Đào Nhật Tân Nở Sớm, Quất Tứ Liên Chết Khô

Còn gần 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, song những người trồng đào và quất cảnh ở các phường Nhật Tân, Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội như ngồi trên đống lửa.
Do thời tiết bất thuận, ban đêm trời lạnh, có sương muối, ban ngày trời nắng, nhiệt độ cao kéo dài cả tháng nên đào đã bắt đầu đâm nụ, trổ hoa trong khi quất lại bị thối rễ làm quả vàng và rụng, cây héo, chết hàng loạt.
Ông Chu Đức Nguyên, một người đã có trên 20 năm kinh nghiệm trồng đào cho hay, năm nay mùa đông đến muộn, trời lại ấm nên đào nở sớm. Nếu không có kinh nghiệm xử lý thì đào sẽ không nở đúng dịp Tết.
Mặt khác, do sương muối nên nhiều cây bị rụng lá, kích thích nở hoa sớm. Một số hộ muốn cây ra hoa sớm để bán hoa cành hoặc làm dịch vụ cho khách thuê chụp ảnh vào dịp cuối năm nên đã cho tuốt lá sớm.
Trên con đường vào làng, ra bãi chúng tôi thấy có rất nhiều cây quất bị nhổ bỏ chất đống bên đường. Nhiều cây đã chết khô còn mang trên cành những quả đã héo nâu, những cây khác tuy lá còn xanh nhưng rễ tơ đã bị đứt hết do bị thối đen. Rải rác trong các vườn nhiều cây đã héo lá, quả vàng rụng đầy gốc đang chờ chủ nhân nhổ bỏ.
Bà Ngô Thị Ngà, Chủ tịch Hội Nông dân phường Tứ Liên cho biết, để giúp bà con khắc phục hiện tượng quất bị chết chưa rõ nguyên nhân, phường đã mời ngành BVTV về lấy mẫu, tìm biện pháp giúp người dân khắc phục...
Ông Nguyễn Văn Chính, một trong những người trồng quất cảnh lâu năm cho hay, năm nay trời không cho ăn, hầu như tất cả mọi nhà trồng quất đều cùng chịu chung cảnh mất mùa.
Gia đình ông trồng được 800 gốc thì đã phải chặt bỏ 100 gốc, 300 gốc bắt đầu héo phải vặt bỏ hết quả để cứu gốc, chẳng biết liệu có sống được không.
Theo con số ước tính của HTXNN phường Tứ Liên, có khoảng 50% diện tích quất đã bị chết hoặc héo vàng khó có khả năng cứu chữa, nhiều hộ có số cây chết đến quá nửa, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Theo những người có kinh nghiệm trồng quất cảnh lâu năm ở Tứ Liên, nguyên nhân làm quất chết nhiều là do tháng 7, tháng 8 năm nay mưa nhiều, nhiều vườn không kịp thoát nước gây úng ngập làm cây bị thối rễ, khi gặp lạnh, khô hanh và nắng nhiều sẽ bị héo lá, rụng quả và chết hàng loạt.
Cũng có ý kiến cho rằng sương muối và mưa axít là nguyên nhân gây nên những thiệt hại này.
Có thể bạn quan tâm

Xã Bình Khê vốn là vùng cây ăn quả tập trung lớn nhất của huyện Đông Triều, riêng diện tích trồng vải của xã là 500 ha. Những năm được mùa vải như năm 2011, sản lượng đạt khoảng 5.000 - 6.000 tấn. Tuy nhiên, sản lượng thu hoạch càng lớn thì nỗi lo “được mùa - mất giá” lại càng nhiều. Giá bán vải quá thấp chỉ 2.000 - 3.000 đồng/kg

Mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng cây ăn quả ở Đại Đức (Hải Dương) đem lại hiệu quả kinh tế khá, đời sống người dân được cải thiện...

Giá cá tra ở ĐBSCL sau ba tháng giảm, một tháng cầm cự, từ đầu tháng 10/2011 tiếp tục tăng mạnh lên 27.000 đồng/kg cá loại 1 và các nhà máy chế biến xuất khẩu lại trở nên sôi động

Huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau là nơi có diện tích nuôi tôm xen canh với nuôi cua lớn nhất của tỉnh Cà Mau, với hơn 25.600 ha. Nơi đây còn là đầu mối tập kết của hàng trăm thương lái trong tỉnh, hàng ngày thu gom cua ở các vuông tôm vận chuyển đến bán cho các chủ vựa thu mua cua tại thị trấn Năm Căn

Qua bình xét cuối năm 2011 xã Bình Đông, thị xã Gò Công (TXGC), tỉnh Tiền Giang có 219 nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp, những nông dân này đã thành công trong nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế gia đình tại địa phương - trong số này có gia đình ông Nguyễn Văn Hai, ấp Hồng Rạng, xã Bình Đông đã thành công với mô hình nuôi rắn mối.