Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chính Sách Hỗ Trợ Của Chính Phủ Giúp Ngư Dân Yên Tâm Bám Biển

Chính Sách Hỗ Trợ Của Chính Phủ Giúp Ngư Dân Yên Tâm Bám Biển
Ngày đăng: 16/10/2014

Phú Yên hiện có khoảng 640 tàu cá đang khai thác ở các vùng biển xa, trong đó chủ yếu hành nghề câu cá ngừ đại dương. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao, tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, nhưng nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ nên ngư dân vẫn yên tâm vươn khơi bám biển.

Hỗ trợ hàng trăm tỉ đồng

Theo Sở NN-PTNT, qua 3 năm (2008 - 2010) thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 289/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh có hơn 7.220 tàu thuyền được hỗ trợ với số tiền gần 145 tỉ đồng. Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: “Chính sách hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 289 của Thủ tướng Chính phủ đã giúp ngư dân tích cực bám biển, khai thác hải sản.

Hầu hết ngư dân nhận được tiền hỗ trợ đều rất phấn khởi và họ sử dụng khoản tiền này để sửa chữa lại vỏ tàu, thay máy, mua ngư lưới cụ… tiếp tục vươn khơi. Nhờ chính sách này, đến nay công tác quản lý đăng ký tàu cá đạt gần 100%, các địa phương nắm được chính xác số lượng tàu thuyền của địa phương để phục vụ công tác quản lý, lập quy hoạch, kế hoạch, định hướng phát triển nghề cá tại địa phương”.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 289, tháng 7/2010, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định 48/2010/QĐ-TTg về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ, khai thác, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa.

Qua gần 4 năm thực hiện, đến nay, ngư dân Phú Yên đã được hỗ trợ gần 198 tỉ đồng; riêng trong năm 2014, ngư dân được hỗ trợ hơn 48 tỉ đồng và chuẩn bị nhận hỗ trợ đợt 3 với hơn 33 tỉ đồng. Ngư dân Võ Đốc ở phường 6 (TP Tuy Hòa), cho biết: “Phần lớn các gia đình đi biển theo cách cha truyền con nối. Làm ăn phải có những rủi ro, có những chuyến biển không đánh bắt được cá nên ngư dân chúng tôi bị thua lỗ, nhưng bỏ không đi biển thì chúng tôi không biết làm nghề gì.

Thời gian qua, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã tạo điều kiện giúp ngư dân yên tâm làm ăn. Chúng tôi hy vọng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề cho ngư dân, bảo vệ ngư dân đang làm ăn trên vùng biển của Việt Nam, đồng thời có cơ chế khuyến khích ngư dân ra khơi…”.

Theo ông Nguyễn Tri Phương, thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản trên các vùng biển xa, đến nay, toàn tỉnh đã có 354 tàu cá được hỗ trợ máy thông tin liên lạc HF tầm xa tích hợp định vị vệ tinh nhãn hiệu Vertex Standanrd VX-1700. Từ khi trạm bờ đi vào hoạt động (đầu năm 2014), việc thông tin liên lạc với tàu cá đang hoạt động trên các vùng biển xa cũng thường xuyên và thông suốt hơn, góp phần giải quyết nhanh và đơn giản thủ tục, hỗ trợ cho ngư dân.

Tiếp tục duy trì chính sách

Theo UBND tỉnh, Quyết định 48 là một chủ trương lớn, kịp thời, hợp lòng dân. Chính sách này đã tạo điều kiện phát triển nhanh về số lượng, quy mô tàu cá và thời gian bám biển của ngư dân khai thác xa bờ.

Từ năm 2011 đến nay, Phú Yên đã có hơn 65 tàu đóng mới, cải hoán có công suất máy từ 400CV trở lên, nhiều ngư dân mạnh dạn đóng tàu công suất lớn phát triển nghề vây rút chì hoạt động ở vùng biển xa đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, khâu xác nhận tàu cá hoạt động ở vùng biển xa gặp nhiều khó khăn, một số trường hợp xác nhận không đúng nên phải thẩm tra, xác minh tốn nhiều thời gian và khá phức tạp.

