Chè Sạch Từ Ý Thức Đến Sản Phẩm

Vài năm trở lại đây, đặc biệt từ sau Festival Chè lần thứ nhất, nhận thức về làm nghề chè của người dân Thái Nguyên đã có một sự thay đổi lớn, ý thức rất rõ ràng tầm quan trọng của việc bảo vệ thương hiệu chè sạch.
Tại xã Hồng Thái 2 (Tân Cương), một trong những vùng chè ngon nhất Thái Nguyên, tất cả hộ dân trồng chè, chế biến và kinh doanh chè đều không xa lạ với các tiêu chuẩn về an toàn sản phẩm nông nghiệp như VietGap, UTZ Certified (tiêu chuẩn về sản xuất các sản phẩm nông sản tốt trên quy mô toàn cầu).
Một hộ dân trồng chè ở đây cho biết, không cần đến cơ quan quản lý, ở đây chính những người trồng chè tự quản lý, tẩy chay những hộ làm chè bẩn, phun thuốc trừ sâu hóa học và thu hái chè không đúng quy trình.
Còn tại xóm Chũng Na (Bá Xuyên, Thị xã Sông Công) có gần 100% số hộ chuyển sang sản xuất chè an toàn. Bà Trần Thị Hồng, Trưởng xóm chè Chũng Na, chia sẻ: “Bên cạnh lợi nhuận từ cây chè, chúng tôi ý thức được việc sản xuất chè an toàn là rất cần thiết, trước tiên là bảo vệ sức khỏe của chính những người làm chè. Bởi, khi chăm bón và sao chè người làm chè phải hứng chịu những tác động xấu từ thuốc hóa học trước tiên”.
Cũng theo bà Hồng, ngoài việc chỉ thu hái chè khi đã đủ thời gian cách ly (tối thiểu sau khi phun thuốc 15 ngày), hiện người dân Chũng Na đã dùng các loại phân bón sinh học, phân hữu cơ thay cho phân đạm, dùng thuốc trừ sâu thảo mộc thay thuốc trừ sâu hóa học.
Anh Vũ Văn Nhâm, xóm 5, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ), chia sẻ: Chúng tôi luôn cố gắng sản xuất ra những sản phẩm trà đặc sắc nhất, đảm bảo an toàn vệ sinh nhất. Chúng tôi hiểu chính nhờ chất lượng, an toàn mà thương hiệu Trà Thái Nguyên mới có thể phát triển bền vững.
Không chỉ người trồng chè mà bản thân các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh chè cũng kiên quyết bỏ qua một số nguồn nguyên liệu vì phát hiện mùi thuốc trừ sâu trên trà còn cao do thu hoạch chưa đúng cách.
Chính nhờ nhận thức đúng, ý thức cao của những người làm chè trong việc sản xuất chè sạch, giữ gìn danh tiếng cho sản phẩm của mình, mà thương hiệu chè Thái Nguyên ngày càng phát triển, bền vững.
Đến các vùng chè trọng điểm của Thái Nguyên như Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên); Phúc Tân, Phúc Thuận (Phổ Yên); Minh Lập, Hòa Bình, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ); La Bằng, Hoàng Nông (Đại Từ); Vô Tranh, Tức Tranh (Phú Lương); chúng tôi thấy từ người dân đến doanh nghiệp đều cố gắng hết mình để xây dựng hình ảnh chè Thái Nguyên sao cho xứng đáng với những kỷ lục mới được xác lập, với thương hiệu chè mà lâu nay người Thái Nguyên đã nỗ lực xây dựng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, ông Đặng Viết Thuần cho biết ngoài việc sản xuất chè sạch, ngành chè Thái Nguyên cũng rất chú trọng công tác bảo quản. Hiện các doanh nghiệp, hộ sản xuất chè Thái Nguyên hầu như đều đã trang bị máy hút chân không. Một túi trà thay vì chỉ sử dụng trong một vài tháng nay đã có thể để được từ 3-5 năm. Đặc biệt như doanh nghiệp chè Vạn Tài đã có thể cho ra những gói chè để 7 năm chất lượng vẫn không thay đổi.
Hiện trường ĐH Thái Nguyên đã nghiên cứu, chế tạo ra loại phân vi sinh đặc dụng cho cây chè. Với loại phân vi sinh này, cây chè sẽ sinh trưởng tốt, cho năng suất cao nhưng không gây hại cho sức khỏe. Chưa kể, với loại phân này thì hương vị nguyên bản của cây chè không chỉ được bảo tồn mà còn dậy hương hơn nữa. Với chính sách khuyến nông, khuyến công ưu đãi dành cho ngành chè, Sở NNPTNT Thái Nguyên cho biết sẽ ưu tiên hỗ trợ đến tận tay người trồng loại phân mới này. Chưa kể, chính doanh nghiệp, để tự bảo vệ thương hiệu của mình, cũng hỗ trợ vùng nguyên liệu bằng phân vi sinh và giống mới cho năng suất cao, chất lượng tốt.
Thời gian gần đây, Trung tâm khuyến công tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức rất nhiều lớp học tập huấn cho doanh nghiệp, hộ cá nhân, hợp tác xã làm chè về xây dựng thương hiệu, mẫu mã sản phẩm, kỹ năng tiếp cận thị trường, công nghệ, kỹ năng chế biến, bảo quản chè. Trung bình mỗi lớp học có 150 học viên. Lớp học nào cũng đông và học viên đi dự rất đầy đủ. Như vậy, bên cạnh việc được trang bị kiến thức kỹ năng sản xuất, chế biến, kinh doanh chè thì tinh thần, thái độ ý thức nâng cao chất lượng, bảo vệ thương hiệu chè của người làm chè Thái Nguyên rất cao.
Có thể bạn quan tâm

