Chợ Lách (Bến Tre) ra sức trừ diệt bệnh chổi rồng trên nhãn

Hiện tại, Chợ Lách có hơn 4.000ha trồng nhãn và chôm chôm. Theo quan sát và ghi nhận của ngành Nông nghiệp, bệnh chổi rồng trên nhãn được ghi nhận vào đầu năm 2007 ở cồn Cái Gà thuộc xã Long Thới; năm 2009 bệnh bắt đầu gây hại trên cây chôm chôm nhưng với tỷ lệ không đáng kể. Đến nay, bệnh đã có mặt đều khắp các vườn nhãn của nông dân. Trước tình hình đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với trạm bảo vệ thực vật và các viện, trường trong khu vực triển khai nhiều giải pháp để đẩy lùi bệnh chổi rồng trên cây nhãn và phòng ngừa hiện tượng bệnh chổi rồng phát triển trên cây chôm chôm.
Theo đó, ngành Nông nghiệp huyện phối hợp với các xã, thị trấn tiến hành tổng điều tra toàn bộ diện tích nhãn bị bệnh chổi rồng trên địa bàn huyện, đồng thời phân 3 nhóm diện tích nhãn bị nhiễm bệnh và áp dụng các giải pháp gắn với Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Đối với diện tích trồng nhãn da bò có quy mô liền kề từ 1ha trở lên thì tập huấn hướng dẫn người dân tiến hành áp dụng giải pháp kỹ thuật phòng trừ bệnh chổi rồng theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật.
Đối với diện tích trồng nhãn rải rác, diện tích khai thác trái kém hiệu quả thì tiến hành giải pháp ghép chuyển đổi sang giống nhãn xuồng cơm vàng, nhãn Ido hoặc chuyển đổi mục đích khai thác như chuyển làm cây giống, hoa kiểng hoặc thay đổi cây trồng khác. Đối với các hộ trồng nhãn diện tích nhỏ hoặc vài cây để làm bóng mát thì vận động người dân đốn bỏ triệt để.
Ngoài ra, huyện còn tổ chức nhiều mô hình trình diễn tại các xã Hòa Nghĩa, Tân Thiềng để chuyển giao quy trình phòng bệnh của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho nhà nông. Nhìn chung, các mô hình đều mang lại hiệu quả, tỷ lệ bệnh kéo giảm từ trên 50% xuống còn dưới 20%. Bà Trần Thị Thu Nga ở ấp Thiện Mỹ, xã Tân Thiềng cho biết, gia đình có hơn 4.000m2 đất trồng nhãn tiêu da bò, cây đã hơn 20 năm tuổi. Thời gian trước, khi cây nhãn chưa nhiễm bệnh chổi rồng, mỗi năm bà thu hoạch hơn 6 tấn trái.
Tuy nhiên từ năm 2010 trở lại đây, khi bệnh chổi rồng xuất hiện, năng suất cây nhãn giảm khá nhiều. “Năm 2012, tôi thu hoạch chưa được 2 tấn trái. Trước nguy cơ đó, gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân trong khu vực có ý định phá bỏ vườn nhãn để trồng cây khác. Nhưng sau khi được ngành Nông nghiệp huyện tập huấn kỹ thuật phòng trừ bệnh chổi rồng, chúng tôi áp dụng thử thấy bệnh có chiều hướng giảm. Hiện tại, theo quan sát, tỷ lệ bệnh chổi rồng trong vườn còn chưa tới 30%. Với tỷ lệ này, chúng tôi vẫn còn hy vọng và tiếp tục gắn bó với cây nhãn” - bà Trần Thị Thu Nga cho biết thêm.
Cũng giống như bà Nga, ông Nguyễn Thanh Hải ở ấp Bình An, xã Hòa Nghĩa đang canh tác hơn 4.000m2 nhãn tiêu da bò, cho biết: “Năm 2014, tôi thu hoạch chưa tới 2 tấn trái, thu nhập trên mảnh vườn trước đây khoảng 100 triệu đồng/năm, nay còn chưa được 40 triệu đồng. Do vườn nhãn bị nhiễm chổi rồng trong thời gian kéo dài nên vườn cây không còn phát triển tốt, vì vậy tôi quyết định chuyển đổi sang trồng bưởi da xanh và sầu riêng như nhiều hộ lân cận”.
Nhìn chung, chiến dịch phòng trừ bệnh chổi rồng trong thời gian qua tại huyện Chợ Lách đạt được một số kết quả bước đầu khá hiệu quả, nhiều diện tích nhãn da bò bị nhiễm bệnh chổi rồng đã được chuyển đổi sang cây trồng khác, một số cây nhãn da bò bị bệnh trồng làm bóng mát cũng được người dân đốn bỏ. Theo kết quả thống kê, huyện Chợ Lách có khoảng 1.037ha diện tích trồng nhãn, trong đó có 477ha nhãn da bò bị nhiễm bệnh chổi rồng, diện tích nhiễm bệnh nặng khoảng 45ha và có xu hướng giảm mạnh do người dân chuyển đổi. Hiện tại, có 161,5ha nhãn da bò nhiễm bệnh được chuyển sang cây trồng khác và 23,5ha ghép chuyển đổi giống nhãn khác.
Để chiến dịch diệt bệnh chổi rồng phát huy hiệu quả lâu dài, ngành Nông nghiệp và các xã, thị trấn cần có biện pháp hiệu quả, vận động người dân khắc phục diện tích nhãn da bò bị nhiễm bệnh một cách tập trung, đồng loạt, cũng như có biện pháp đốn bỏ triệt để cây nhãn da bò bị nhiễm bệnh lẻ tẻ, trồng làm bóng mát vì những cá thể nhãn này sẽ trở thành những ổ bệnh chổi rồng và có nguy cơ tái phát trên diện rộng sau này nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
Có thể bạn quan tâm

Sau những ngày nắng nóng, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã xuất hiện những cơn mưa trái mùa, ảnh hưởng rất lớn đến việc tôm nuôi. Ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân cần chủ động các biện pháp nhằm ổn định môi trường nước phục vụ sản xuất.

Theo tin từ UBND TP. Vũng Tàu, hiện nay trên địa bàn thành phố có 123 hộ gia đình, cá nhân làm đơn xin nuôi trồng thủy sản tại xã Long Sơn. Tuy nhiên do Quy hoạch chi tiết 1/2000 khu nuôi trồng thủy sản lồng bè trên sông Chà Và chưa được UBND tỉnh phê duyệt, nên UBND TP. Vũng Tàu chưa có cơ sở để tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo trong quy trình cho thuê đất để nuôi trồng thủy sản lồng bè trên sông Chà Và.

Với gần 4.000ha rừng phòng hộ nằm trải dài ven bờ biển của tỉnh Bạc Liêu, rất thích hợp cho việc nuôi trồng các loài thủy sản dưới tán rừng. Nhiều hộ dân nhận khoán đất rừng áp dụng mô hình nuôi tôm kết hợp trồng rừng đã có cuộc sống sung túc.

Hiện toàn thành phố có 40 bể nuôi, mỗi bể từ 20 - 40m2, nhiều hộ đã đạt lợi nhuận cao từ mô hình này.

Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung được thành lập năm 2004 từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản. Hơn 10 năm qua, trung tâm đã đẩy mạnh việc nghiên cứu các đề tài khoa học, chuyển giao tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu giống thủy sản cho thị trường…