Cựu Chiến Binh Làm Giàu Từ Chăn Nuôi

Ông Lê Minh Đồng ở ấp Bào Cỏ, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo không chỉ là một hội viên cựu chiến binh gương mẫu mà còn làm kinh tế giỏi. Từ phát triển mô hình kinh tế chăn nuôi heo, mỗi năm gia đình ông thu nhập được hàng trăm triệu đồng.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Đồng cho biết, năm 1977 khi ông xuất ngũ trở về địa phương cũng là thời điểm kinh tế đất nước gặp rất nhiều khó khăn. Gia đình lúc đó chỉ có vài sào ruộng. Rồi các con ông cũng lần lượt ra đời, gánh nặng kinh tế đổ dồn lên đôi vai của người chủ gia đình. Bản chất người lính không cam chịu trước hoàn cảnh đã thôi thúc ông tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế.
Năm 2002, nhận thấy lợi thế của gia đình là diện tích đất rộng, ông Đồng đã mạnh dạn vay ngân hàng để đầu tư nuôi heo theo mô hình khép kín, hợp đồng với Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam. Ngay lần đầu tiên ông đã nuôi 200 con heo thịt, nhưng do không có kinh nghiệm chăn nuôi nên ông thất bại.
“Thời đó tôi đã không tìm hiểu nhiều về kỹ thuật chăn nuôi nên đàn heo bị bệnh chết gần hết chỉ còn gần 60 con. Sau lần đó, vợ tôi khuyên nên chuyển làm việc khác vì trong nhà không những đã cạn vốn lại còn đang nợ ngân hàng, nếu nuôi tiếp mà thất bại sẽ vỡ nợ. Nhưng tôi không chịu chấp nhận thất bại, đã quyết tâm nuôi tiếp”, ông tâm sự.
Đánh giá về mô hình chăn nuôi của ông Đồng, ông Phạm Thanh Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hòa cho biết: “Đây không chỉ là mô hình chăn nuôi heo khép kín cho hội viên thu nhập cao, mà đây còn là mô hình điển hình của xã, không gây ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, tận dụng được phân bón và giúp nông dân có phân bón cho cây trồng mà chủ trang trại lại có thêm thu nhập”.
Được Hội Nông dân xã cho đi học lớp tập huấn và giới thiệu tham quan qua các mô hình nuôi heo thành công, ông được học hỏi thêm kỹ thuật chăm sóc và về ứng dụng vào mô hình của mình. Từ đó, mô hình nuôi heo của ông đã được hạn chế, ngăn ngừa các rủi ro từ mối nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm thịt heo, môi trường, sức khỏe lao động. Cứ như vậy, những lứa tiếp theo, heo của ông không bị bệnh, tỷ lệ chết giảm đến mức thấp nhất.
Hiện nay, ông Đồng đang có 4 trại heo với tổng đàn 1.300 con heo thịt. Mỗi năm ông xuất được 2 lứa heo, trừ chi phí hết còn lại ông thu về được 400 triệu đồng. Trên gương mặt lộ nét vui mừng, ông Đồng tươi cười chia sẻ với chúng tôi: “Chúng tôi nuôi heo khỏe mạnh, công ty đến cân đủ ký còn thưởng cho chúng tôi tiền. Nhờ vào mô hình nuôi heo này mà gia đình tôi đã có tiền để cho con ăn học”.
Để bảo đảm môi trường không bị ô nhiễm và phát triển chăn nuôi bền vững, ông Đồng đã đầu tư thành lập công ty sản xuất phân bón vi sinh hữu cơ.
“Tôi có người con được đi học hỏi, tham quan những mô hình về công nghệ sản xuất vi sinh hữu cơ ở Mỹ và Nhật, từ cách ủ, trộn phân đến khâu đóng bao bì. Nên tôi nghĩ cần phải ứng dụng vào trang trại của mình để không gây ô nhiễm môi trường và cung cấp phân bón cho nông dân”, ông Đồng nói.
Hiện nay, ngoài tiền thu nhập từ các lứa heo, bình quân mỗi năm ông Đồng còn thu thêm được 200 triệu đồng từ việc bán phân vi sinh hữu cơ. Ông Đồng cho biết thêm, nếu ai mua phân mà không có tiền để trả ông sẽ cho trả chậm sau thời gian vài tháng.
Có thể bạn quan tâm

Rau Ninh Đông ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 3 – Cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản Việt Nam chứng nhận đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGap. Đây là nội dung chính được nhắc đến tại Hội nghị tổng kết “Mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm rau an toàn” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa tổ chức vào sáng 16/9 tại Nha Trang.

Năm nay, anh Lê Hữu Trường đã bước sang tuổi 34, vậy mà anh vẫn chưa tính đến chuyện lập gia đình. Tìm hiểu mới biết, chàng kỹ sư này đang mải mê làm giàu từ vườn chanh hoa tím cùng với việc nghiên cứu, xử lý và điều trị các loại bệnh trên cây trồng.

Hội nghị kết nối nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giữa TP. Hà Nội và 3 tỉnh Bình Thuận - Ninh Thuận - Lâm Đồng diễn ra tại Phan Thiết vào ngày 18/9/2014. Tại đây, đại diện lãnh đạo Sở Công Thương TP. Hà Nội cho hay, quả thanh long lưu chuyển qua hai chợ đầu mối chủ yếu tại thủ đô để tiêu thụ vào khoảng 130 tấn/ngày.

Nếu sắp tới không mưa nhiều, không gió bão thì vùng cao su ở Đức Linh, Tánh Linh năm nay khả năng trúng mùa. Tuy nhiên, không có tín hiệu nào để người trồng cao su ở đây hy vọng giá mủ sẽ lên (trong thời gian cạo kéo dài) từ nay đến tết.

Đây là cơ hội hiếm có để các địa phương tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng cũng như xúc tiến quảng bá, tiếp cận thị trường Hà Nội đối với sản phẩm lợi thế của từng vùng miền. Tại hội nghị, nhiều đặc sản của 3 tỉnh Bình Thuận - Ninh Thuận - Lâm Đồng đã tranh thủ “chào hàng” đến các đơn vị chức năng, doanh nghiệp tại Hà Nội.