Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Định Hướng Phát Triển Cây Cao Su Tại 3 Huyện Phía Nam

Định Hướng Phát Triển Cây Cao Su Tại 3 Huyện Phía Nam
Ngày đăng: 14/08/2014

Ba huyện phía Nam (Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên) là vùng có diện tích cây cao su tiểu điền lớn nhất tỉnh Lâm Đồng. Trước tình trạng người dân tại một số tỉnh chặt bỏ cây cao su, chính quyền nơi đây đã khuyến cáo người dân nên giữ vững diện tích đã trồng và vẫn định hướng phát triển loại cây trồng đa mục đích này.

Anh Vũ Văn Ước (thôn 2, xã Đoàn Kết, huyện Đạ Huoai) đã trồng 2ha cao su, hiện bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi tháng, gia đình anh cạo mủ khoảng 10 lần. Anh Ước cho biết: “Do giá mủ xuống thấp nên số lần cạo mủ của gia đình cũng giảm bớt, chủ yếu là chăm sóc “dưỡng sức” cho cây cao su.

Với mức độ cạo mủ như hiện tại, hàng tháng gia đình thu được từ 3,5 - 4 triệu đồng/ha. Gia đình tôi vẫn đang duy trì diện tích này”.

Xã Đoàn Kết là nơi có diện tích cao su tiểu điền lớn nhất huyện Đạ Huoai. Nếu như trong năm 2013, toàn xã có hơn 640ha cao su thì bước sang những tháng đầu năm 2014, người dân đã tiếp tục xuống giống thêm 70ha. Với diện tích này, toàn xã gần đạt mục tiêu phát triển 750ha cao su đến năm 2015.

Toàn bộ diện tích cao su này được chuyển đổi từ cây điều già cỗi và cây ăn trái kém hiệu quả. Theo ông Cao Viết Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết, đến nay, toàn xã đã có hơn 140ha cao su bắt đầu khai thác mủ.

So với năm trước, giá mủ cao su giảm, chỉ bằng 2/3. Theo tính toán, với giá mủ khoảng 8.000 - 9.000 đồng/kg như hiện tại, người dân vẫn thu nhập khoảng 40 triệu đồng/ha/năm. Do đó, chỉ có một số ít diện tích cao su trồng ở xa và không có công lao động mới tạm ngưng khai thác mủ, còn lại người dân vẫn khai thác bình thường. Trên địa bàn xã không có tình trạng người dân chặt bỏ cây cao su.

Về định hướng phát triển cây cao su, ông Xuân cho biết thêm: “Xã vẫn tiếp tục tuyên truyền và vận động người dân duy trì, phát triển cây cao su. Xã xác định cao su là cây trồng chủ lực, vì mang lại lợi ích kinh tế lâu dài. Sau khi hết tuổi khai thác mủ, cây cao su còn cho khai thác gỗ”.

Theo thống kê mới nhất của huyện Đạ Huoai, diện tích cao su trên địa bàn huyện tính đến nay là hơn 2.300ha. Trước dao động của người dân vì giá mủ cao su xuống thấp, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đạ Huoai đã tiến hành điều tra, thống kê lại diện tích cao su. Kết quả cho thấy, diện tích không biến động nhiều, không có tình trạng người dân chặt bỏ cây cao su. Chỉ có một số ít diện tích bị chặt bỏ vì trồng ở vùng đất trũng không phù hợp.

Trong khi đó, tại huyện Đạ Tẻh, diện tích cao su tiểu điền trên địa bàn huyện hiện nay khoảng 1.500ha. Trong đó, diện tích thu hoạch là 300ha. Trước tình hình giá mủ cao su xuống thấp, có khoảng 200ha cao su đã đủ tuổi cho khai thác, nhưng người dân đang tạm dừng thu hoạch.

Ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh, cho biết: “Phát triển cây cao su là chủ trương mà tỉnh và huyện đều quan tâm. Hiện tại, huyện vẫn đang định hướng và khuyến cáo người dân tiếp tục trồng mới”.

Theo kế hoạch, đến năm 2020, toàn huyện Đạ Tẻh sẽ phát triển lên 10.000ha cao su, gồm cao su tiểu điền và cao su của các doanh nghiệp. Riêng trong năm 2014, toàn huyện đã xuống giống thêm 700ha cao su. Bước sang năm 2015, huyện có kế hoạch trồng tiếp 5.000ha cao su.

Cao su là loại cây trồng được huyện Đạ Tẻh trợ giá cây giống và chú trọng phát triển trong vùng đồng bào DTTS. Tại buôn Con Ó (xã Mỹ Đức) và buôn Đạ Nha (xã Quốc Oai), UBND huyện đã đầu tư cho bà con trồng 200ha cao su (từ 2 - 3 năm tuổi). Về lâu dài, để có “đầu ra” ổn định cho cây cao su, huyện Đạ Tẻh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến mủ cao su ngay tại địa bàn.

