Đầu Năm Thanh Long Bình Thuận Có Giá

Một vườn thanh long đang chín có đến 4 - 5 thương lái của vựa này, vựa kia đến hỏi mua. Tình hình trên khiến những nhà vườn sắp có thanh long chín khấp khởi hy vọng...
Từ ngày mùng 6 tết trở đi, nhiều nậu vựa thanh long đã xuất hành mua hàng. Vì thế, trước đó từ ngày mùng 2 tết, thậm chí là những ngày cuối tháng chạp, các thương lái đã đi về các vùng thanh long tìm vườn có trái chín trong những ngày sau tết để hợp đồng miệng, hẹn ngày cắt. Thế nhưng, khác năm trước, năm nay những vườn thanh long chín vào thời điểm từ rằm tháng giêng đổ lại hiếm. Ngay ở những vùng có diện tích thanh long lớn như: Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình (Bình Thuận) cũng thế.
Theo một số nông dân, do thời điểm chong đèn để ra trái đợt này trúng vào dịp Noel, thời tiết lạnh nên dù lượng điện chong “già” trên 20 ngày đêm nhưng nhiều vườn thanh long vẫn không bung nụ. Cộng thêm, thời tiết năm nay lạnh nên thanh long chín muộn hơn bình thường, có nơi kéo dài 7 - 10 ngày hoặc hơn. Do đó, hiện rất nhiều vườn thanh long sẽ có trái chín rộ từ sau rằm tháng giêng trở đi.
Vì thế, đã tạo ra cơn sốt hàng thanh long bất chợt và theo dự đoán điều này cũng chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn. Lý giải điều này, một số thương lái cho biết, thanh long đầu năm đang sốt tại cửa khẩu biên giới, vì đang trúng vào thời điểm dân Trung Quốc chuẩn bị đón rằm Nguyên tiêu, đợt ăn tết lớn không kém gì dịp tết trùng với tết Việt Nam vừa qua.
Thế nhưng, điểm lại diễn biến giá thanh long vào thời điểm chuẩn bị đón tết cổ truyền vừa qua thì thật không biết đâu mà định đoán. Giá thanh long nhảy múa liên tục và hầu như đều xoay quanh mức 12.000 - 15.000 đồng/kg, mức giá nhà vườn xoay xở chỉ vừa đủ vốn.
Ngay thời điểm cận tết, tức vào ngày 24 - 25 tết, không ít nhà vườn như ngồi trên lửa khi thương lái không muốn đi mua nữa, vì cho rằng đang ứ hàng nên họ phải bán đổ bán tháo với giá 10.000 - 13.000 đồng/kg.
Hơn thế, lại có chuyện ngược với lẽ thường trong buôn bán thanh long tại Bình Thuận lâu nay là hàng nhỏ lại được giá cao hơn hàng lớn. Lâu nay, nhà vườn thanh long quen theo đòi hỏi của thương lái là làm ra trái to để bán giá cao, tức sẽ bán qua thị trường Trung Quốc; còn thời điểm trước tết chuộng trái nhỏ, có nghĩa hàng tiêu thụ nội địa, chứ không phải qua Trung Quốc.
Qua mùng 2 tết, không còn đòi hỏi trên nữa nhưng giá thanh long nhích lên 16.000 đồng rồi 18.000 đồng và tới mùng 6 tết đã lên 20.000 - 21.000 đồng/kg. Giá thanh long ở mức nhà vườn đã có lời thì sản lượng thanh long không nhiều. Các thương lái chạy đụng đầu nhau, một vườn thanh long đang chín có đến 4 - 5 thương lái của vựa này, vựa kia đến hỏi mua.
Tình hình này khiến những nhà vườn chuẩn bị có trái chín sắp tới khấp khởi chờ đợi. Không biết những ngày tháng tới thế nào, nhưng đầu năm, với khởi đầu thanh long có giá như thế có thể hy vọng những thuận lợi cho người trồng thanh long trong năm nay, bù những thất bát trong năm qua.
Có thể bạn quan tâm

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua việc sản xuất thanh long đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, trong năm 2013 và đầu năm 2014, giá cả thanh long tăng cả chính vụ và trái vụ (giá bình quân chính vụ năm 2013 là 13.273 đồng/kg, trái vụ 17.210 đồng/kg).

Một giải pháp mang lại hiệu quả cao không thể không nhắc tới, đó là Hội Nông dân huyện Đức Linh đã chủ động phối hợp với các ngành tổ chức các mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, cung ứng cây, con giống nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của hội viên nông dân có cùng nhu cầu sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực để hợp tác.

Vào chính vụ, các loại quả đặc trưng của mùa hè như vải, mận, dưa hấu, dưa lê, dưa bở... được bày bán la liệt khắp các chợ, trên đường phố Thủ đô. Nhiều loại hoa quả giá đột ngột giảm mạnh, rẻ như rau.

Điều này gây khó khăn cho các ngân hàng thương mại trong việc thẩm định và quyết định cho vay. Đã vậy, trong 133 doanh nghiệp được giao chỉ tiêu có sáu doanh nghiệp trả lại chỉ tiêu và năm doanh nghiệp xin giảm chỉ tiêu, ba doanh nghiệp không mua đạt chỉ tiêu.

Mặc dù tình hình phát triển kinh tế của tỉnh trong 5 tháng qua đã có những bước chuyển biến khá tích cực nhưng trên thực tế vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm, công tác thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư vẫn còn đạt thấp, diễn biến dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cây trồng, vật nuôi...