Đắk Lắk khuyến cáo người dân thận trọng khi trồng mắc ca
Trên cơ sở đánh giá và định hướng về phát triển cây mắc ca, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trước mắt cần chỉ đạo, tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến về các nội dung liên quan đến cây mắc ca cho người dân trên địa bàn biết và thực hiện, đặc biệt cần khuyến cáo chưa nên trồng cây mắc ca tập trung, trồng thay thế các loại cây trồng khác hiện nay.
Cây mắc ca là cây trồng mới, chưa đủ cơ sở đánh giá một cách chính xác và toàn diện, các mô hình trồng khảo nghiệm chưa cho sản lượng ổn định, chưa có quy hoạch chi tiết để xác định rõ địa điểm và diện tích cây trồng, chưa có cơ sở chế biến, bảo quản theo tiêu chuẩn, thị trường trong nước chưa hình thành và cũng chưa xác định thị trường xuất khẩu tiềm năng, chưa phân tích khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Hơn nữa đây là cây trồng dài ngày, sau 7 năm mới cho thu hoạch, suất đầu tư lớn, khả năng rủi ro trong sản xuất cao.
Việc phát triển trồng cây mắc ca đại trà ngoài việc căn cứ vào quy hoạch chi tiết, người trồng cần phải gắn với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nhằm đảm bảo phát triển sản xuất theo chuỗi sản phẩm từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ thì mới đảm bảo hiệu quả kinh tế bền vững.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố trước mắt khuyến cáo người dân nên trồng thử nghiệm, trồng xen trong vườn hộ và chỉ trồng các giống mắc ca được nhân giống vô tính (cây ghép), sử dụng giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đúng quy định.
Ngoài ra, tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng giống, cơ sở sản xuất giống trên địa bàn. UBND cấp huyện có kế hoạch tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân cung ứng và kinh doanh giống mắc ca không đảm bảo điều kiện sản xuất kinh doanh giống, giống không có nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng theo đúng quy định.
Căn cứ đặc điểm, khí hậu, đất đai của từng tiểu vùng có khả năng phù hợp với đặc điểm sinh lý, điều kiện sinh thái loại cây mắc ca, bố trí các mô hình trồng khác nhau với các giống khác nhau, diện tích khoảng 1 đến 2 ha ở mỗi xã để có cơ sở đánh giá mức độ phù hợp, hiệu quả kinh tế trồng cây mắc ca so với các loại cây trồng khác trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk đang xây dựng quy hoạch chi tiết đến tiểu vùng, làm căn cứ để phát triển cây mắc ca trên địa bàn theo đúng quy định.
Có thể bạn quan tâm

Năm ngoái, giá trị xuất khẩu thủy sản của nước ta đạt mức kỷ lục trên 7,8 tỷ USD. Nhưng năm nay, xem chừng để đem về 7 tỷ USD từ xuất khẩu thủy sản lại là một công việc rất khó thực hiện được.

Ngày 15.9, đại tá Đoàn Quốc Thư, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết Công an tỉnh có công điện khẩn chỉ đạo công an các cấp trong tỉnh tăng cường hoạt động nghiệp vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong thu hoạch, kinh doanh sầu riêng trên địa bàn.

Ngày 16/9, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, cơn bão số 3 đã làm 57 ha lúa và 640 ha hoa màu bị ngập, ngã đổ.

Nhằm tái cơ cấu ngành trồng trọt, tỉnh Thanh Hóa đã trích ngân sách 17 tỷ đồng hỗ trợ SX vụ đông (gồm giống ngô, đậu tương và mô hình liên kết SX, bao tiêu sản phẩm).

Chiều 16/9, qua tổng hợp nhanh, Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết, mưa lớn kèm gió mạnh đã làm 3.440 ha lúa hè thu của nhân dân trên địa bàn bị ngập úng, ngã đổ.