Hiện, Công ty Cao su Đạ Tẻh lập Dự án xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su với quy mô tiêu thụ mủ trên diện tích 3.000 - 5.000ha mỗi ngày. Tuy nhiên, do hiện tại diện tích cao su cho thu mủ tại huyện Đạ Tẻh nói riêng và 3 huyện phía Nam nói chung chưa nhiều và giá mủ đang ở mức thấp, nên kế hoạch xây dựng nhà máy phải lùi lại.

Tuy diện tích cao su không nhiều bằng 2 huyện Đạ Huoai và Đạ Tẻh, nhưng điều đặc biệt là diện tích cao su tại huyện Cát Tiên chủ yếu trồng tại xã nghèo, có đông đồng bào DTTS sinh sống là Đồng Nai Thượng.

Tại đây, cây cao su được xác định rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và là loại cây trồng được huyện lựa chọn để đưa vào các chương trình đầu tư. Theo ông Lê Quang Chường, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng, toàn xã hiện có hơn 170ha cao tiểu điền (trong tổng số gần 260ha cao su toàn huyện).

Diện tích này chủ yếu do bà con DTTS trồng theo các chương trình lồng ghép, hỗ trợ của Nhà nước. Đến nay, tuy diện tích thu hoạch không nhiều, mới khoảng 5ha, nhưng người dân rất tin tưởng vào hiệu quả kinh tế mà cây cao su sẽ mang lại”. Ngoài xã Đồng Nai Thượng, tại huyện Cát Tiên, cây cao su còn được người dân các xã Tư Nghĩa, Phước Cát II, Gia Viễn, Nam Ninh, Tiên Hoàng trồng.

Việc thành lập một trung tâm giống cây cao su để tạo điều kiện “đầu vào” có chất lượng và hình thành nhà máy chế biến mủ cao su để tạo “đầu ra” ổn định như chỉ đạo của ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, trong đợt làm việc với 3 huyện phía Nam mới đây, sẽ là một định hướng giúp cho cây cao su phát triển bền vững trong thời gian sắp tới.


Có thể bạn quan tâm

Quan Tâm Phát Triển Hạ Tầng, Đầu Tư Sản Xuất Quan Tâm Phát Triển Hạ Tầng, Đầu Tư Sản Xuất

3 huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh và Đồng Xuân có hơn 50.000 người dân tộc thiểu số (DTTS) của hơn 20 dân tộc. Trong 5 năm qua, UBND các huyện này làm tốt công tác dân tộc nên đời sống người dân từng bước được cải thiện.

02/08/2014
Cần Xây Dựng Khu Chăn Nuôi Tập Trung Cần Xây Dựng Khu Chăn Nuôi Tập Trung

Từ trước đến nay, không ít hộ nông dân huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) làm giàu từ chăn nuôi. Tuy nhiên, chăn nuôi đang đứng trước nguy cơ không còn cơ hội duy trì và phát triển do không được quy hoạch vùng tập trung.

18/07/2014
Chống Hạn Cho Cây Trồng Vụ Mùa Chống Hạn Cho Cây Trồng Vụ Mùa

Trước tình hình nắng hạn kéo dài, nguồn nước tưới thiếu nghiêm trọng, tỉnh ta đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, chủ động triển khai nhiều biện pháp sản xuất, quyết tâm giành thắng lợi vụ Mùa năm nay. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Hồ Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, quanh vấn đề này.

18/07/2014
Nông Dân Viện Cớ Cao Su Không Có Mủ Để Chặt Hạ? Nông Dân Viện Cớ Cao Su Không Có Mủ Để Chặt Hạ?

Tại huyện Chư Prông, nơi phát triển cây cao su mạnh nhất tỉnh Gia Lai với 34.000ha, đã có trên 30 hộ dân đốn hạ hàng trăm hec ta vườn cao su đang ở độ tuổi cho mủ. Hiện tượng chặt bỏ cây cao su bắt đầu diễn ra từ năm 2013, nhưng rầm rộ nhất là đầu năm 2014, khi giá cao su xuống đến đáy.

02/08/2014
Hiệu Quả Từ Mô Hình Giảm Nghèo Bền Vững Của Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Huyện Lang Chánh Hiệu Quả Từ Mô Hình Giảm Nghèo Bền Vững Của Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Huyện Lang Chánh

6 tháng đầu năm 2014, Hội Liên hiệp Phụ nữ (HLHPN) huyện Lang Chánh đã thành lập được 20 nhóm tiết kiệm, quyên góp gần 258 triệu đồng, xét cho 241 lượt hội viên vay vốn sản xuất, nâng tổng số lên 117 nhóm tiết kiệm trong toàn huyện với tổng số tiền thu được là 1 tỷ 136 triệu đồng cho 3.411 lượt hội viên vay đầu tư phát triển kinh tế.

02/08/2014