Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chủ Động Ứng Dụng Khoa Học Công Nghệ Vào Sản Xuất

Chủ Động Ứng Dụng Khoa Học Công Nghệ Vào Sản Xuất
Ngày đăng: 27/01/2015

Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) không chỉ góp phần cung cấp các giống, cây con mới cho bà con nông dân, mà còn từng bước đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào trong quá trình sản xuất. Đây cũng chính là mục tiêu quan trọng được ngành chức năng của tỉnh chủ động triển khai thực hiện trong thời gian qua.

Theo Sở KH&CN thì trong năm 2014, ngoài 38 nhiệm vụ KH&CN đã và đang được triển khai, toàn tỉnh còn thực hiện nhiều đề tài, dự án ứng dụng KH&CN cấp Trung ương và cơ sở khác. Trong đó, phần lớn các nhiệm vụ, đề tài thường tập trung vào các lĩnh vực như khoa học xã hội và nhân văn, nông nghiệp, công nghệ cao, công nghệ sinh học, cây trồng, vật nuôi chủ lực…
Thông qua các chương trình, dự án KH&CN, Sở KH&CN cũng đã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho gần 1.000 lượt nông dân và hỗ trợ cho hàng trăm hộ trực tiếp tham gia xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội khu vực vùng sâu, vùng xa của tỉnh…
Điều đáng chú ý nhất ở hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn với nhiệm vụ cấp Nhà nước thuộc chương trình “Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp”.
Đây là chương trình truyền hình được xây dựng nhằm khai thác sản phẩm của “Chương trình chắp cánh thương hiệu” thông qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ tới đông đảo người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, ngành chức năng cũng đã triển khai được nhiều nhiệm vụ quan trọng, góp phần phổ biến các tiến bộ khoa học và kỹ thuật cho cán bộ quản lý cơ sở và các hộ gia đình trong việc ứng dụng vào sản xuất.
Theo đó, ở lĩnh vực thủy sản có đề tài “Nghiên cứu, đánh giá và đề xuất các giải pháp phát triển, quản lý nguồn lợi thủy sản hồ chứa tỉnh Đắk Nông” cũng đã được triển khai thành công, với mục tiêu đánh giá tài nguyên hồ chứa, nguồn lợi một số loài thủy sản quan trọng; đồng thời, đánh giá các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội bền vững cho cộng đồng dân cư sống xung quanh…
Bên cạnh đó, công tác ứng dụng KH&CN cũng đã từng bước được phát huy hiệu quả. Việc thực hiện các dự án nông thôn miền núi thuộc chương trình do Trung ương hỗ trợ đã góp phần tích cực trong việc hỗ trợ tiến bộ khoa học kỹ thuật và giống cho bà con nông dân trên địa bàn.
Đơn cử như Dự án xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi bò thịt theo hướng chất lượng cao tại tỉnh Đắk Nông, trong năm 2014 đã triển khai cấp được 9 con bò đực cho các hộ dân tham gia mô hình. Ngoài ra, dự án cũng đã tổ chức được 5 lớp tập huấn, với 300 lượt nông dân trong vùng triển khai dự án về kỹ thuật trồng cỏ, chăm sóc bò đực giống, nuôi vỗ béo bò thịt tại địa phương, kỹ thuật về cải tạo đàn bò, kỹ thuật chế biến và dự trữ thức ăn trong chăn nuôi…
Mặt khác, dự án còn triển khai được 6 mô hình nuôi vỗ béo bò thịt tại địa bàn triển khai và đào tạo được 10 kỹ thuật viên thụ tinh nhân tạo cho bò cái nền; đồng thời, tiến hành lên giống cho 70 con bò cái nền bằng phương pháp phối giống trực tiếp với bò đực giống Brahman 75% máu lai và phối giống được 10 con bò cái nền bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo tinh bò đực Brahman…
Còn Dự án áp dụng công nghệ sản xuất chế phẩm sinh vật đa chức năng và phân bón hữu cơ vi sinh vật đa chức năng tại tỉnh Đắk Nông cũng đã thực hiện sản xuất được 2.502 kg chế phẩm vi sinh vật dạng bột, 200 lít chế phẩm dạng lỏng và 2.502 tấn phân hữu cơ vi sinh vật đa chức năng để cung cấp cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh áp dụng vào trong quá trình sản xuất nông nghiệp…
Có thể nói, những kết quả đã đạt được trong công tác nghiên cứu, chuyển giao KH&CN đã góp phần rất lớn cho việc triển khai áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng này đã tích cực gắn kết với Chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững cũng như làm cơ sở khoa học cho việc triển khai các dự án có quy mô lớn…


Có thể bạn quan tâm

Nắng Nóng, Nhiều Loại Sâu Bệnh Phát Sinh Nắng Nóng, Nhiều Loại Sâu Bệnh Phát Sinh

Ông Đặng Quang Tám - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Bình Định, cho biết: Thời gian gần đây, thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm cho một số đối tượng sâu bệnh đang có nguy cơ phát sinh mạnh gây hại lúa vụ hè thu.

03/06/2013
Xây Dựng Vùng Nuôi Thủy Sản Tập Trung Xây Dựng Vùng Nuôi Thủy Sản Tập Trung

Huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) nằm giữa hai con sông lớn là sông Ninh Cơ và sông Đáy, lại có 12km bờ biển nên thuận lợi cho việc phát triển nuôi thủy sản. Để đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, huyện đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, từ quy hoạch vùng sản xuất, xác định cơ cấu con nuôi phù hợp với trình độ thâm canh của các hộ nuôi và đặc điểm tự nhiên của từng vùng.

04/06/2013
Khởi Sắc Nghề Nuôi Trăn Khởi Sắc Nghề Nuôi Trăn

Vào những năm 1990, phong trào nuôi trăn ở Cà Mau rất phát triển, đem lại thu nhập khá cao và ổn định cho người nuôi. Tuy nhiên, về sau giá trăn bấp bênh, thị trường tiêu thụ yếu, khó bán, có người phải mang trăn con thả vào rừng, nhiều hộ đã nghỉ nuôi hoặc nuôi cầm chừng. Trong 2 năm trở lại đây, phong trào nuôi trăn thịt và trăn đẻ đã phát triển trở lại trên địa bàn tỉnh.

26/06/2013
Triển Vọng Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến Triển Vọng Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến

Những năm qua, nhất là từ khi triển khai thực hiện Đề án tôm - lúa, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến trong huyện Phú Tân (Cà Mau) không ngừng tăng lên. Phát triển nuôi tôm quảng canh cải tiến góp phần đáng kể trong việc tăng sản lượng tôm nuôi, nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

04/06/2013
Bất Thường Ở Vùng Na Bất Thường Ở Vùng Na

Chẳng hiểu do thời tiết hay sâu bệnh mà na Chi Lăng (Lạng Sơn) năm nay ra hoa ít hơn hẳn, thậm chí có diện tích không ra hoa. Bằng biện pháp kỹ thuật, người dân vùng na đã tuốt lá để kích thích cây ra hoa đợt hai, nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao lại có hiện tượng bất thường này?

26/06/2013