng nò mở rộng hứng trọn cá xuống thường chiếm 2/5 con kinh, phần còn lại dành cho ghe, xuồng qua lại.
Chiều dài toàn bộ thân nò tùy theo gia chủ, có khi dài chỉ 15m, nhưng có khi dài tới vài trăm mét.
Bên trong nò là những miếng lưới quanh co kết cấu với nhau theo chiều của dòng chảy.
Cấu tạo một giàn nò gồm 3 phần chính: Từ thân nò đến rọ, vùng bùng binh đầu tiên có miệng rộng nhất gọi là “bầu thả”; bùng binh thứ hai gọi là “bầu khép”; bùng binh thứ ba gọi là “bầu rút”, tức là cái rọ, nơi cá đã cùng đường.
Khi đã vào rọ thì cá chỉ chờ chủ nò đến xúc lên vì rọ thường làm hom bằng tre già, đóng như một cái lồng kiên cố cá không thể thoát ra được.
Nói về mẹo xây nò dụ cá, những người già cố cựu ở U Minh cho biết, làm một miệng nò để cá tôm chạy vào đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, có khi phải rước “thầy nò” hướng dẫn vì có bí quyết riêng.
Thầy nò bao giờ cũng để tóc dài, khi thầy lặn mái tóc xoã ra, những sợi tóc luôn luôn chảy theo dòng nước.
Loài cá đồng có đặc tính là lội sát đáy nước và thả xuôi dòng, vì vậy việc cải tạo mặt nò ở đáy sông rất quan trọng.
Cho nên chủ nò muốn thu hoạch cá tôm nhiều phải nhờ thầy nò.
Ở nông thôn, nhà nào xây được cái nò, xem như nhà đó không cực ăn mà đôi lúc còn biếu bà con để tỏ lòng thơm thảo.
Ngày trước, mỗi lần vớt cá trong nò có khi năm, bảy trăm ký.
Ngày nay chuyện xây nò dụ cá dưới sông dần dần trở thành mai một vì phải trả lại sự thông thoáng cho tàu bè giao thương qua lại.
Có thể bạn quan tâm

Bờ biển Phú Yên dài 189km, có nhiều dãy núi nhô ra biển hình thành các eo, đầm, vịnh lớn như đầm Cù Mông (2.600ha), vịnh Xuân Đài (13.800ha), đầm Ô Loan (1.570ha), vịnh Vũng Rô (1.640ha).

Hiện nay, Đồng Nai có tổng đàn chim cút, chim yến khá nhiều và một lượng bồ câu lớn nuôi rải rác. Trước nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm, nhiều cơ sở, trang trại nuôi đang lo lắng tìm biện pháp phòng, chống dịch cho đàn chim cút và chim yến.

Giá tôm càng xanh ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đang tăng mạnh, thương lái mua tại ruộng giá 280.000 đ/kg, loại 30 con/kg, tăng 90.000 đ/kg so với thời điểm thu hoạch rộ (tháng 11/2013) và tăng 45.000 đ/kg so với thời điểm Tết Nguyên đán.

Việc cấp giấy phép hoạt động khai thác vùng biển cho chi hội nghề cá ven biển xã Quảng Công sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho người dân khai thác, bảo vệ tài nguyên thủy sản vùng biển.

Đồng Nai có tổng đàn gà trên 11,6 triệu con với 88% chăn nuôi trang trại; đàn heo gần 1,4 triệu con với 60% nuôi trang trại. Những ổ dịch xuất hiện tại Đồng Nai vừa qua đều từ các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ trong khu dân cư. Chăn nuôi hộ gia đình theo kiểu tự phát tuy chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng lại gây ra thiệt hại lớn cho cả ngành chăn nuôi của tỉnh.