Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Để Nông Dân Sống Được Bằng Lúa

Để Nông Dân Sống Được Bằng Lúa
Ngày đăng: 21/11/2013

Trước diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã trình bày khá rõ ràng những giải pháp của ngành để nông dân sống được nhờ cây lúa.

Chủ đề để nông dân sống được bằng lúa gạo được không ít đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát.

“Tôi muốn hỏi chính sách trong giai đoạn tái cơ cấu ngành Nông nghiệp bây giờ đưa ra là chính sách gì để chúng ta thực hiện tốt hơn để bảo vệ quyền lợi cho người nông dân trồng lúa?”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) hỏi.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Chính sách tạm trữ lúa gạo là giải pháp tình thế mà Chính phủ thực hiện để đảm bảo nông dân có lãi 30% nhờ trồng lúa. Giá thành lúa gạo ĐBSCL vụ Hè Thu năm nay là 4.114 đồng/1kg và sau khi Chính phủ tổ chức mua tạm trữ thì trong nhiều tháng liền giá lúa đã cao hơn giá tối thiểu ở mức 5.350 đồng/kg, hiện nay là 5.600-5.800 đồng/kg.

Có thể nói nông dân một số thời điểm không đạt lãi 30% nhưng về cơ bản Chính phủ thực hiện được lời hứa của mình với nông dân và đang cố gắng duy trì điều đó.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: “Cần phải suy nghĩ và triển khai những giải pháp đồng bộ để xây dựng ngành lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả và thực sự phát huy lợi thế của đất nước”.

Theo đó phải quy hoạch lại vùng trồng lúa, không nhất thiết là phải trồng lúa ở mọi chỗ trên đất nước Việt Nam mà nên tập trung vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, những vùng có tự nhiên và thổ nhưỡng thực sự tốt cho cây lúa.

Còn ở Miền Trung, các vùng trung du miền núi mà phải bơm nước 2-3 lần/vụ (do đất pha cát), thì nên chuyển sang cây khác phù hợp có lợi cho dân. “Với tư tưởng đó chúng tôi cũng đã ban hành Thông tư 47 cách đây 2 tuần để hướng dẫn cụ thể cơ chế, cách chuyển đổi như thế nào cho nông dân”, ông Cao Đức Phát nói.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng lúa để tạo ra giống lúa có chất lượng cao, ổn định trong thời gian dài 10 năm (lâu thoái giống) để các doanh nghiệp và nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.

Ông Cao Đức Phát cho biết Bộ NNPTNT đã đặt hàng với các viện nghiên cứu điều chỉnh lại các đề tài nghiên cứu để chọn tạo ra một số lượng ít giống nhưng phải đạt những tiêu chí: Thứ nhất, phải có giá trị thương phẩm trên 500 USD/1 tấn thay vì chỉ 400USD như hiện nay.

Thứ hai, phải tiếp tục hỗ trợ nhân dân để ứng dụng cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ mới trong bảo quản và chế biến. Thủ tướng Chính phủ vừa ký một quyết định về chính sách hỗ trợ cho nông dân mua máy móc, trong đó có máy móc cho ngành lúa gạo. Tại tỉnh Hậu Giang, cứ mỗi héc ta giảm được 4 triệu đồng chi phí nhờ cơ giới hóa, rất có lợi cho dân.

Thứ ba, phải tiếp tục thúc đẩy kinh doanh lúa gạo một cách bền vững và có khả năng cạnh tranh trên cơ sở xây dựng những thương hiệu về lúa gạo.

Cuối cùng là tổ chức lại sản xuất để tạo ra mối liên kết bền vững giữa nông dân với nhau, giữa nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước. Hiện nay sản xuất nông hộ nhỏ lẻ với gia đình nông dân trồng lúa có diện tích dưới 0,2 ha đã đạt gần tới đỉnh cao về khả năng sản xuất và đã đến lúc phải liên kết lại. Mô hình cánh đồng mẫu lớn của An Giang cho thấy đấy là một lối thoát có triển vọng.

Bộ NNPTNT đã đặt hàng với các Viện nghiên cứu và các địa phương điều tra kỹ hơn về các mô hình liên kết sản xuất lúa gạo và đề xuất với Chính phủ những chính sách điều chỉnh để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các đối tác trong chuỗi giá trị này.


Có thể bạn quan tâm

Giải pháp nào phát triển bền vững ngành hồ tiêu diện tích vượt ngưỡng Giải pháp nào phát triển bền vững ngành hồ tiêu diện tích vượt ngưỡng

Liên tiếp trong một thời gian ngắn, nhiều hội nghị, hội thảo đã được tổ chức ở những vùng trọng điểm của cây hồ tiêu như Tây Nguyên, Đông Nam bộ. Tất cả các diễn đàn này đều có chung một nỗi lo: Diện tích hồ tiêu đang tăng nhanh và rất khó kiểm soát.

24/10/2015
Liên kết sản xuất nâng cao chuỗi giá trị giống lúa ST20 Sóc Trăng Liên kết sản xuất nâng cao chuỗi giá trị giống lúa ST20 Sóc Trăng

Giống lúa thơm ST20 được chọn lọc từ tổ hợp lai (ST3/Tám thơm Hải Hậu đột biến/Hoa sữa, ST1/KDM105, Tám thơm đột biến 35-4-2).

24/10/2015
Phát triển nuôi cá lồng trên sông ở Hải Lăng Phát triển nuôi cá lồng trên sông ở Hải Lăng

Là huyện nông nghiệp vùng trũng có nhiều sông, hồ… vì vậy nuôi cá lồng đang là hướng đi mới có hiệu quả đang được nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Hải Lăng triển khai nhằm góp phần tăng nguồn thu nhập cho người dân, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

25/10/2015
Ngành thủy sản tăng trưởng ổn định và bền vững Ngành thủy sản tăng trưởng ổn định và bền vững

Suốt 5 năm qua, ngành thủy sản tỉnh BR-VT luôn giữ tốc độ tăng trưởng cao nhờ ngư dân không ngừng áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng, khai thác, chọn nghề khai thác có giá trị thương phẩm cao để hoạt động và nuôi những loại thủy sản phù hợp để gia tăng nguồn lợi.

25/10/2015
Cuối năm, hy vọng xuất khẩu tôm sáng sủa Cuối năm, hy vọng xuất khẩu tôm sáng sủa

Cả năm 2015, chúng ta sẽ hoàn thành được kế hoạch thả nuôi tôm cả về diện tích, sản lượng, ít nhất sẽ bằng sản lượng thu hoạch năm 2014…

25/10/2015