Để Thương Hiệu Cam Sành Hàm Yên Được Giữ Vững

Cam sành Hàm Yên (Tuyên Quang) không chỉ nổi tiếng trong tỉnh mà còn nổi tiếng cả nước. Năm 2013 cam sành Hàm Yên đã được vinh danh và lọt vào Top 10 loại trái cây bậc nhất Việt Nam. Để giữ vững thương hiệu cam sành Hàm Yên, toàn huyện đã và đang có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm.
Cam sành được trồng ở 15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hàm Yên, trong đó có 9 xã, thị trấn nằm trong vùng dự án gồm: Yên Thuận, Yên Phú, Bạch Xa, Minh Khương, Minh Dân, Yên Lâm, Tân Thành, Phù Lưu và thị trấn Tân Yên.
Vụ cam 2013-2014, huyện Hàm Yên vừa được mùa, được giá. Với 4.037,9 ha, trong đó cam cho thu hoạch 2.381,8 ha chiếm 58,9%, năng suất bình quân đạt trên 130 tạ/ha, sản lượng đạt 31.075 tấn quả; tổng thu nhập đạt hơn 310 tỷ đồng (Cam sành Hàm Yên được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội và các tỉnh miền Bắc là 13.000 tấn, các tỉnh miền Trung 10.000 tấn, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam là 8.000 tấn).
Giữa năm 2013, cam sành Hàm Yên đã được lọt vào Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu trái cây nổi tiếng Việt Nam và tháng 5-2014, được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu.
Cách đây 5 năm, gia đình anh Nông Văn Dực, thôn Nặm Lương, xã Phù Lưu đầu tư hàng trăm triệu đồng để cải tạo toàn bộ diện tích cam đã già cỗi bằng giống cam mới. Với 5 ha, vụ cam 2013-2014 đã cho gia đình anh thu nhập trên 600 triệu đồng.
Anh Dực cho biết đã tham gia, học hỏi các lớp tập huấn về trồng và chăm sóc cam sành. Sau khi được học, do áp dụng đúng kỹ thuật nên vườn cam của gia đình anh luôn đạt trên 75% quả cam đẹp. Hiện gia đình anh đang tập trung chăm sóc để nâng cao chất lượng cam quả, cung cấp sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
Anh Nguyễn Ngọc Cương, một thương nhân ở tỉnh Lào Cai cho biết: “Từ năm 2013, tôi đã thu mua cam sành Hàm Yên để mang đi các tỉnh miền Trung tiêu thụ với sản lượng hơn 5.000 tấn.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các tư thương thu mua tốt hơn, quả không bị dập nát, mẫu mã đẹp, Hội cam sành Hàm Yên cần phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cam đúng quy trình”.
Hiện cây cam đã từng bước xóa nghèo và làm giàu cho người dân nơi đây. Riêng vụ cam năm 2013-2014, từ cam đã có hơn 630 hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng; trong đó có 15 hộ có thu nhập trên 1 tỷ đồng, 24 hộ thu nhập từ 700-900 triệu đồng, 43 hộ có thu nhập từ 500-690 triệu đồng… Cá biệt có hộ thu nhập từ 1,8-2 tỷ đồng như: Hộ ông Trịnh Ngọc Huynh xã Yên Lâm, ông Đỗ Văn Thắng xã Tân Thành, Ông Hà Văn Minh xã Phù Lưu.
Ông Nông Huy Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên cho biết, xác định cây cam là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế, năm 2014 huyện sẽ ưu tiên phát triển, mở rộng diện tích trồng cam; phấn đấu đến năm 2015, toàn huyện sẽ có thêm 1.000 ha cam.
UBND huyện sẽ quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho những hộ gia đình trồng cam như: Tạo cơ chế thông thoáng, chính sách hỗ trợ cho người dân về khoa học kỹ thuật trong quá trình chăm sóc, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra huyện cũng tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp về đường giao thông đi lại, mặt bằng để tiêu thụ sản phẩm. Với những kết quả và cách làm trên, tin rằng cam sành Hàm Yên ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng.
Có thể bạn quan tâm

Nhà máy gồm hai khu, khu giết mổ gia cầm có công suất 1.500 – 2.500 con/giờ cung cấp nguồn gà sạch, đảm bảo quy chuẩn về VSATTP và khu sản xuất các sản phẩm từ gia cầm đã chế biến như: lạp xưởng gà, xúc xích gà, chà bông gà, trứng gà, cút,vịt luộc, bột trứng, bánh flan, một số sản phẩm ăn nhanh từ thịt gà.

Để tạo ra nguồn thức ăn lớn từ những nguyên liệu sẵn có ở địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ đã hợp đồng với Công ty Green Nghệ An thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình áp dụng công nghệ vi sinh để chế biến thức ăn cho gia súc tại Nghệ An”. Dự án được triển khai trên địa bàn xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương từ tháng 12/2013 đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Với giá bán hiện nay từ 75.000 - 85.000 đồng/kg bò hơi, người nuôi thu được hàng chục triệu đồng khi bán một con bò. Phương thức chăn nuôi bò tại nông hộ cũng đang chuyển dần từ chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi bán thâm canh và thâm canh, chăn nuôi quy mô trang trại.

Từ đầu tháng 11/2014 đến nay, dịch lở mồm long móng (LMLM) đã liên tục xuất hiện tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái. Tổng số gia súc mắc bệnh là hơn 480 con. Nguyên nhân chủ yếu là do vận chuyển con giống gia súc từ nơi khác đến làm dịch phát sinh và lây lan dịch bệnh LMLM cho gia súc tại địa phương, nhiều gia súc mắc bệnh phải tiêu hủy.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, số bò giống bị mắc bệnh lở mồm long móng không ngừng tăng lên. Đáng lo ngại là những năm trước đây, dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc ở Đắk Nông là tuýp O, còn hiện nay qua kiểm nghiệm một số mẫu bệnh phẩm phát hiện bệnh lở mồm long móng là tuýp A, nguy hiểm hơn. Vì vậy, tỉnh Đắk Nông đã đề nghị Cục Thú ý tăng cường cán bộ thú y Vùng 5 và Vùng 6 giúp tỉnh trong công tác dập dịch.