Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Dân chặt cao su trồng keo

Dân chặt cao su trồng keo
Ngày đăng: 06/05/2015

Thời gian gần đây, người dân trồng cao su ở vùng gò đồi ở tỉnh TT-Huế đã chặt bỏ nhiều diện tích cây cao su bán cho các doanh nghiệp kinh doanh gỗ tạp vì giá mủ cao su xuống quá thấp.

Giữa trưa nắng như chảo rang, nhiều vườn cao su ở thôn Hiệp Hòa (xã Bình Thành) vẫn không ngớt tiếng máy cưa xẻ, tiếng cây đổ. Bà Nguyễn Thị Cúc, một hộ dân cho biết: “Liên tục hơn một năm nay, giá mủ cao su rớt thê thảm. Nay giá mủ nước chỉ còn 5.000 đồng/kg. Với giá đó, một ngày chỉ thu được trăm nghìn đồng, không đủ chi phí công cán, phân thuốc nên bà con chọn giải pháp chặt hạ cây cao su”.

Hộ bà Cúc vừa chặt bỏ 6 ha cây cao su ở vùng gò đồi nhà mình để trồng cây keo. Bà Cúc cho biết, với giống keo mới, trồng 4-5 năm là cho thu hoạch, 1 ha cũng kiếm được 60-70 triệu đồng, thu nhập ổn định hơn.

Trong khi trồng cây cao su, đặc biệt với thời điểm giá mủ thấp như hiện nay bà con cầm chắc thua lỗ. Hàng trăm hộ dân khác ở xã Bình Thành cũng rơi vào tình cảnh như bà Cúc nên tự tay đốn bỏ hàng chục ha cao su sau bao năm dày công chăm sóc.

Tại thôn Hương Lộc, Bình Dương (xã Hương Bình), những ngày này, nhiều tuyến xe tải vào hẳn trong vườn cao su để thu mua gỗ. Người dân ở đây cho biết, số diện tích cao su họ chặt bỏ chủ yếu trồng từ những năm 1993-1994.

Một số ít hộ dân chặt cao su trồng từ những năm 2000-2001 để bán vì không trụ nổi. Bà con chặt cao su bán gỗ tạp với giá từ 100-150 nghìn đồng/cây.

Anh La Văn Cời, trú thôn Bình Dương cho biết: “Trồng cao su bây giờ không bằng một ngày tui đi vác tràm, keo thuê cho mấy hộ chủ rừng. Trước đây, với 3,5 ha cao su, một ngày tui thu chí ít cũng được 500 nghìn đồng.

Bây giờ dậy sớm tinh mơ, cạo cho đến mặt trời gần lên cũng được có 100 nghìn bạc, không đủ bù công cán, phân tro. Biết là cao su còn cho mủ nhưng giá thấp quá, không chặt đi lấy đất đâu mà trồng loại cây khác”. 

Tại huyện miền núi Nam Đông (TT-Huế), cũng diễn ra tình trạng người dân chặt nhiều diện tích cây cao su bán gỗ tạp. 
Tuy nhiên, theo ông Phạm Tấn Son, Trưởng phòng NN-PTNT huyện, đây là số diện tích bị ảnh hưởng do các cơn bão qua các thời kỳ, cho mủ kém. Trên địa bàn huyện Nam Đông tính đến thời điểm này chỉ có 10 ha cao su bị chặt bỏ.

Hộ gia đình anh Cời trồng 3,5 ha cao su thì đến thời điểm hiện tại đã chặt 1 ha bán được 40 triệu đồng. Số tiền này anh Cời sẽ đầu tư mua giống, thuê nhân công trồng lại cây keo trên diện tích cao su vừa chặt bỏ.

