Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Doanh nghiệp rút khỏi cánh đồng lớn

Doanh nghiệp rút khỏi cánh đồng lớn
Ngày đăng: 22/10/2015

Do DN im hơi lặng tiếng bỏ cuộc, nông dân rơi vào cảnh bị động chờ đợi dự án triển khai, người đã đầu tư sản xuất thì thấp thỏm lo âu về đầu ra sản phẩm.

 

Nông dân trồng chuối già nuôi cấy mô tại xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom.

Theo các địa phương, hiện vẫn rất khó thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng cánh đồng lớn.

Việc DN bỏ cuộc nửa chừng trong xây dựng cánh đồng lớn ảnh hưởng rất lớn đến lòng tin của nông dân khi triển khai các dự án cánh đồng lớn thời gian tới.

* Lặng lẽ rút lui

Theo báo cáo của UBND huyện Trảng Bom, dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ điều trên địa bàn xã An Viễn được triển khai từ tháng 4-2014.

Công ty chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Đồng Nai (Donafoods) đã phối hợp với Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ An Viễn xác định diện tích và danh sách các hộ nông dân tham gia.

Để hỗ trợ cho dự án, huyện đã triển khai các chương trình tập huấn về kỹ thuật sản xuất, ghép cải tạo vườn điều, thực hiện mô hình điều xen canh ca cao; đầu tư cứng hóa các tuyến đường vào vùng chuyên canh cây điều của xã...

Ngoài ra, Donafoods cũng có kế hoạch tổ chức cánh đồng lớn với hàng trăm hécta điều tại xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc).

Nhưng đến nay, Donafoods vẫn chưa tổ chức thu mua theo kế hoạch bao tiêu sản phẩm cho nông dân vì khó khăn về nguồn vốn.

Với dự án cây chuối già nuôi cấy mô do Công ty TNHH chế biến rau củ quả Toàn Cầu (TP.Hồ Chí Minh) thực hiện, DN cũng bất ngờ im hơi lặng tiếng, không tiếp tục ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân.

Phía địa phương cũng không liên hệ được với DN nên mất đầu mối về việc triển khai dự án.

Ông Trần Văn Trung, nông dân trồng chuối tại xã Quang Trung (huyện Thống Nhất), bức xúc: “Công ty Toàn Cầu có cam kết hỗ trợ tôi đầu tư vườn chuối già nuôi cấy mô theo tiêu chuẩn VietGAP và bao tiêu sản phẩm cho thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, thực tế sự hỗ trợ từ phía DN chỉ dừng lại ở việc hứa hẹn rồi bỏ mặc nông dân “tự bơi”.

Hiện DN gần như biến mất khỏi địa phương khiến tôi rất lo lắng về đầu ra sản phẩm, vì nhiều người đổ xô trồng chuối khi nghe tin có DN bao tiêu sản phẩm với giá cao để xuất khẩu”.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, nông dân trồng chuối tại xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom), nhận xét lúc triển khai chương trình, DN “khua chiêng gióng trống” tổ chức các hội thảo giới thiệu rất nhiều chương trình hay về dự án, nhưng thực chất đầu tư cho nông dân hầu như không có.

Ông Tùng cho biết: “Mong muốn của nông dân là có nguồn giống chuối nuôi cấy mô đảm bảo chất lượng, mong DN đặt trụ sở thu mua để nông dân tin tưởng tham gia nhưng DN lại không quan tâm”.

* Nông dân mất lòng tin

Khó khăn lớn nhất của các dự án cánh đồng lớn hiện nay là việc thu hút DN đầu tư.

Thông thường dự án cánh đồng lớn phụ thuộc hoàn toàn vào DN, nên khi DN gặp khó khăn hay dừng triển khai là dự án “phá sản”.

Việc dự án cánh đồng lớn dễ dàng phá sản khi DN bỏ cuộc đang ảnh hưởng rất lớn đến chương trình chung phát triển các dự án cánh đồng mẫu lớn của tỉnh vì ảnh hưởng đến lòng tin của người dân trong xây dựng mối liên kết với DN.

Ông Phan Chinh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cây điều năng suất cao tại xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc), lo lắng: “Khi dự án cánh đồng lớn cho cây điều triển khai, nông dân rất hồ hởi đăng ký tham gia.