Đến nay, ở huyện Tuy An vẫn còn số tiền gần 230 triệu đồng chi sai cho 8 chủ tàu cá nhưng chưa thu hồi lại được. Ông Nguyễn Phụng Ngoạn, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết: “Địa phương đang phối hợp với Sở NN-PTNT vận động 8 chủ tàu này giao nộp lại số tiền nêu trên, nếu không sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra và khởi tố”.

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong việc triển khai Quyết định 48, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương ven biển đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến ngư dân, đồng thời thẩm định hồ sơ hỗ trợ chính xác, nêu rõ lý do và trả lại những hồ sơ không đúng quy định.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Ẩn, UBND tỉnh đã có kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương tiếp tục duy trì chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa nhằm giúp ngư dân yên tâm bám biển làm ăn kết hợp giữa phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tỉnh cũng đề nghị điều chỉnh, bổ sung chính sách này theo hướng mở rộng nghề khai thác ở các vùng biển xa, tăng mức hỗ trợ và tăng số chuyến biển được hỗ trợ lên 6 chuyến/năm…

Theo Quyết định 48, các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình khai thác, hoạt động dịch vụ khai thác trên các vùng biển xa (Hoàng Sa, Trường Sa, DK1) sẽ được Nhà nước hỗ trợ chi phí nhiên liệu đi, về của các tàu hoạt động trên các vùng biển xa tối đa 4 chuyến biển/tàu/năm.

Cụ thể, tàu cá lắp máy công suất từ 90 đến dưới 150CV được hỗ trợ 18 triệu đồng/chuyến; tàu cá lắp máy có công suất từ 150 đến dưới 250CV được hỗ trợ 25 triệu đồng/chuyến. Tàu cá có công suất từ 250 đến dưới 400CV được hỗ trợ 45 triệu đồng/chuyến.

Riêng đối với tàu cá có công suất trên 400CV được hỗ trợ 60 triệu đồng/chuyến. Cùng với chính sách hỗ trợ chi phí nhiên liệu, Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ còn quy định về việc hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm thân tàu; bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên; hỗ trợ kinh phí mua máy thông tin liên lạc cho tàu…


Có thể bạn quan tâm

Sâm bảy lá - nguồn dược liệu quý cần bảo vệ Sâm bảy lá - nguồn dược liệu quý cần bảo vệ

Vùng núi Cà Đam được thiên nhiên ưu đãi về đa dạng sinh học, nơi sinh trưởng của nhiều loại thảo dược quý, trong đó, có cây sâm “bảy lá”. Song, hiện nay loại sâm này đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt khi hàng ngày có nhiều người vào tận rừng săn lùng để bán cho thương lái.

26/11/2015
Ngôi nhà chung của ngư dân Ngôi nhà chung của ngư dân

Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Dương (Thăng Bình) được ngư dân gọi là “ngôi nhà” chung. Hơn một năm ra đời đến nay nghiệp đoàn đã tiếp sức để ngư dân vượt qua những thời điểm khó khăn, yên tâm bám biển.

26/11/2015
Làm thẻ căn cước cho sâm Ngọc Linh Làm thẻ căn cước cho sâm Ngọc Linh

Khi Đề án quốc gia về cây sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam, được Chính phủ phê duyệt, cũng là lúc Quảng Nam tất bật với việc xúc tiến đầu tư cơ sở hạ tầng đường sá, điện lưới và hệ thống viễn thông lên sườn núi Ngọc Linh.

26/11/2015
Làm giàu từ nuôi bò Làm giàu từ nuôi bò

Thời gian qua, hàng trăm hộ dân của xã Đại Hồng (Đại Lộc) đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

26/11/2015
Chuyên gia chân đất về sâm Ngọc Linh Chuyên gia chân đất về sâm Ngọc Linh

Ông Hồ Văn Du là chuyên gia về cây sâm Ngọc Linh, bởi hơn nửa đời người, ông cùng ăn, cùng ở cùng sống với cây sâm trên núi Ngọc Linh để giữ gìn, bảo vệ loài sâm quý hiếm trên thế giới đang sinh trưởng và phát triển tốt ở đỉnh núi mù sương...

26/11/2015