Đa Dạng Cây Trồng, Vật Nuôi Hướng Xóa Đói, Giảm Nghèo Ở Đắk Drông

Những năm qua, bằng nhiều cách làm khác nhau, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Đắk D’rông (Chư Jút) đã tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa cây, đa con mang lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng một diện tích canh tác.
Gia đình ông Vũ Quang Huy ở thôn 14 hiện có hơn 1.000 trụ tiêu và 1 ha đất trồng các loại cây ngắn ngày; hàng năm, luôn có mức thu nhập từ 600 triệu đồng trở lên. Về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, theo ông Huy thì đối với tiêu, nếu như trước đây thường có tâm lý bón phân, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật một cách tràn lan thì nay, cách làm của gia đình đã khác.
Theo đó, đối với cây tiêu, ông không bón phân với số đợt cũng như mỗi lần bón nhiều, mà chỉ cần vừa đủ, nhất là về chủng loại phân. Trong đó, tiêu hợp hơn đối với các loại phân vi sinh, sinh học vì nó có đặc điểm như dễ tan, cây dễ hấp thụ, tạo tơi xốp đất. Trong quá trình làm cỏ, ông đặc biệt không làm cho rễ bị đứt nhiều, không để cây bị úng nước vào mùa mưa.
Đối với diện tích đất trồng cây ngắn ngày như ngô, các loại đậu, ông từ bỏ thói quen để giống từ năm này qua năm khác mà mùa nào sản xuất thì mua giống mới ở các địa chỉ cung ứng uy tín. Trong đó, ông cũng thực hiện việc luân canh trồng đậu phộng, trồng ngô, đậu xanh nên luôn cho mức năng suất khá cao.
Ông Huy cho biết thêm: “Các giống đậu của địa phương, những năm trước thường chỉ cho năng suất khoảng vài tấn mỗi héc ta nhưng với các giống mới, năng suất tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp ba. Điển hình như vụ hè thu vừa qua, năng suất ngô của gia đình đạt trên 6 tấn/ha”.
Còn gia đình ông Trần Văn Lục ở thôn 13 lại chú trọng phát triển kinh tế bằng việc nuôi ong lấy mật, cho biết: “Nuôi ong thật ra không khó nhưng cũng không phải dễ, người nuôi phải hiểu được đặc tính của từng đàn ong để có chế độ chăm sóc hợp lý, trong đó, quan trọng nhất là phải biết đảm bảo nhiệt độ theo mùa cũng như dinh dưỡng đầy đủ thì ong mới sản sinh ra lượng mật lớn.
Việc nuôi ong của gia đình cũng tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào từ phấn hoa của các loại cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày trên địa bàn như ngô, cà phê, điều, cây ăn quả. Với gần 1.500 thùng ong, hàng năm, tôi luôn có mức thu nhập từ 500 triệu đồng trở lên”.
Theo ông Trần Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Đắk D’rông thì đa dạng hóa cây trồng vật nuôi chính là hình thức sản xuất mà xã đang đẩy mạnh việc vận động, hỗ trợ cho nhân dân mở rộng gắn với việc kết hợp triển khai các chương trình dự án khác nhau nhằm giúp bà con xóa đói giảm nghèo.
Theo thống kê, đến tháng 11/2014, xã có gần 7.000 ha đất trồng lúa, ngô, đậu và hơn 1.000 ha đất trồng cây lâu năm, sản lượng cây lương thực có hạt đạt 100% kế hoạch đề ra, tương đương với gần 17.000 tấn, tổng đàn vật nuôi trên 45.000 con.
Với sự đa dạng đó, hiện nay, người nông dân không còn quá phụ thuộc vào thu nhập của một loại cây, con nào đó, tránh dần tình trạng được mùa mất giá. Bằng việc áp dụng các giống mới, kỹ thuật tiên tiến, toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã đã và đang được bà con khai thác một cách có hiệu quả.
Nguồn bài viết: http://www.baodaknong.org.vn/kinh-te/da-dang-cay-trong-vat-nuoi-huong-xoa-doi-giam-ngheo-o-dak-d-rong-35803.html
Có thể bạn quan tâm

Từ đầu tháng 4 đến nay, cá mú nuôi lồng, bè ở một số địa phương thuộc TX Sông Cầu bị bệnh, làm cá chết ở tỉ lệ cao với triệu chứng lở, loét. Đặc biệt, ở xã Xuân Thịnh, 73 hộ nuôi 377 lồng có 75.400 con cá mú bị chết; nhiều nhất tại thôn Phú Dương, cá mú chết từ 70-100% tổng đàn, loại có kích cở từ 0,4 đến 1kg/con.

Giá chanh tươi tại các chợ hiện chỉ còn khoảng 8.000 đến 20.000 đồng/kg (tùy loại), giảm 6.000 - 10.000 đồng/kg so với tháng trước, bằng 1/3 so với tháng 4 và 5 (từ 30.000 - 45.000 đồng/kg). Theo một số tiểu thương, nguyên nhân là do thời tiết thuận lợi cho chanh phát triển, nguồn cung tăng; đồng thời nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giải khát từ chanh giảm so với đợt nắng nóng cao điểm trước đó.

Khảo sát tại một số vùng trồng rau lớn ở các huyện Xuân Lộc, Thống Nhất và Tân Phú (Đồng Nai) cho thấy, từ đầu tháng 4 đến nay, rau ăn lá, ăn quả đều tăng giá khá nhiều. Hiện giá rau ăn quả như: khổ qua, đậu cô-ve bán tại ruộng khoảng 9-10 ngàn đồng/kg, dưa leo từ 6-7 ngàn đồng/kg và bầu, bí 4-6 ngàn đồng/kg, cao gấp 2-3 lần so với cuối tháng 3.

Nhiều công ty cung cấp trứng cho thị trường TPHCM và một số tỉnh lân cận cho hay giá trứng trên thị trường đang tăng mạnh do nguồn cung sụt giảm.

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đang hoàn tất văn bản đề nghị tỉnh, trung ương có biện pháp mạnh hơn như tăng mức xử phạt với những hộ, cơ sơ chăn nuôi nhỏ lẻ và các trang trại cố tình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.