Chuyển đổi cây trồng ở Vạn Phú (Khánh Hòa)

Theo ông Đinh Văn Hiệp - Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã, vụ đông xuân 2014 - 2015, địa phương có 30ha đậu phụng, 10ha bắp chuyển đổi từ đất lúa. Tuy nhiên, bước qua vụ hè thu, do khó khăn về nước tưới nên diện tích chuyển đổi không nhiều. HND xã đang thực hiện điểm trình diễn mô hình cây bắp lai với diện tích 0,5ha. Sắp tới, HND xã sẽ tổ chức hội nghị đầu bờ và khuyến khích nông dân trồng bắp. Ngoài ra, HND xã đang động viên một nông dân viết đề tài sáng tạo máy làm cỏ bắp, nếu thành công sẽ giảm đáng kể công lao động…
Ông Trần Văn Trúc (thôn Tân Phú) cho biết, vụ nào ông cũng dành một nửa diện tích đất nông nghiệp của gia đình để trồng bắp lai. Theo ông, bắp lai dễ trồng, dễ chăm sóc, cần ít nước tưới, rất thích hợp cho việc chuyển đổi cây trồng mùa hạn, sản phẩm làm ra dễ tiêu thụ. Trái với bắp lai, trồng bắp nếp rất dễ bị thương lái ép giá hoặc không bán được. “1ha bắp lai, sau 3 tháng trồng cho thu hoạch lãi ròng 20 triệu đồng, 1 năm có thể làm 2 vụ bắp xen 1 vụ lúa…” - ông Trúc nói.
Ở Vạn Phú, nông dân trồng bắp không chỉ để bán mà còn phục vụ chăn nuôi khép kín. Ông Trúc có 4 con bò và đàn gia cầm hơn 100 con. Nhu cầu thức ăn chăn nuôi lên tới 3,5 tấn/năm. Vì vậy, ông không lo đầu ra từ cây bắp bị ế ẩm bởi còn dùng làm thức ăn phục vụ chăn nuôi. Tuy nhiên, nông dân trong xã vẫn chưa mặn mà với cây bắp bởi tình trạng thiếu nước và cần có máy làm cỏ bắp để giảm chi phí sản xuất.
Đối với đậu phụng, lâu nay đây là cây trồng phát triển mạnh tại Vạn Phú. Ông Võ Kim Châu (thôn Tân Phú) - người trồng đậu phụng có nhiều kinh nghiệm cho biết, trồng đậu phụng nhàn hơn trồng lúa bởi gần như không phải phun thuốc, ít sâu bệnh, chi phí thấp. Ngoài ra, trồng đậu phụng sử dụng lượng nước ít, thích hợp trong mùa hạn, hiệu quả kinh tế gấp 3 - 4 lần cây lúa, 1ha có thể lãi 50 - 60 triệu đồng… Tuy nhiên, người trồng đậu cần phải biết dừng đúng lúc để tránh hiện tượng nhiễm sâu bệnh, tốt nhất là canh tác 3 năm thì chuyển sang cây trồng khác. Điều nông dân Vạn Phú lo lắng nhất khi canh tác cây đậu phụng là thiếu máy thu hoạch nên cần rất nhiều nhân công. Đến vụ thu hoạch, nông dân phải nhổ bằng tay, làm tăng chi phí…
Bà Dương Thị Kim Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Phú cho biết: Địa phương đang tích cực vận động nông dân chuyển đổi cây trồng, nhưng do thiếu nước nên khó có thể hướng dẫn nông dân thực hiện. Vì thế, diện tích chuyển đổi còn hạn chế, chỉ khoảng 15ha, chủ yếu là cây đậu phụng.
Có thể bạn quan tâm

Đến ngày 26/5, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 154 ha tôm nuôi bị chết do bệnh đốm trắng, môi trường, đào vàng... làm chết khoảng 20 triệu con tôm thả nuôi từ 60 - 70 ngày tuổi.

Trong 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng, sản lượng các mặt hàng nông lâm thủy sản đều tăng. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên các đối tượng vật nuôi chưa được xử lý dứt điểm, tình trạng vi phạm quản lý chất lượng hay sụt giá nông sản...

Ngày 29/5, Hội đồng Khoa học - Sở Khoa học Công nghệ (KHCN) Thừa Thiên Huế nghiệm thu dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống, nuôi trồng và tiêu thụ nấm Linh chi và một số nấm ăn tại huyện Phú Vang” (gọi chung là Dự án) do Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN - Sở KHCN thực hiện.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Giống nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cung cấp 60 vạn cá giống cho các tổ chức, hộ nuôi trồng thuỷ sản trong tỉnh Lai Châu (tăng 30 vạn con so với cùng kỳ năm trước).

Để tạo bước đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp, Xã Yên Thắng (Yên Mô - Ninh Bình) đã có chủ trương chuyển đổi ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản kết hợp làm trang trại vừa và nhỏ.