Điêu Đứng Vì Cây Hông

Năm 2009, anh Nguyễn Văn Hoan ở khu phố Phú Tân, phường Tân Phú (TX. Đồng Xoài - Bình Phước) được một người giới thiệu trồng cây hông (Paulownia) cho lợi nhuận cao. Với ước muốn làm giàu, anh Hoan đã bỏ hàng ngàn USD mua giống trồng để rồi thu về “trái đắng”.
GIẤC MƠ TỶ PHÚ...
Anh Nguyễn Văn Hoan được ông Ngọc (không rõ địa chỉ) giới thiệu về giống cây hông, nhiều người quen gọi là cây polymer. Sở dĩ người ta gọi là cây polymer vì nó được quảng cáo làm nguyên liệu sản xuất tiền giấy polymer. Anh Hoan nói: “Hồi đó, mỗi cây hông giống mua có giá 1,5 USD, quy ra tiền Việt Nam khoảng 30 ngàn đồng.
Theo lời giới thiệu của ông Ngọc, cây trồng khoảng 3-4 năm sẽ cho thu hoạch 0,1-0,3m3 gỗ, thương lái thu mua tại vườn khoảng 40 triệu đồng/m3”.
“Lên Tây nguyên, tôi tận mắt chứng kiến một số vườn cây hông xanh tốt, mới trồng 2 năm đã to như cột nhà. Thương lái vào tận vườn trả 1,2 triệu đồng/cây nhưng người trồng vẫn chưa bán. Thấy vậy, tôi quyết định đầu tư hàng ngàn USD để mua cây giống về trồng” - anh Hoan nói tiếp.
Để đầu tư vườn hông hơn 5.000 cây, anh Hoan đã gom toàn bộ vốn liếng và vay mượn thêm để mua giống. Anh cưa 1,5 ha điều để trồng cây hông. Anh Hoan nhớ lại: “Loại cây này không kén đất, lại dễ chăm sóc, chỉ cần khoan hố, bón lót ít phân chuồng và xuống giống là cây phát triển.
Qua một mùa mưa, cây đã cao vượt đầu người”. Thấy dễ trồng, anh Hoan còn mua thêm 4 ha đất tại tỉnh Đắk Nông để trồng. Anh ước tính: “Trung bình 1 cây có giá khoảng 1 triệu đồng. Nay mình đầu tư 5.000 cây, sau khi trừ chi phí sẽ thu tiền tỷ”.
VÀ TRÁI ĐẮNG
Sau hơn 3 năm, cây đã cho khai thác, nhưng giá bán thực tế lại không như lời ông Ngọc và những gì anh Hoan đã tìm hiểu. Những tay cò cây giống đồn thổi gỗ hông dùng để đóng tàu thủy, làm báng súng, phụ kiện máy bay, đồ trang trí nội thất, thủ công mỹ nghệ... nhưng trên thực tế, nhiều người trồng cây hông không thể bán gỗ cho ai.
Anh Hoan ngậm ngùi giãi bày: “Gỗ hông có nhiều tính năng mà một số loại gỗ khác không có, như nhẹ, dai, bền, ít bị co giãn, không bị mối mọt và rất khó cháy. Tuy nhiên, do thời gian sinh trưởng của cây ngắn nên nhiều người hoài nghi về chất lượng gỗ. Vì vậy không ai dám mua để đóng đồ”. Hơn 1,5 ha cây hông của anh Hoan (trồng tại thị xã Đồng Xoài, đang trong thời kỳ thu hoạch) đã nhiều năm nay không có người mua.
Sau khi cắt bán, hệ lụy của cây hông vẫn còn đeo bám. Cây hông có sức sống mãnh liệt, chỉ cần một đoạn rễ sót lại cũng có thể phát triển thành cây mới. Dù đã cắt sát gốc, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã xuất hiện mầm cây và phát triển thành cây mới.
Không thể chờ đợi sự tăng giá của cây hông như hồi năm 2009, anh Hoan đã gọi thương lái bán với giá như củi. Sau 4 năm trồng, 1,5 ha hông chỉ bán được 20 triệu đồng. “Với giá như vậy, không đủ chi phí mua cây giống. Nếu mình vẫn giữ cây điều hay trồng cao su thì còn có ít lời” - anh Hoan chua chát nói. Còn 4 ha trồng tại tỉnh Đắk Nông, do xa nhà, cộng thêm thời tiết khô hạn trong những năm gần đây, số cây chết nhiều hơn nên anh chẳng còn quan tâm.
Hồi mới mua giống trồng, thấy cây hông có tên lạ, lại không được Nhà nước khuyến khích trồng, anh Hoan cũng sinh nghi nên đã làm hợp đồng yêu cầu ông Ngọc ký bao tiêu sản phẩm gỗ. Nhưng với mánh khóe của những kẻ ma mãnh, anh Hoan đã không thắng nổi họ.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2003, sau khi được thành lập, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp Lâm Đồng tập trung ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô trên các đối tượng cây trồng chính như: khoai tây, dâu tây, các giống hoa cắt cành và giống địa lan phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh.

Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài nên nhiều diện tích lúa mới xuống giống của nông dân khu vực đầu nguồn huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) bị thiệt hại, có diện tích người dân phải sạ lại, khiến chi phí sản xuất tăng cao.

Mùa lũ 2015, mực nước trên đồng thấp là điều kiện cho chuột sinh sôi, nảy nở tràn lan.
Người nông dân trồng các loại rau theo yêu cầu của cửa hàng, bảo đảm số lượng cung cấp; ngược lại, phía cửa hàng RAT phải bao tiêu sản phẩm mà người trồng rau sản xuất ra theo kế hoạch đã thống nhất với giá cao hơn rau sản xuất đại trà.

Ngày 16/11/2015, tại xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh tổ chức tổng kết mô hình giúp nhà vườn quản lý và phòng trừ bệnh chổi rồng trên cây nhãn.