Đìu Hiu Thị Trường Vải Thiều Hải Dương

Hàng chục tấn vải của người dân Thanh Hà, Hải Dương đang chín rộ nhưng nhiều hộ gia đình không buồn thu hoạch khi giá vải ngày càng giảm mạnh.
Ghi nhận trong chiều 18 - 6 tại xã Thanh Xá, Thanh Hà, Hải Dương, dù đang là thời điểm thu hoạch chính vụ song không khí thu mua diễn ra ảm đạm, đìu hiu.
Trong khi nhiều xe tải của thương lái đứng chờ cả ngày trời vẫn chỉ có số ít vải được xếp trong góc thùng xe, thì nhiều người dân chở vải đứng đợi hàng giờ trong nắng nóng do không bán được hàng vì chưa thống nhất được mức giá hợp lý với thương lái.
Ông Trần Tuấn Dinh, một thương lái từ Kim Thành, Hải Dương phân trần: “Năm nay thị trường vải xuất sang Trung Quốc không được nhiều nên vải ở các nơi đều đổ dồn vào thị trường nội địa. Vì vậy tôi cũng chỉ có thể thu mua với giá 6.000 đồng/kg mới có lãi”.
Với mức giá 6.000 - 7.000 đồng/kg nhiều người dân quyết định không bán bởi so với năm ngoái họ đang bị mất đến quá nửa giá. Chở theo sọt vải chất ngất, dù quả to tròn, đều nhưng ông Đỗ Văn Thinh (Thanh Xá, Thanh Hà, Hải Dương) cũng chỉ được các thương lái trả nâng lên mức 7.500 đồng/kg.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Mai Văn Hội - phó giám đốc Sở Công thương Hải Dương - cho biết sở đã họp với các tỉnh thành trong Nam và đã ký kết nguyên tắc phối hợp tiêu thụ vải với Bắc Giang cùng 11 tỉnh thành Đông và Tây Nam bộ để đảm bảo đầu ra cho quả vải từ năm sau trở đi.
Theo số liệu của Sở Công thương Hải Dương, hiện toàn tỉnh có hơn 11.000 ha đất trồng vải với năng suất đạt 50.000 tấn, chiếm khoảng 1/3 lượng vải cả nước. Tuy nhiên, do sức mua từ thị trường Trung Quốc giảm dẫn đến lượng vải dồn vào thị trường nội địa nhiều nên giá vải đang giảm xuống nhanh chóng kể từ đầu vụ đến nay.
“Công sức đầu tư, chăm sóc cho cây vải nhiều nhưng giá cả năm nay thấp nên hơn chục tấn vải đã chín nhưng gia đình tôi vẫn chưa muốn thu hoạch vì giá thấp quá”, anh Đỗ Văn Thiện (Thanh Xá, Thanh Hà, Hải Dương) ngậm ngùi.
Có thể bạn quan tâm

Vinamilk và tỉnh Lâm Đồng vừa có thỏa thuận hợp tác phát triển chăn nuôi bò sữa tại đây với 2 - 3 trang trại, quy mô đàn lên tới 10.000 con.

Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, cho biết sản phẩm mật ong của Bảo Lộc hiện đã được xuất bán sang thị trường nước ngoài. Theo đó, Công ty TNHH Phong Sơn (Bảo Lộc) là đơn vị đầu tiên và duy nhất của tỉnh - tính đến thời điểm hiện tại xuất khẩu mật ong chúa sang thị trường Mỹ. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu mật ong của công ty đạt hơn 1,6 triệu USD.

Từ nay đến cuối năm, Chi cục Thú y tỉnh An Giang phối hợp Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trạm Thú y 11 huyện, thị xã, thành phố quản lý chất lượng heo đực giống. Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch 160 triệu đồng, từ nguồn phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản năm 2015.

Thông tin từ các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, do nguồn cung hạn chế đã khiến giá gà bán tại các trại chăn nuôi tăng khoảng 10 - 15% so với 2 tháng trước đó. Riêng gà ta bán tại trại cho thương lái đã tăng từ mức 60.000 đồng/kg lên 85.000 đồng/kg.

Những năm trước, gia đình bà Trần Thị Khiển ở phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương thuộc diện hộ nghèo của phường. Được sự giúp đỡ của địa phương, giờ đây gia đình bà đã vươn lên thành hộ khá nhờ mô hình chăn nuôi kết hợp.