Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chè Độ Khoa, Sản Phẩm Công Nghiệp Nông Thôn Tiêu Biểu Của Tỉnh

Chè Độ Khoa, Sản Phẩm Công Nghiệp Nông Thôn Tiêu Biểu Của Tỉnh
Ngày đăng: 25/09/2014

Trong cuộc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh lần đầu được tổ chức vừa qua, chè Độ Khoa, một sản phẩm chân chất của miền quê Bắc Quang đã được bình chọn.

Ngoài việc được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh, chè Độ Khoa còn vinh dự được lựa chọn là 1 trong 5 sản phẩm của tỉnh được gửi đi tham dự bình chọn sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực sẽ được tổ chức tại Lào Cai tới đây.

Với sự nỗ lực vươn lên trong việc xây dựng chất lượng, thương hiệu, sản phẩm chè shan tuyết công phu Độ Khoa được xây dựng và dần khẳng định danh tiếng ở một miền quê sơn thủy hữu tình như thị trấn Vĩnh Tuy.

Từ những triền đồi tinh sương, từ những búp chè shan xanh non mơn mởn bên những dòng sông thơ mộng và đầy trong lành của miền đất Bắc Quang, những búp chè chất lượng ấy đã được bàn tay và chính tâm hồn của gia đình ông Phan Thế Độ, một người mà nhiều năm trước đã đưa cả gia đình lên định cư, làm ăn ở vùng đất Vĩnh Tuy.

Qua những năm tháng tần tảo, tâm huyết của gia đình ông Độ, ý tưởng về việc xây dựng một thương hiệu chè không chỉ là thương hiệu mà còn gắn với chất lượng không thua kém các danh trà trong cả nước đã được hình thành. Tên trà công phu Độ Khoa đã được xây dựng dựa trên quy trình để làm ra nó.

Đến cơ sở sản xuất chè của ông Độ, chúng tôi được ông giới thiệu sản phẩm của mình được sản xuất theo một quy trình khá đặc biệt, từ những búp chè tươi được ông sao chín rồi làm nguội. Tiếp theo, ông bắt đầu vò xoắn, sàng tơi và lăn bước 1, rồi lại loại bồm, sàng cám, lăn bước 2, loại bồm và sàng cám.

Chưa dừng lại, công đoạn sản xuất tiếp tục được thực hiện lăn bước 3, tạo cánh nhỏ, sàng cám. Công đoạn tiếp theo là lấy hương, sàng cám. Công đoạn cuối cùng là kiểm tra chất lượng và đóng gói. Trải qua quy trình công phu, sản phẩm trà công phu Độ Khoa mang đậm giá trị lao động.

Từ vùng khai thác nguyên liệu, chất lượng, sản phẩm trà công phu Độ Khoa được cấp giấy chứng nhận quản lý chất lượng, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam. Trà Độ Khoa cũng đã vinh dự nhận được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công để xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Bên cạnh việc xây dựng chất lượng, thương hiệu, cơ sở sản xuất chè Độ Khoa dù với quy mô chưa lớn, với khoảng 10 lao động và vùng sản xuất nguyên liệu còn chưa rộng, nhưng sản phẩm chè Độ Khoa đã được biết đến là một trong những sản phẩm chè có mẫu mã khá độc đáo. Ngoài các hình thức túi, hộp, ông Phan Thế Độ có lẽ là người đầu tiên sử dụng bình bằng sành để đóng hộp chè với hình thức khá đẹp.

Với khối lượng sản phẩm đạt 5 tấn/năm, chè Độ Khoa đạt giá trị khá tốt với mức 250.000đ/kg, đã đem lại doanh thu khá cho cơ sở sản xuất của ông Phan Thế Độ cùng với việc giải quyết cho khoảng 10 lao động ở cơ sở và khoảng 6 lao động thu hái chè.

Từ những kết quả đạt được về chất lượng, thương hiệu và hiệu quả xã hội, sản phẩm Trà công phu Độ Khoa đã được Hội đồng bình chọn của tỉnh bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh năm 2014. Đây là nguồn động viên và cũng là cơ hội để trong tương lai, Trà công phu Độ Khoa sẽ có được sự ủng hộ từ các nguồn khuyến công, phát triển thương hiệu, sản phẩm của tỉnh và T.Ư.


Có thể bạn quan tâm

Vải Thiều VietGAP Ngày Càng Được Giá Vải Thiều VietGAP Ngày Càng Được Giá

Những năm qua, việc mở rộng diện tích vải thiều sạch an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ngày càng được các cấp, các ngành và người dân trồng vải ở Lục Ngạn (Bắc Giang) quan tâm. Mặc dù sản phẩm vải thiều VietGAP chưa có thị trường tiêu thụ riêng nhưng sản xuất vải thiều VietGAP đã và đang trở thành xu thế tất yếu ở "kinh đô" vải thiều Lục Ngạn…

16/06/2012
Cá Mú Vào Bờ, Niềm Vui Làng Biển Ở Bình Thuận Cá Mú Vào Bờ, Niềm Vui Làng Biển Ở Bình Thuận

Tháng 5 trời nắng gắt, cá mú con vào rạn khá dày. Ngư dân vùng Gành Rái, xã Chí Công (Tuy Phong - Bình Thuận) được dịp giăng bẫy bắt mú con, thu nhập nhờ đó mà tăng khá.

26/05/2012
Đồng Bào Khmer Sóc Trăng Làm Giàu Từ Cây Hẹ Đồng Bào Khmer Sóc Trăng Làm Giàu Từ Cây Hẹ

Không biết chính xác hẹ được trồng từ khi nào, nhưng trong vài năm trở lại đây, nhiều nhà nông ở các vùng chuyên canh màu của Sóc Trăng như Đại Tâm, Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên), Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú) đã vươn lên khá giàu, ổn định được kinh tế gia đình từ loại cây này. Bên cạnh nguồn lợi từ cây lúa và chăn nuôi thì trồng hẹ được xem là mô hình trồng màu đạt thu nhập cao, bền vững của những hộ nông dân Khmer vùng này.

25/04/2012
Sinh Sản Nhân Tạo Thành Công Giống Cá Rô Đầu Vuông Sinh Sản Nhân Tạo Thành Công Giống Cá Rô Đầu Vuông

Trong thời gian qua cá rô đầu vuông đã được đưa vào nuôi thử nghiệm thành công trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đây là loại cá phàm ăn, dễ nuôi, nhanh lớn, ít bệnh tật và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích nuôi thâm canh loài cá này trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do con giống chủ yếu được nhập từ các tỉnh phía Nam dẫn đến giá cá giống còn quá cao, quãng đường vận chuyển xa nên cá dễ mắc bệnh, tỷ lệ hao hụt cao.

17/06/2012
Trồng Rau Trong Nhà Kính Ở Trường Sa Trồng Rau Trong Nhà Kính Ở Trường Sa

Khóm rau của chiến sĩ hải quân ở Trường Sa

18/06/2012