Chớm Vụ Muối Đã Lo

Mặc dù mới bước vào đầu vụ SX muối nhưng diêm dân TX Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã trăn trở nhiều nỗi lo…
Đến vùng sản xuất muối phường Ninh Diêm, TX Ninh Hòa dưới cái nắng cháy da cháy thịt, chúng tôi mới cảm nhận hết sự vất vả, cực nhọc của diêm dân nơi đây.
Ông Trương Công Hiến, chủ nhiệm HTX Muối 1-5 (Ninh Diêm) cho biết, hiện HTX có 3 cánh đồng với tổng diện tích 90 ha muối, SX theo phương pháp thủ công trên nền đất.
Thời tiết những tháng đầu năm 2014, nắng tốt, rất thuận lợi cho việc SX muối.
Tính đến cuối tháng 3, HTX đã SX được 1.200 tấn muối, tăng hơn 860 tấn so với năm ngoái.
Tuy sản lượng muối có tăng, nhưng lượng muối kết tinh thấp, chỉ đạt 40% so với năm ngoái. Nguyên nhân là thời tiết ngày đêm chênh lệch quá lớn khiến muối khó kết tinh.
Mặt khác, mới đầu vụ nhưng giá muối thu mua không ổn định, hiện chỉ ở mức từ 600-650 đ/kg, thấp hơn từ 100- 200 đ/kg so với tháng trước và so với năm ngoái giảm từ 200-300 đ/kg. Do vậy việc SX muối hiện nay của HTX đang thua lỗ.
Toàn TX Ninh Hòa có tổng diện tích muối 747 ha. Trong niên vụ muối 2013 sản lượng đạt 37.500 tấn, trong đó sản lượng muối của Công ty CP Muối Khánh Hòa 25.722 tấn, HTX Ninh Diêm và Ninh Thủy 4.738 tấn và sản lượng muối của hộ cá thể 7.040 tấn.
Ông Hiến còn cho biết thêm, để SX muối có lãi thì giá muối thu mua phải dao động ở mức 800-1.000 đ/kg. Bởi các chi phí SX đầu tư cho vụ muối này đều tăng cao. Trong đó công lao động tăng mạnh nhất, hiện có giá từ 110-120 ngàn đ/công, tăng 20-30 ngàn đ/công so với năm ngoái. Đã thế, giá muối thu mua giảm, tiêu thụ chậm và còn tồn đọng muối nhiều.
Diêm dân Lê Văn Vương, tổ dân phố 1, phường Ninh Diêm, xã viên HTX Muối 1-5 cho biết, ông gắn bó với nghề làm muối đã trên 20 năm. Đây là nghề truyền thống ông bà để lại nên ông vẫn còn bám trụ, chứ thanh niên trai trẻ bây giờ đã bỏ nghề đi làm công nhân, làm thợ hết rồi.
Làm nghề muối vất vả nhưng vài năm gần đây giá muối bán ra không ổn định nên cào lên chất đống đó, có bán được thì tính ra xã viên chỉ lấy công làm lời chứ chẳng có dư gì.
“Như từ đầu vụ SX đến nay, tổ làm muối của chúng tôi gồm 11 người nhận khoán với diện tích hơn 1 ha, SX được 6-10 mẻ (tuỳ ruộng) thu được 40 tấn muối. Do giá thấp nên hiện chúng tôi chỉ bán được gần phân nửa số muối làm ra, sau khi hạch toán ăn chia giữa HTX và xã viên theo tỷ lệ 3:7 thì mỗi xã viên chỉ kiếm được trên 1 trăm ngàn đ/người không bằng 1 công nghề khác. Không biết thời gian tới giá muối có tăng lên và dễ bán không, chứ cứ 5 ngày mới thu hoạch một mẻ, vậy mà cứ chất đống ở đây thì chết”, ông Vương than vãn.
Không chỉ diêm dân Ninh Diêm lo lắng, mà ngay cả diêm dân các vùng SX muối khác như Ninh Hải, Ninh Thuỷ cũng gặp khó khăn không kém.
Ông Lê Văn Định, Phó chủ nhiệm HTX Muối Ninh Thuỷ cho biết, trước đây, diện tích muối của HTX gần 20 ha nhưng nay do thu hồi đất để phát triển công nghiệp, đô thị chỉ còn 12ha, được SX theo phương pháp trải bạt từ năm 2010.
Nhờ áp dụng quy trình trải bạt nên năng suất muối cao gấp nhiều lần so với trước kia làm muối nền đất. Với hệ thống bạt đáy và bạt trên, vào cuối vụ, toàn bộ nước mặn dự trữ còn được giấu trong bạt, nên sang niên vụ mới, người làm muối đã có sẵn nguồn nước mặn để tiếp tục SX. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, công lao động, mà sản lượng muối năm sau cũng luôn cao hơn năm trước.
Như từ đầu vụ đến nay, nhờ SX muối trải bạt nên sản lượng đạt khoảng 200 tấn. Tuy nhiên điều trăn trở hiện nay là giá muối đang rớt và tiêu thụ chậm.
“Cách đây 1 tháng chúng tôi mới bán được 20 tấn muối với giá 1.100 đ/kg, chưa bao lâu thì giá muối đã hạ xuống chỉ còn 900-1.000 đ/kg. Nếu bán giá này thì việc SX muối trải bạt không có lãi mấy, vì chi phí tiền dầu bơm nước vào ruộng muối quá cao”, ông Định chia sẻ.
Được biết, để SX muối có hiệu quả, UBND TX Ninh Hòa đã có văn bản chỉ đạo UBND các xã, phường có SX muối theo đúng diện tích đã được quy hoạch và khuyến khích diêm dân chuyển dần SX muối thủ công sang SX muối công nghiệp (trải bạt) để tăng năng suất.
Tuy nhiên, theo ông Hiến, mặc dù HTX rất quan tâm mở rộng SX muối theo công nghệ trải bạt, nhưng rất khó khăn về nguồn vốn đầu tư, trong khi đó, diêm dân không có sổ đỏ để thế chấp vay vốn ngân hàng.
Có thể bạn quan tâm

