Cơ hội vàng cho sản xuất vụ đông

Cả tháng nay, gần như ngày nào cũng có nắng trải đều khắp các địa phương; nền nhiệt ổn định.
Kể cả những ngày xuất hiện không khí lạnh, nhiệt độ cũng chỉ giảm một cách “dễ chịu”, đảm bảo cho cây trồng thích ứng tốt nhất.
Vụ đông năm nay, diện tích ngô của gia đình chị Phạm Thị Tuyết ở thôn Hữu Chế, Đức An (Đức Thọ) phát triển tốt hơn mọi năm.
Sau 2 tháng gieo trỉa, trà ngô đông sớm đã bắt đầu trổ bông.
Chị Tuyết cho biết: “Từ khi xuống giống đến nay, thời tiết luôn thuận lợi.
Chỉ có đợt nắng kéo dài đầu vụ, cây ngô xuất hiện một số sâu bệnh nhưng không đáng kể.
So với những năm thời tiết không ủng hộ, phải làm đi làm lại thì năm nay đúng là trời cho nông dân làm vụ đông...”.
Đó cũng chính là niềm phấn khởi của chị Nguyễn Thị Thảo (cùng thôn) khi 3 sào ngô của gia đình xanh tốt, khoe những bắp mới nhú lên trắng nõn.
Hương Sơn tăng cường đưa phương tiện cơ giới vào phục vụ sản xuất, nâng cao năng suất lao động.
Với quan điểm huy động tối đa nguồn lực, đẩy mạnh sản xuất cây trồng vụ đông, huyện Hương Sơn - địa phương có truyền thống sản xuất vụ đông đang tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Mặc dù điều kiện sản xuất thuận lợi hơn các địa phương khác, nhưng không ít năm, người dân miền núi này cũng phải đối mặt với cảnh đất trống, vườn hoang vì thiên tai, lũ lụt.
Năm nay, đến thời điểm này, toàn bộ diện tích ngô đông của huyện đã hoàn thành gieo trỉa cách đây 1 tháng.
Bà Lê Thị Thiều (xã Sơn Trung) cho biết: “Chẳng mấy khi được như năm nay, thời vụ xuống giống, thời tiết nắng ấm.
Chỉ gần 1 tuần, gia đình tôi đã làm xong 5 sào ngô, từ khâu làm đất đến phun thuốc diệt cỏ.
Thời tiết diễn biến tốt thì không chỉ dễ làm mà cây trồng cũng phát triển rất nhanh”.
Hằng năm, huyện Hương Sơn cơ cấu trên 4.000 ha cây trồng vụ đông các loại; chăn nuôi trên 100.000 con gia súc.
Đối với nông dân ở đây, làm vụ đông không chỉ là tập quán mà chính là nhu cầu.
Ngô là cây trồng chủ lực, thường được bố trí thành 2 trà chính gồm: trà ngô đông thâm canh, với các loại giống cao sản, chất lượng cao và trà ngô vùng lụt, với bộ giống ngắn ngày, chủ yếu lấy thân cây làm thức ăn cho gia súc.
Năm nay, bộ giống chủ lực của huyện vẫn là CP3Q, CP33, NK66, NK7328, NK4300, PAC999.
Ông Phan Xuân Đức - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Vụ đông năm nay, sản phẩm ngô của Hương Sơn có thêm đầu mối tiêu thụ, đó là trang trại bò sữa thuộc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) tại xã Sơn Lễ đã ký hợp đồng thu mua 120 ha ngô tươi làm thức ăn cho bò.
Đây là tín hiệu vui, hứa hẹn tạo ra giá trị mới trong sản xuất vụ đông của huyện”.
Bên cạnh Hương Sơn, sản xuất vụ đông ở các vùng đồng bằng cũng được khởi động khá sớm.
Thay vì sản xuất 500 ha như mọi năm thì vụ đông 2016, huyện Thạch Hà đã tạo nên “đột phá” mới với 1.000 ha rau, củ, quả các loại.
Tất nhiên, không thể sản xuất manh mún như trước, huyện chủ trương chuyển đổi cơ cấu đi kèm với quy hoạch vùng chuyên canh, sản xuất liên kết với doanh nghiệp.
Phần lớn diện tích mở rộng đều được chuyển đổi từ đất lúa bạc màu.
Ông Lê Thanh Hải - Chủ tịch UBND xã Thạch Ngọc cho biết: “Từ hiệu quả sản xuất cây màu vụ đông, năm nay, chúng tôi chuyển đổi trên 20 ha từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu.
Trong đó, xây dựng 10 ha trồng ớt cay hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp.
Nếu thành công, thu nhập từ cây ớt sẽ đạt khoảng 120 triệu đồng/ha, gấp 4 lần trồng lúa.
Đây sẽ là hướng mở cho sản xuất của địa phương nhằm nâng cao thu nhập cho người dân”.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã xuống giống 3.849 ha ngô đông (đạt 80,4% kế hoạch), 3.217 ha rau (65,68%), 2.181 ha khoai và 39 ha lạc.
Những ngày này, thời tiết đang ủng hộ sản xuất vụ đông, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương tiếp tục tăng cường chỉ đạo bà con nông dân gieo trỉa hết diện tích, đồng thời, triển khai chăm sóc và theo dõi, khống chế dịch bệnh.
Có thể bạn quan tâm

Chưa bao giờ phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát rộ lên mạnh mẽ như thời gian gần đây. Trong khi việc kiểm soát của địa phương, ngành chức năng còn nhiều khó khăn, sông Trường Giang tiếp tục gồng mình với tình trạng rút ruột và xả thải.

Ít nơi nào trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hoạt động chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững như thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang). Sau khi nuôi heo, gà hiệu quả kinh tế không cao, năm 2005, hàng chục hộ ở đây chuyển sang nuôi chim cút. Mấy năm gần đây, loài chim này đem lại cơ hội làm giàu cho hơn 60 gia đình.

Tổ chức Bureau Veritas (Pháp) vừa cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2008 cho hai Trang trại chăn nuôi bò sữa của Vinamilk tại tỉnh Tuyên Quang và Nghệ An.

Sau một thời gian dài giảm xuống ở mức thấp, giá heo hơi có xu hướng tăng lên trong hơn 3 tháng trở lại đây. Với giá bán heo hơi hiện tại, nhiều người chăn nuôi có thể kiếm lời. Tuy nhiên, do lo ngại giá cả đầu ra bất ổn nên người chăn nuôi heo vẫn rất thận trọng trong tái phát triển đàn…

Khoảng 1 tháng nay, trong khi giá trứng gà bán ra từ các trang trại liên tục giảm mạnh thì trên thị trường mặt hàng này vẫn giữ giá ở mức cao. Sự bất hợp lý trong phân phối, tiêu thụ sản phẩm đang làm nản lòng người dân trong đầu tư tái đàn gia cầm.