Để Vùng Chè Xuân Minh Phát Huy Lợi Thế

Lâu nay, có lẽ nhiều người biết đến xã Xuân Minh (Quang Bình) bởi đặc sản chè với hương vị đậm đà, riêng lạ. Chè Xuân Minh dù không được quảng bá rầm rộ, nhưng hữu xạ tự nhiên hương, danh tiếng của thứ chè trồng ở độ cao 600 – 700m so với mực nước biển này đang mở ra lợi thế cho xã vùng 3 Xuân Minh.
Chúng tôi về Xuân Minh, một địa phương vừa là vùng sâu, vừa là vùng cao của huyện vùng thấp Quang Bình. Đồng thời, cũng là nơi ít được xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Dù là tiết trời tháng 5, nhưng thời tiết nơi đây vẫn mát dịu như sớm mùa thu vậy. Chính yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng và độ cao nơi đây đã tạo nên hương vị thơm, đậm của chè Xuân Minh.
Chủ tịch UBND xã, Triệu Phụ Chìu cho biết, 10/10 thôn ở Xuân Minh đều có cây chè với khoảng trên 400ha. Nhưng chè chủ yếu được phát triển ở các thôn như Lang Cang, Pắc Pèng và Xuân Thành, với diện tích khoảng 200ha. Xuân Minh là vùng đất có truyền thống trồng chè với giống chè shan tuyết rất ngon. Anh Chìu cho biết thêm, xã xác định cây chè là cây mũi nhọn.
Toàn xã hiện có 491 hộ thì có trên 100 hộ có thu nhập khá từ cây chè. Nhờ quan tâm, vận động người dân tập trung cho phát triển cây chè nên bình quân mỗi năm, diện tích chè ở Xuân Minh tăng thêm trên 20ha. Qua đó, nếu như từ năm 2003, toàn xã chỉ có 180ha chè thì đến nay, đã có trên 400ha. Xã cũng đang hướng đến thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị của cây chè thông qua việc xây dựng các diện tích chè theo hướng VietGAP.
Thấy chúng tôi rất quan tâm đến cây chè Xuân Minh, anh Triệu Dùn Tòng, Trưởng thôn Nậm Chằng nói: “Đó là những lợi thế và tiềm năng của vùng chè Xuân Minh. Để cây chè ở đây phát triển, mang lại giá trị đúng với tiềm năng của nó thì còn nhiều khó khăn lắm các bác ạ. Trở ngại lớn nhất là đường xá đi lại từ các thôn ra trung tâm xã còn khó khăn, khiến cho việc trồng chè chưa mang lại lợi nhuận cao”.
Chủ tịch UBND xã Triệu Phụ Chìu tiếp lời, trước đây cán bộ, giáo viên được phân về Xuân Minh công tác ai cũng... buồn. Nay, đường xá từ huyện vào trung tâm xã đã được rải nhựa nên thuận lợi hơn. Nhưng, từ trung tâm xã đi các thôn thì rất khó khăn.
Hiện chỉ có 4/10 thôn là có đường ô tô tải vào được, 6 thôn còn lại mùa mưa đi xe máy còn khó khăn, từ đó khiến cho việc vận chuyển chè tươi mùa thu hoạch ra bên ngoài rất khó. Người dân chở chè ra trung tâm xã cũng chỉ bán được từ 7 – 10.000đ/kg chè tươi. Do đó, trừ chi phí sản xuất, vận chuyển khiến cho lợi nhuận sản xuất chè không cao...
Theo bà con làm chè ở Xuân Minh, chè tươi khó vận chuyển ra bên ngoài nên nhiều hộ phải sơ chế thành chè vàng xuất khẩu với chất lượng, giá bán không cao, khoảng 35.000đ/kg. Hiện nay, trong xã người dân đã đầu tư mua đến 171 máy sao chè mi ni để tự chế biến.
Do nhiều diện tích chè phát triển phân tán, kỹ thuật sản xuất, chế biến hạn chế nên giá trị chè Xuân Minh vẫn chưa được như mong muốn. Dù có hương vị rất thơm ngon, nhưng giá bán 1kg chè khô loại ngon ở Xuân Minh cũng chỉ đạt từ 100 – 150.000đ/kg.
Làm sao để phát huy lợi thế vùng chè Xuân Minh, đó là trăn trở của người dân và cấp ủy, chính quyền nơi đây. Theo đó, mong muốn của địa phương đó là tiếp tục nhận được sự quan tâm của Nhà nước trong việc đầu tư mở rộng, nâng cấp hệ thống giao thông trong xã, đặc biệt là những thôn trọng điểm trồng chè.
Cùng với đó, xã sẽ tập trung vận động, tuyên truyền cho người dân phát triển chè theo hướng tập trung, áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật để nâng cao chất lượng, sản lượng chè. Trong điều kiện về trình độ sản xuất, vốn của người dân còn khó khăn, việc hỗ trợ khoa học kỹ thuật và vốn để mở rộng sản xuất chè là điều rất cần thiết với người trồng chè ở Xuân Minh.
Anh Vũ Hồng Thắng, đại diện Hợp tác xã Xuân Mai, đơn vị đang góp phần xây dựng thương hiệu chè Xuân Minh cho biết, để đầu tư một dây chuyền sản xuất chè ở đây không hề đơn giản. Nhưng nếu được đầu tư giao thông, vốn và công nghệ sản xuất, vùng chè Xuân Minh sẽ phát huy được lợi thế, đưa cây chè thực sự trở thành cây mũi nhọn.
Có thể bạn quan tâm

Sau một thời gian làm công cho các trại nuôi cá hồi ở Sa Pa (Lào Cai) để học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt công nghệ nuôi cá hồi, anh thanh niên dân tộc Thái Lò Ngọc Thủy ở thị trấn Ít Ong, huyện Mường La (Sơn La) đã đầu tư nuôi cá hồi vân trên đỉnh núi Sam Síp có độ cao chừng 1.200 m.

Thời tiết khắc nghiệt kéo dài trong những ngày qua đã khiến cho các chủ đầm nuôi thủy sản ở Nam Định thiệt hại lớn vì tôm, ngao chết hàng loạt.

Những năm qua, anh Nguyễn Văn Khởi, ấp Thọ Mai, xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân (Cà Mau), là một trong những người thực hiện thành công và có hiệu quả cao mô hình cấy lúa trên đất nuôi tôm.

Trong những năm qua, huyện Pác Nặm luôn xác định phát triển chăn nuôi là một trong những hướng đi quan trọng giúp người dân xoá đói, giảm nghèo và thực tế đã cho thấy đây là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, công tác phát triển chăn nuôi hiện nay ở Pác Nặm còn gặp nhiều khó khăn, cần có những giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy hơn nữa.

Ngày 22/5/2013, Ban chỉ đạo thí điểm bảo hiểm tôm nuôi tỉnh Bạc Liêu (Ban chỉ đạo tỉnh) tổ chức hội nghị triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm tôm nuôi năm 2013 trên địa bàn.