Đẩy Mạnh Thực Hiện Chương Trình Tái Canh Cà Phê

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, toàn tỉnh hiện có trên 117.357 ha, sản lượng ước đạt trên 230.000 tấn. Tuy nhiên, việc phát triển cà phê trên địa bàn tỉnh chưa mang tính bền vững, chưa phát huy hết tiềm năng về đất đai, khí hậu để nâng cao năng suất, chất lượng.
Vì lẽ đó, ngành cà phê tỉnh đang đứng trước những thách thức do cà phê trồng không theo quy hoạch, trồng trên những chân đất không phù hợp, không đủ điều kiện canh tác, chất lượng giống không đảm bảo, mẫn cảm với nhiều loại sâu bệnh hại...
Do đó, năng suất, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh trên thị trường thấp và diện tích cà phê già cỗi cần phải tái canh trong tương lai ngày càng nhiều. Ngoài ra, sự tăng, giảm về diện tích biến động phụ thuộc nhiều vào cung, cầu của thị trường cà phê đã làm ảnh hưởng đến tài nguyên rừng bị khai thác quá mức, môi trường ngày càng bị suy giảm...
Theo tổng hợp của các địa phương, từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có khoảng 24.658 ha cà phê cần tái canh, trong đó, diện tích cà phê trên 30 năm là 568 ha, trên 25 năm là 1.969 ha, trên 20 năm là 5.568 ha và trên 15 năm là 16.553 ha.
Trong số diện tích cần tái canh, ngoài diện tích quá già cỗi không thể phục hồi thì số diện tích còn lại phần lớn sử dụng giống kém chất lượng, mẫn cảm nhiều loại sâu bệnh hại, kỹ thuật canh tác kém cho nên chất lượng vườn cây thấp, khó có khả năng phục hồi, dẫn đến năng suất, hiệu quả thấp.
Trước thực tế đó, Sở Nông nghiệp-PTNT đã và đang xây dựng kế hoạch triển khai tái canh như xây dựng dữ liệu nhu cầu tái canh từ nay đến năm 2020 để có kế hoạch phối hợp với Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam trong việc chủ động giống và Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT cho nông dân vay vốn hỗ trợ tái canh.
Thế nhưng, việc tái canh cà phê trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn gặp những hạn chế như các địa phương chưa chủ động về nhu cầu sử dụng giống, do chưa nắm bắt được nhu cầu tái canh, còn người dân vẫn chưa nắm bắt được quy trình tái canh do ngành chuyên môn hướng dẫn, rồi khó khăn về vốn nên kết quả thực hiện chưa lớn…
Trong 3 năm qua, thực hiện các cam kết giữa Sở Nông nghiệp-PTNT và Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, các địa phương trong tỉnh đã nhận về 2.100 kg hạt giống và 50.000 cây giống cà phê TRS1. Sau 3 năm triển khai chương trình tái canh cà phê, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện tốt công tác nhận hạt giống, hướng dẫn kỹ thuật tổ chức gieo ươm, rà soát hố trồng của người dân đăng ký ở các địa phương và giám sát công tác cấp phát cây giống cho bà con.
Đến thời điểm hiện tại, cây con đem ra trồng ngoài thực địa sinh trưởng phát triển bình thường, thích nghi khá tốt với điều kiện sinh thái tại các vùng trồng cà phê trong tỉnh, với tỷ lệ sống đạt khoảng 85%. Thông qua chương trình tái canh, bà con đã được tiếp cận các giống cà phê có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu, bệnh đã được Bộ Nông nghiệp-PTNT công nhận. Hơn nữa, các hộ trồng cà phê tái canh bước đầu được tiếp cận với quy trình sản xuất cà phê theo hướng bền vững theo các tiểu chuẩn sản xuất cà phê như 4C, UTZ, Fairtrade…
Theo dự kiến của ngành Nông nghiệp tỉnh thì với diện tích tái canh khoảng 2.600 ha trong các vụ, khi vào giai đoạn kinh doanh thì năng suất bình quân tăng khoảng 10-15%, tức là từ 2,2 tấn/ha lên 2,6 tấn/ha, sẽ giúp tăng thêm 1.040 tấn. Đây là khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, nâng cao giá trị ngành hàng cà phê, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế hàng năm của tỉnh.
Có thể bạn quan tâm

Mấy ngày này, đi từ hướng thành phố Tây Ninh về Bến Cầu, vừa qua cầu Gò Chai chừng trăm mét, nhìn hướng tay phải tỉnh lộ 786, nhiều người thấy một vùng xanh um điên điển, lại thấy lấp loá ánh vàng của những chùm hoa vừa nở. Nếu để ý kỹ, người qua đường sẽ thấy vùng điên điển này gồm nhiều hàng thẳng tắp, như được trồng tỉa chứ không phải mọc tự nhiên trong mùa nước nổi như một số nơi khác.

Theo một số hộ dân ở Cam Lâm (Khánh Hòa), nuôi sá sùng kết hợp với một vài đối tượng khác trong ao không mất nhiều công chăm sóc và chi phí, lại có thêm thu nhập. Tuy nhiên, họ chưa mặn mà bởi không chủ động được khâu thu hoạch...

Ông Lê Minh Đồng ở ấp Bào Cỏ, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo không chỉ là một hội viên cựu chiến binh gương mẫu mà còn làm kinh tế giỏi. Từ phát triển mô hình kinh tế chăn nuôi heo, mỗi năm gia đình ông thu nhập được hàng trăm triệu đồng.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất thủy sản thông qua các mô hình, dự án ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như: Mô hình nuôi cá giống mới, chuyển giao công nghệ trong sản xuất giống thủy sản;

Chúng tôi đến thăm cơ ngơi khang trang của lão nông Lê Văn Phấn tại ấp 3, xã Trừ Văn Thố (Bàu Bàng). Ít ai biết, ông từng là một ông chủ cơ sở mía đường đang ăn nên làm ra tại Long An rồi về Bình Dương mua đất trồng cây ăn trái từ năm 1999. Sau nhiều phen trồng thử nghiệm các loại cây ăn trái khác nhau, cây quýt đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.