Chúng tôi kỳ vọng dự án sẽ hỗ trợ cho nông dân đầu tư để phát triển cây điều theo hướng bền vững, tăng lợi nhuận cho người trồng.

Câu lạc bộ cũng đăng ký thành lập hợp tác xã để tổ chức liên kết với DN.

Phía nông dân đã sẵn sàng nhưng chờ mãi DN vẫn chưa triển khai chương trình, cũng không có phản hồi thông tin gì cho nông dân.

Điều này ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào dự án”.

Ông Ngô Tuấn Lộc, nông dân trồng chuối tại xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom), chia sẻ: “Thời gian trước đã từng có DN về đặt vấn đề hợp tác, bao tiêu sản phẩm cho nông dân rồi “im hơi lặng tiếng” bỏ đi khiến vùng chuyên canh cây chuối điêu đứng vì không có đầu ra, người dân mất lòng tin với DN.

Mặt khác, nông dân vẫn hoàn toàn ở thế bị động trong quan hệ hợp tác với DN.

DN đưa ra rất nhiều yêu cầu khắt khe từ quy trình trồng đến khâu thu mua nhưng mức giá bao tiêu sản phẩm lại quá thấp khiến nông dân không mặn mà tham gia”.

Điều đáng lo là khi DN tuyên truyền cơ hội về thị trường xuất khẩu cho mặt hàng chuối cấy mô, nông dân chạy theo phong trào đã đầu tư sản xuất dù chưa ký hợp đồng bao tiêu với DN khiến diện tích trồng chuối tiêu nuôi cấy mô đang nhân rộng rất nhanh.

Việc sản lượng chuối tăng cao trong khi kênh tiêu thụ mặt hàng này vẫn là thương lái dẫn đến rủi ro rất lớn cho nông dân trong vụ thu hoạch tới.


Có thể bạn quan tâm

Tỷ phú 8X giúp dân tiêu thụ nông, lâm sản Tỷ phú 8X giúp dân tiêu thụ nông, lâm sản

Anh Đỗ Ngọc Quý, khu 3, xã Ngọc Đồng, huyện miền núi Yên Lập (Phú Thọ) không chỉ là một trong những nông dân làm gia tăng thêm giá trị của hàng nông, lâm sản mà còn tạo việc làm với thu nhập ổn định cho 40 lao động nông thôn.

19/09/2016
Lão nông bắt đất phèn đẻ tiền tỷ Lão nông bắt đất phèn đẻ tiền tỷ

Những ngày này, đi đến xã Vĩnh Quới (thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng), đâu đâu cũng thấy màu xanh bạt ngàn của những vườn mãng cầu xiêm.

19/09/2016
Kháo nhau nếm thử nhãn lồng Phố Hiến ở Hàm Ếch Kháo nhau nếm thử nhãn lồng Phố Hiến ở Hàm Ếch

Nghe thương lái bán hoa quả ở thành phố Tuyên Quang kháo nhau, ở xã Thượng Ấm (Sơn Dương) có giống nhãn lồng Phố Hiến ngon hơn hẳn giống nhãn địa phương, chúng tôi đã tìm đến thôn Hàm Ếch để mục sở thị về loại nhãn này. Những chùm nhãn to, trĩu quả sà xuống bờ rào khiến cành nhãn phải gồng mình gánh đỡ là hình ảnh đầy ấn tượng về nhãn lồng Phố Hiến thời điểm này.

19/09/2016
Làm giàu nhờ mạnh dạn trồng cây ăn quả trên đất cằn Làm giàu nhờ mạnh dạn trồng cây ăn quả trên đất cằn

Hưởng ứng phong trào vận động của nhà nước, người dân huyện Yên Minh (Hà Giang) đã mạnh dạn chuyển đổi đất đai không màu mỡ sang trồng nhiều loại cây ăn quả. Nhiều hộ đã thoát nghèo và còn tiến tới làm giàu.

20/09/2016
Hoa tam giác mạch mở ra con đường thoát nghèo Hoa tam giác mạch mở ra con đường thoát nghèo

Cây hoa tam giác mạch được đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) gieo trồng từ lâu đời để dùng làm lương thực. Ngoài ra, hoa có vẻ đẹp tinh khôi nên rất hấp dẫn du khách.

20/09/2016