Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chuối Laba Sang Nhật

Chuối Laba Sang Nhật
Ngày đăng: 24/11/2013

Lần đầu tiên Công ty TNHH La Ba, Đà Lạt vừa xuất khẩu sang Nhật 10 tấn chuối Laba Lâm Đồng. Kết quả này đã nhận được những “phản hồi” tích cực về triển vọng hợp tác lâu dài.

Để được thị trường “khó tính” Nhật Bản “gật đầu” nhập khẩu chuối Laba Lâm Đồng, Công ty TNHH La Ba, Đà Lạt đã trải qua nhiều năm xây dựng chất lượng sản phẩm và xây dựng các mối quan hệ với đối tác. Anh Lê Sĩ Công, Giám đốc công ty “nhìn lại”: Trong năm 2013, thị trường tiêu thụ chuối Laba Lâm Đồng khá bấp bênh, khi diện tích trồng mở rộng và tăng sản lượng thì giá xuống quá thấp, ngược lại khi khan hiếm sản lượng thì giá tăng lên nhưng vẫn chưa “tương xứng” với tiềm năng đất đai và các nguồn đầu tư về kỹ thuật, nhân công lao động...

Nếu so với năm 2012 thì vùng nguyên liệu chuối Laba Lâm Đồng trong năm 2013 giảm xuống khoảng 60% diện tích, chỉ còn trên dưới 200ha. Dù vậy, chuối Laba của công ty vẫn “giữ vững” trang trại 6 ha diện tích chuyên canh, bên cạnh đó là hàng chục hecta hợp tác sản xuất với nông dân để ổn định chất lượng và sản lượng, từ đó làm cơ sở đối chứng quảng bá đến các đối tác nước ngoài. Và sau nhiều lần gửi mẫu chuối Laba Lâm Đồng chào hàng tại các nước Nga, Ukraina, Nhật, Hàn Quốc, vào tháng 8/2013, các doanh nhân Nhật Bản đã đi “tiên phong” đàm phán giá cả thu mua chuối Laba Lâm Đồng với Công ty TNHH La Ba, Đà Lạt.

Cũng theo lời Giám đốc Lê Sĩ Công, những ngày các doanh nhân Nhật “lưu trú” ở Đà Lạt, công ty chịu mọi chi phí để đưa đi khảo sát chất lượng vùng nguyên liệu chuối Laba Lâm Đồng, chủ yếu tập trung địa bàn các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà. Kết thúc chuyến “mục sở thị” đầu tiên, các doanh nhân Nhật đưa về nước 30 kg chuối Laba để các siêu thị “kiểm nghiệm chất lượng”. Rồi gần 1 tháng tiếp theo nữa, các doanh nhân Nhật lại quay sang Đà Lạt “nhờ” Giám đốc Công tuyển chọn thêm 40kg chuối Laba nữa để tiếp thị theo nhu cầu “nếm thử” của các siêu thị khác từ Nhật qua đến đất Hồng Kông, Thượng Hải của Trung Quốc.

Đầu tháng 9/2013, sau khi “nếm thử” chuối Laba Lâm Đồng hầu hết những siêu thị ở Nhật đều đánh giá rất tốt. Không bỏ lỡ cơ hội, một doanh nghiệp Nhật đã chính thức đàm phán và thống nhất với Công ty TNHH La Ba, Đà Lạt với giá thành tiêu thụ chuối Laba cao hơn từ 30% trở lên so với giá thị trường trong nước. Qua nhiều ngày thu hoạch tại trang trại của mình và tổ chức điều hành nhân viên tỏa đi gom hàng tại Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương, công ty đã tập kết đủ 10 tấn hàng chuối Laba rồi vận chuyển về Sài Gòn để xuất khẩu sang Nhật bằng đường biển.

Đáng nói hơn với chất lượng chuối Laba xuất khẩu sang Nhật, phần lớn sản xuất tại công ty theo quy trình mới (an toàn, sạch bệnh, hình thức bắt mắt) đều đạt yêu cầu; còn lại sản xuất theo quy trình thông thường trong nông dân Lâm Đồng, bước đầu mới chọn lựa được 10% sản lượng thu hoạch.