Triển khai từ tháng 1-2013, mô hình phát triển cây bắp lai chịu hạn LVN61 tại huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) được đánh giá là khá hiệu quả. Qua đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ và địa phương, các ruộng bắp trong mô hình sinh trưởng và phát triển vượt trội; hiệu quả ước đạt cao hơn so với canh tác truyền thống khoảng 20 đến 30%.

Vịt Super Heavy có ngoại hình đẹp, chân vàng, lông trắng, tỷ lệ nạc khá cao, trọng lượng đạt từ 3,3 - 3,68 kg/con sau 1,5 tháng nuôi, cho lãi từ 750 - 850 nghìn đồng/100 con.

Thay vì nuôi những giống gà lai, gà công nghiệp, mấy năm gần đây, gia đình ông Nguyễn Văn Thân, thôn Lân Thịnh, xã Phúc Hòa (Tân Yên, Bắc Giang) đã đầu tư chăn nuôi gà tre, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Đến thời điểm này, Công ty TNHH XNK Nông sản Hồng Ân (xã Hải Ninh, Bắc Bình - Bình Thuận) đã hoàn thành việc đầu tư, xây dựng Nhà máy xử lý thanh long bằng hệ thống xử lý hơi nước nóng, công suất 4.200 tấn/năm. Theo đó, công ty đã có văn bản trình Cục Bảo vệ thực vật xem xét, kiểm tra để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động và bảo đảm tính pháp lý cho việc vận hành nhà máy.

Chiều 14-4, ông Hồ Văn Vàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, hiệp hội đang cùng các nhà chuyên môn thuộc Bộ NN-PTNT sang Na Uy để nghiên cứu, học tập kinh nghiệm về mô hình nuôi, chế biến và xuất khẩu cá hồi. Na Uy là đất nước nổi tiếng về nghề nuôi và xuất khẩu cá hồi, xuất khẩu cá hồi đạt khoảng 5 - 6 tỷ USD/năm.