Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đắk Lắk Nuôi Cừu Lấy Thịt Một Mô Hình Làm Kinh Tế Manh Nha Phát Triển

Đắk Lắk Nuôi Cừu Lấy Thịt Một Mô Hình Làm Kinh Tế Manh Nha Phát Triển
Ngày đăng: 21/08/2014

Thời gian gần đây, mô hình nuôi cừu lấy thịt đã được nhiều hộ dân trong tỉnh Đắk Lắk quan tâm và đạt được những thành công, bước đầu đem lại hiệu quả trong phát triển kinh tế hộ gia đình.

Gia đình anh Tô Đức Hòa, xã Ea Knuếc (huyện Krông Pak), được xem là người tiên phong trong việc nuôi cừu tại Dak Lak. Đi tham quan và học hỏi ở nhiều nơi, thấy ở Ninh Thuận nhiều người nuôi cừu và đem lại hiệu quả kinh tế cao, nên anh chú tâm nghiên cứu kỹ lưỡng và mang về nuôi giống cừu lấy thịt ngay tại trang trại của gia đình.

Đến năm 2006, khi giá cừu và dê xuống thấp, nhiều người bỏ đàn nhưng anh vẫn kiên trì nuôi. Anh Hòa cho biết, kinh nghiệm sau bao năm làm nông nghiệp phải xác định rõ là giá cả lúc lên, lúc xuống nên chắc chắn giá thịt cừu sẽ lên lại.

Quả thật, từ năm 2009 đến nay, thịt cừu đã trở nên phổ biến đặc biệt là được tiêu thụ mạnh ở Đà Nẵng cũng như các tỉnh phía Nam, do vậy giá thịt cừu liên tục tăng và ổn định ở mức khá cao. Hiện thịt cừu có giá trung bình 100.000 đồng/kg.

Cừu có thời gian sinh trưởng nhanh, chỉ sau 8 - 9 tháng là bắt đầu sinh; và nuôi thương phẩm thì chỉ 5 - 6 tháng đạt trọng lượng khoảng 20 kg là có thể xuất bán.... Đàn cừu của gia đình anh Hòa hiện có 70 con, mỗi một lứa như vậy anh chỉ xuất gần nửa đàn, còn lại để gây giống, anh cũng thu vào gần trăm triệu đồng.

Được biết, giá cừu giống không quá cao, chỉ khoảng trên 2 triệu đồng/con. Cừu có tính bầy đàn cao, thường đi kiếm ăn theo đàn nên người chăn nuôi rất dễ quản lý.

Chúng cũng là loài dễ nuôi, mau lớn, ít tốn công chăm sóc, ít bệnh tật, chuồng trại lại đơn giản. Thức ăn của cừu rất đa dạng từ các loại cỏ, lá cây..., đến các loại phụ phẩm nông nghiệp... tuy nhiên, thức ăn thô vẫn là chủ yếu.

Với những lợi thế như vậy, việc nuôi cừu đang được rất nhiều người dân trong tỉnh quan tâm, học hỏi và đã manh nha phát triển ở một số huyện như: Krông Pak, Cư Kuin, Krông Bông. Đây đã trở thành mô hình xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Đơn cử như hộ anh Nguyễn Công Thanh, ở thôn 15, xã Ea Ning (huyện Cư Kuin) cũng bắt đầu nuôi cừu lấy thịt từ năm 2012. Hiện đàn của gia đình anh Thanh cũng đã lên đến 40 con.

Anh Thanh cho biết, từ khi biết được về nuôi cừu, gia đình anh đã có thêm một nguồn thu nhập đáng kể. Theo anh Thanh, mỗi năm cừu sinh sản 2 lứa, mỗi lứa 1 con, nhưng cái hay ở chỗ là sinh sản tập trung trong thời gian ngắn, nên không tốn nhiều công chăm sóc. Nuôi cừu về cơ bản thì dễ hơn dê vì cừu là loài động vật rất dễ ăn, sức đề kháng lại cao, ít bị bệnh.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hoa Quỳ, Trưởng Phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, việc phát triển nuôi cừu lấy thịt không nằm trong chương trình trọng tâm, trọng điểm của tỉnh. Các mô hình hiện tại được người dân tự tham quan, học hỏi và phát triển tại hộ gia đình.

Vì vậy, bà con nông dân cần nghiên cứu kỹ về cách thức chăn nuôi, đề phòng dịch bệnh. Quan trọng hơn, bà con cần có những phương án phát triển lâu dài để tránh tình trạng: khi giá lên thì phát triển tràn lan còn giá xuống thì bỏ đàn.


Có thể bạn quan tâm

Giá lúa thu đông thấp hơn so với cùng kỳ năm trước Giá lúa thu đông thấp hơn so với cùng kỳ năm trước

Nông dân tại nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL hiện bán lúa thu đông 2015 thu hoạch sớm thấp hơn từ 400 - 500 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh lân cận, như: Hậu Giang, Vĩnh Long…, nông dân bán lúa tươi IR50404 ngay tại ruộng chỉ 4.200 - 4.300 đồng/kg, trong khi cùng kỳ năm trước từ 4.700 - 4.800 đồng/kg. Nhiều loại lúa tươi hạt dài như: OM 4218, OM 5451… giá từ 4.500 - 4.700 đồng/kg.

05/09/2015
Cây chè, hướng thoát nghèo bền vững của Ba Trại Cây chè, hướng thoát nghèo bền vững của Ba Trại

Những năm gần đây, nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên giá trị sản phẩm chè Ba Trại (huyện Ba Vì, Hà Nội) được nâng lên rõ rệt.

05/09/2015
Cảnh báo sâu bệnh bằng công nghệ GIS Cảnh báo sâu bệnh bằng công nghệ GIS

Thành phố Đà Lạt đã thiết lập hệ thống bản đồ phân bố dịch hại trên cây dâu tây thông qua ứng dụng công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý), làm cơ sở đưa ra các giải pháp phòng trừ hiệu quả, kịp thời.

05/09/2015
Sản xuất xoài rải vụ theo hướng an toàn Sản xuất xoài rải vụ theo hướng an toàn

Vừa qua, tại phường 6, TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội thảo sơ kết “Sản xuất rải vụ thu hoạch xoài theo hướng an toàn năm 2014 - 2015”. 100 nhà vườn ở huyện Cao Lãnh và TP.Cao Lãnh đến dự.

05/09/2015
Công nghệ giúp vải tươi quanh năm Công nghệ giúp vải tươi quanh năm

Công nghệ CAS hoạt động theo nguyên lý đông lạnh nhanh ở nhiệt độ thấp và năng lượng từ trường làm cho nước trong sản phẩm sẽ liên kết với nhau thành cụm nhỏ vài ba phân tử mà không đóng băng thành khối như lạnh đông thông thường, giúp giữ được chất lượng sản phẩm tươi nguyên như ban đầu.

05/09/2015