Để Vụ Lúa Đông Xuân 2014-2015 Đạt Hiệu Quả Cao

Thời điểm hiện tại, nhiều địa phương trong tỉnh đang thu hoạch dứt điểm lúa thu đông, một số nơi đang cải tạo đất chuẩn bị xuống giống tiếp vụ lúa đông xuân (ĐX) năm 2014 - 2015. Vụ lúa này được xem là quan trọng nhất trong năm.
Theo kế hoạch, vụ ĐX năm 2014 - 2015 toàn tỉnh Đồng Tháp sẽ xuống giống khoảng 205.000ha, tăng hơn 32.000ha so với cùng kì. Đến thời điểm hiện tại, nông dân trong tỉnh đã xuống giống được hơn 74.000ha, tập trung ở các huyện: Cao Lãnh, Tháp Mười, Tân Hồng.
Vì điều kiện thời tiết vụ ĐX này được dự báo là bất lợi, nên ngành nông nghiệp căn cứ vào diễn biến rầy nâu di trú, khuyến cáo lịch xuống giống lúa ĐX 2014 - 2015 chia làm 3 đợt. Đợt 1: từ ngày 14/10 - 22/10; đợt 2: từ ngày 13/11 - 22/11; đợt 3: từ ngày 10/12 -20/12 (theo Dương lịch).
Song song đó, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo nông dân khi xuống giống phải tuân thủ theo nguyên tắc chung là gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng, không để xảy ra trường hợp trên cùng một cách đồng có nhiều trà lúa khác nhau; đảm bảo việc xây dựng cơ cấu giống lúa cho vụ ĐX đúng yêu cầu cân đối, an toàn dịch bệnh, phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất và thị trường tiêu thụ.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, tùy điều kiện sản xuất từng khu vực, nông dân nên sử dụng các loại giống chủ lực, kháng sâu bệnh cho năng suất cao, chất lượng tốt như: OM 4218, OM 6976, OM 4900, Jasmine 85, VĐ20...
Bên cạnh chuẩn bị tốt lịch thời vụ, nguồn giống tốt, nông dân cần chú ý việc kéo dài thời gian giữa cải tạo đất với thời gian gieo sạ để rơm rạ được phân hủy, tránh cây lúa bị ngộ độc hữu cơ; phải thăm đồng thường xuyên, vì vụ có những đợt thời tiết lạnh, nông dân cần bón kali cho đợt đầu tiên để giúp cây lúa chống chịu tốt.
Đối với các diện tích xuống giống trễ, nếu không bảo đảm được thời gian cách li đầu vụ, nông dân cần sử dụng Trichoderma để phân hủy rơm rạ; sử dụng vôi 10 - 20kg/công và xả nước rửa đất. Ngoài ra, do độ ẩm cao nên tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là bệnh đạo ôn, cháy bìa lá, sâu cuốn lá.
Trước vụ mùa mới, ngành nông nghiệp đưa ra những giải pháp, khuyến cáo nhằm hỗ trợ tốt cho nông dân. Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Chi cục Trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho biết: “Ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân làm vệ sinh đồng ruộng, xử lý rơm rạ sớm, tạo nền đất tốt cho việc sản xuất lúa ĐX.
Đồng thời, hướng người dân gieo sạ lúa theo đúng lịch thời vụ và đồng loạt, chú trọng xây dựng bộ giống chủ lực cho từng vùng; nắm chặt tình hình diễn biến thời tiết và theo dõi sát đồng ruộng để chủ động phòng, chống các loại thiên tai, dịch hại”.
Ngoài ra, để hạn chế thiệt hại do các đối tượng sâu bệnh gây ra, Chi cục BVTV tỉnh khuyến cáo chính quyền các địa phương và bà con nông dân cần tập trung chăm sóc, bón phân cân đối cho cây lúa theo đúng quy trình kỹ thuật “ 3 giảm 3 tăng”, “1 phải 6 giảm”.
Để vụ ĐX 2014 - 2015 đạt năng suất cao, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh cho rằng: “Ngành nông nghiệp các huyện, thị cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, tập trung chủ động tiêu nước, hướng dẫn nông dân bón phun thuốc BVTV phù hợp, hạn chế tối đa đến mức cần thiết và nên sạ lượng giống lúa vừa phải...”.
Nguồn bài viết: http://baodongthap.com.vn/newsdetails/1D3FE187B77/De_vu_lua_dong_xuan_2014_2015_dat_hieu_qua_cao.aspx
Có thể bạn quan tâm

Giá đường giảm và giảm đến mức nào? Đó là câu hỏi mà các nhà máy đường tự hỏi và hỏi lẫn nhau, nhưng rồi ai cũng lắc đầu vì... bí!

Bình quân cứ 4 - 4,5 kg nhái tươi sẽ cho một kg khô. Giá nhái khô hiện thời 540.000 đ/kg, còn vào dịp Tết khô nhái lên 650.000 đ/kg mà không có hàng để bán.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 85% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản phải sử dụng máy nổ, vì chưa có nguồn điện lưới phục vụ. Điều này dẫn đến giá thành cao, hiệu quả kinh tế thấp, từ đó gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc tăng giá nguyên liệu đầu vào, làm giảm năng lực cạnh tranh của các nhà máy chế biến thủy sản trong tỉnh và vùng ĐBSCL.

Sáng 31/3, tại TP Tuy Hòa, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Phú Yên tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chuyên đề Quản lý và phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm tại các tỉnh Duyên hải miền Trung.

Thời điểm thu hoạch càphê niên vụ 2013-2014, giá càphê nhân trên thị trường Tây Nguyên đạt 34.000 đồng/kg, thậm chí có lúc chỉ còn 31.000 đồng/kg, khiến đa phần nông dân không dám bán mà cất trữ, chờ giá lên. Hiện tại, giá càphê nhân tại đây tăng lên 40.900 - 41.600 đồng/kg nên bà con đồng loạt bán ra thị trường.