Hiện nay, Công ty TNHH La Ba, Đà Lạt đang tiếp tục phân loại thu mua chuối Laba Lâm Đồng, dự kiến đến hết tháng 11/2013 sẽ tiếp tục xuất khẩu sang Nhật chuyến hàng thứ 2 với khối lượng 10 tấn nữa. Bước sang năm 2014, công ty cố gắng thu mua đủ từ 20 - 30 tấn chuối Laba mỗi tháng để cung ứng cho thị trường đang “khát hàng” ở Nhật.

Nhằm thực hiện đầy đủ những con số chỉ tiêu này, trước hết công ty phải nhanh chóng khôi phục lại mối liên kết sản xuất với nông dân Lâm Đồng để xây dựng ổn định diện tích vùng nguyên liệu chuối Laba khoảng trên dưới 100ha. Theo đó, phần diện tích đất sản xuất, đầu tư thiết bị, công lao động… do nông dân chịu trách nhiệm. Còn phần cung cấp nguồn giống ứng trước, kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm… do công ty đảm trách.

Đặc biệt, với liên kết này, công ty sẽ “chốt” giá tiêu thụ chuối Laba tối thiểu hàng năm (nếu giá thị trường xuống quá thấp), giúp người sản xuất đạt lãi ít nhất khoảng 300 triệu đồng/ha (tính giá thời điểm giữa tháng 11/2013); hoặc công ty sẽ thu mua với giá cao nhất theo giá thị trường, giúp người nông dân đạt lãi cao hơn.


Có thể bạn quan tâm

Thái Lan Chìm Trong Lũ Lụt Thái Lan Chìm Trong Lũ Lụt

Trận lụt nghiêm trọng nhất trong 50 năm qua khiến ba phần tư diện tích Thái Lan ngập trong nước lũ và đe dọa nhấn chìm thủ đô Bangkok

20/10/2011
Nuôi Cua Lột “Hốt” Đô La Nuôi Cua Lột “Hốt” Đô La

Cầm trên tay con cua lột mềm nhũn vừa vớt lên, ông Hai Trâm - nông dân có thâm niên nuôi cua lột ở Phước Lại (Cần Giuộc, Long An) hồ hởi: “Sản phẩm cua lột của người dân Cần Giuộc chúng tôi không chỉ là món đặc sản của nhiều nhà hàng lớn trên Sài Gòn, mà nay còn xuất cả sang Tây”…

10/02/2011
Khi Đồng Bào Tẽ Ngô Bằng Máy Khi Đồng Bào Tẽ Ngô Bằng Máy

Trong vài năm trở lại đây, phát huy tiềm năng của địa phương, bà con các dân tộc ở Hồng Định đã đưa nhiều giống ngô mới vào gieo trồng. Kết quả là cây ngô đã trở thành cây có sản lượng lớn nhất và mang lại thu nhập cao nhất cho bà con trong số các cây nông nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết bà con bán ngô ngay sau khi thu hoạch vì không có cách bảo quản tốt. Giá bán vì thế mà rẻ và thường xuyên bị tư thương ép giá. Những hộ gia đình để sau một vài tháng mới bán, được giá cao thì lại bị mối, mọt, làm hao hụt sản lượng ngô.

12/07/2012
Xây Dựng Mô Hình Nông Nghiệp Tiên Tiến Xây Dựng Mô Hình Nông Nghiệp Tiên Tiến

Để nông nghiệp Việt Nam đứng vững và phát triển sau khi gia nhập WTO, đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng mô hình nông nghiệp tiên tiến. Mô hình nông nghiệp tiên tiến là mô hình hướng công nghệ cao, có một số đặc trưng sau đây

31/03/2011
Phát Triển Lúa Gieo Sạ Thẳng Hàng Phát Triển Lúa Gieo Sạ Thẳng Hàng

Việt Nam là quốc gia xuất gạo lớn, nhưng tập quán canh tác lại khá lạc hậu, năng suất cao nhưng chất lượng thấp. Để giảm chi phí cho nông dân, tăng giá trị loại hàng thế mạnh này, Bộ NN&PTNT đang triển khai và nhân rộng mô hình lúa gieo sạ thẳng hàng - được coi là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại

10/12/2011