Ngành nghề nông thôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, nhất là với tỉnh ta trên 83% dân số sống bằng nghề nông. Càng ý nghĩa hơn khi cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới, đa dạng hóa ngành nghề để giải quyết việc làm, tăng thu nhập.

Gắn bó quá nửa đời người với mảnh đất xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên). Trong 40 năm có lẻ ấy, ông Nguyễn Văn Biền, hiện là Giám đốc Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương đã chứng kiến bao mùa lúa chín. Với người nông dân xã ông, việc cày sâu, cuốc bẫm thì có thừa, nhưng để thử nghiệm một giống cây trồng mới thì họ còn e dè lắm. Bởi vậy, ông đã tự tìm tòi để đưa giống lúa Hương Việt 3 về với nông dân Thanh Hưng.

Là một nông dân ở tỉnh Thái Bình, chị Tươi kết duyên với anh Lù ở Tuyên Quang nhưng quê gốc xã Tả Nhìu (Xín Mần). Cuộc sống khó khăn, 2 năm trở lại đây, chị Tươi cùng chồng quyết định về quê hương Xín Mần tìm cách làm ăn, phát triển kinh tế. Ban đầu anh chị làm công nhân cho Công ty VinaFood nằm trên địa bàn huyện, chuyên thực hiện các dự án, mô hình trồng rau, nấm...

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, sản lượng khai thác hải sản của tỉnh trong năm 2014 đạt xấp xỉ 73 nghìn tấn, tăng 8.500 tấn so với năm 2013. Giá trị sản xuất ước đạt khoảng 2 nghìn tỷ đồng. Đây là thành quả rất đáng ghi nhận bởi năm vừa qua, việc khai thác hải sản gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tình hình căng thẳng ở biển Đông.

Tết Nguyên Đán cận kề, người dân làng hoa An Lạc, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) tất bật, bận rộn hơn bao giờ hết. Khác với mọi năm, ngoài những vườn hoa cúc, thược dược, lay ơn truyền thống, năm nay một số gia đình trồng hoa ở An Lạc nắm bắt tâm lý tiêu dùng mới đã tự học cách trồng thêm những giống hoa lạ.