Ông Nguyễn Chánh Thắng, Chủ tịch UBND xã Hương Bình cho biết: “Toàn xã có 1.181 ha cao su, trong đó có 950 ha đang trong thời gian cho mủ. Tình trạng người dân chặt bán vườn cao su cho các thương lái một phần do mủ xuống thấp, số cây chặt bán chủ yếu rơi vào diện tích được trồng từ năm 1994, hiệu suất khai thác thấp”.

Ông Lê Văn Anh, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hương Trà thông tin: “Hiện nay diện tích cao su trên toàn thị xã hơn 2.450 ha, trong đó diện tích đang trong quá trình khai thác mủ khoảng 1.890 ha.

Ở các xã Hương Bình, Bình Thành người dân có bán cao su làm gỗ, nguyên nhân là do những diện tích cao su này được trồng năm 1993 theo dự án 327 đã hết chu kỳ kinh doanh lấy mủ, một số diện tích qua các cơn bão các năm trước đã bị gãy đổ gần hết không đảm bảo mật độ, cho sản lượng mủ thấp”.

Ông Anh cho biết thêm, từ năm 2013 đến nay người dân trồng cao su toàn thị xã đã chặt bỏ cao su bán gỗ khoảng 52 ha. Thời gian tới, Phòng Kinh tế thị xã sẽ phối hợp với các cơ quan như Trạm Bảo vệ Thực vật, Trạm Khuyến nông lâm ngư thường xuyên kiểm tra tình hình sâu bệnh và tập huấn kỹ thuật chăm sóc phòng trừ sâu bệnh cho các hộ dân, phối hợp với UBND các xã có trồng cao su vận động người dân cố gắng giữ vườn cao su để tiếp tục chăm sóc mặc dù giá mủ đang xuống thấp.


Có thể bạn quan tâm

Triển Vọng Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến Triển Vọng Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến

Những năm qua, nhất là từ khi triển khai thực hiện Đề án tôm - lúa, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến trong huyện Phú Tân (Cà Mau) không ngừng tăng lên. Phát triển nuôi tôm quảng canh cải tiến góp phần đáng kể trong việc tăng sản lượng tôm nuôi, nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

04/06/2013
Bất Thường Ở Vùng Na Bất Thường Ở Vùng Na

Chẳng hiểu do thời tiết hay sâu bệnh mà na Chi Lăng (Lạng Sơn) năm nay ra hoa ít hơn hẳn, thậm chí có diện tích không ra hoa. Bằng biện pháp kỹ thuật, người dân vùng na đã tuốt lá để kích thích cây ra hoa đợt hai, nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao lại có hiện tượng bất thường này?

26/06/2013
Phát Triển “Cánh Đồng Mẫu Lớn” Phát Triển “Cánh Đồng Mẫu Lớn”

Sau 3 năm triển khai thực hiện “Cánh đồng mẫu lớn”, tổng diện tích lúa đạt trên 10.000 héc-ta của trên 6.400 lượt nông dân tham gia. Kỹ sư Châu Ngọc Thi, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Châu Thành (An Giang) tâm đắc: Mô hình liên kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân mang lại hiệu quả kinh tế cao nên diện tích lúa “Cánh đồng mẫu lớn” đang ngày càng mở rộng.

04/06/2013
Từ Phận Nghèo Thành Ông Chủ Từ Phận Nghèo Thành Ông Chủ

Những năm qua, Hội ND và chi nhánh Ngân hàng CSXH Hà Nội đã tích cực phối hợp để hộ nghèo được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập...

26/06/2013
Thoát Nghèo Từ Nghề Nuôi Ong Thoát Nghèo Từ Nghề Nuôi Ong

Ban đầu chỉ có dăm hội nuôi, sau 8 năm “cắm rễ” ở huyện nghèo Vũ Quang, nghề nuôi ong lấy mật đã thu hút 1.000 hộ nuôi với trên 4.000 đàn. Mỗi năm, các hộ thu về hơn 40 tấn mật và bán ra khoảng 1.000 đàn ong giống, thu hàng tỷ đồng...

04/06/2013