Dân Nuôi Yến Đang Ngồi Trên Lửa

Cần Giờ lâu nay được xem như “thủ phủ nuôi yến” của TP.HCM, nhưng sau Thông tư 35 của Bộ NNPTNN về quản lý và quy hoạch nghề nuôi yến, dân nuôi yến ở Cần Giờ như đang “ngồi trên lửa”.
Đứng trên cầu Vàm Sát (xã Lý Nhơn) phóng tầm mắt xuống tổ 41 (ấp Lý Hòa Hiệp), chúng tôi đếm được 13 căn nhà yến mới xây dựng 2-3 năm nay. Giữa trưa, từng đàn yến quần thảo đen kịt cụm nhà yến này. Tiếng máy dẫn dụ yến xôn xao cả khu xóm.
Tuy nhiên, khi đi vào ấp 41, quang cảnh nhộn nhịp này không khỏa lấp được nỗi bất an của những người chủ nuôi yến. Anh Út Vân (Lê Văn Vân) – chủ một nhà yến mới xây, cũng là một nhà thầu xây dựng nhà yến ở Cần Giờ cho biết: “Tôi vừa mới xây xong nhà yến hết hơn 1 tỷ đồng. Nếu khu vực này không nằm trong khu quy hoạch nuôi yến sắp tới của huyện Cần Giờ thì gần như trắng tay, của cải mà bao năm vợ chồng tui dành dụm”.
Theo anh Út Vân, để có thể hòa vốn, người nuôi yến cần ít nhất thời gian 4-5 năm. Và nếu muốn kiếm lời một nhà yến 100m2, 4 sàn cần phải mất thời gian 7 năm để xây dựng đàn yến lên khoảng 12.000 con nhằm thu hoạch 6 - 7kg tổ yến/tháng.
Theo khảo sát của NTNN, hiện số nhà nuôi yến huyện Cần Giờ không ít hơn 250 căn, tập trung chủ yếu ở xã Tam Thôn Hiệp (200 căn), Lý Nhơn (30 căn), An Thới Đông (20 căn), chưa kể ở xã Bình Khánh, Thạnh An và thị trấn Cần Thạnh. Báo cáo của phòng Kinh tế huyện Cần Giờ cho thấy, sản lượng tổ yến của toàn huyện năm 2013 là 2.715kg.
Tuy nhiên, theo Thông tư 35/2013 người dân phải xây dựng cơ sở nuôi chim yến phù hợp với quy hoạch hoặc được sự đồng ý bằng văn bản của UBND cấp huyện. Nhưng tới giờ UBND huyện Cần Giờ vẫn chưa có quy hoạch này.
Chị Trần Bạch Mai – một chủ nhà yến tại xã Lý Nhơn bày tỏ: “Tui không biết sắp tới nghề yến sẽ được quy hoạch như thế nào và không biết những nhà nuôi yến đã xây nhưng ngoài quy hoạch thì sẽ xử lý ra sao vì những ngôi nhà ấy khó chuyển đổi công năng”.
Theo ông Đặng Xuân Bình – Trưởng phòng Kinh tế huyện Cần Giờ, cho đến giờ thành phố mới chỉ có công văn hướng dẫn quản lý về nghề nuôi yến trên địa bàn thành phố. Huyện Cần Giờ đang khảo sát lại những hộ nuôi yến trên địa bàn để xây dựng kế hoạch sắp tới. Vì thế, dân vẫn phấp phỏng chờ, không hiểu nơi mình định xây nhà nuôi yến có nằm trong quy hoạch hay không.
Có thể bạn quan tâm

Vùng chuyên canh cây hồ tiêu ở xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) có diện tích khá lớn với gần 500 hécta. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nhiều nông dân đang bước vào vụ thu hoạch với niềm vui trúng mùa, được giá.

Qua khảo sát của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật cho thấy, những năm gần đây, tình hình dịch hại trên cây mì có nhiều diễn biến phức tạp, một số đối tượng dịch hại nguy hiểm có nguy cơ lây lan trên diện rộng như: Bệnh chổi rồng, bệnh xì mủ thân (do vi khuẩn), rệp sáp bột hồng và một số loài rệp sáp khác.

Năm 2013, có 1.392 hộ và 516,76 ha tham gia bảo hiểm với tổng mức phí 22,38 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ trên 13 tỷ đồng. Có 1.575 vụ tôm thiệt hại trên tổng số 1.392 hợp đồng với diện tích 496,409, chiếm 96,1% tổng diện tích tham gia bảo hiểm.

Sáng 28-2, tại TP.Bà Rịa, Tổng Cục Thủy sản phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch nuôi tôm nước lợ năm 2014 và bàn giải pháp phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi ở các tỉnh phía Nam.

Theo đại diện một số siêu thị tại TP.Biên Hòa (Đồng Nai), lượng trứng gia cầm tiêu thụ vẫn tốt dù giá trứng không điều chỉnh giảm như ngoài thị trường.