Chất Lượng Tôm Giống Vàng Thau Lẫn Lộn

Diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển mạnh, theo đó nhu cầu tôm giống ngày càng cao. Để có nguồn giống cung ứng vụ nuôi, người dân phải chọn mua con giống bằng mắt thường, chứ không biết tôm đó có chất lượng hay không.
Tuy bước vào vụ nuôi mới nhưng nỗi lo thường trực của ngư dân đó là con giống. Do con giống không đảm bảo chất lượng, nên sau khi thả nuôi khoảng 10 ngày tôm chết và lây lan trên diện rộng. Trong khi đó, các trại sản xuất và cung ứng giống không có trách nhiệm, còn người nuôi thua lỗ, nợ ngân hàng. Vòng luẩn quẩn vụ nuôi mới, nỗi lo cũ không biết đến bao giờ mới dứt.
Tôm chết không biết kêu ai
Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh có tiềm năng nuôi trồng thủy sản tương đối lớn, với gần 6.400 ha, tăng 4,3% so với năm 2013; trong đó, hơn 4.300 ha nuôi chuyên tôm và tôm xen ghép. Mỗi năm nhu cầu giống tôm thẻ chân trắng 1,5 tỷ con và tôm sú là 200 triệu con giống.
Mặc dù, nhu cầu giống cao nhưng nguồn giống cung ứng tại chỗ đối với tôm sú chỉ đáp ứng 20%, còn tôm thẻ chân trắng thì người dân mua qua các công ty và nguồn giống trôi nổi ở các tỉnh phía Nam. Thực tế cho thấy, một phần tôm giống sản xuất trong tỉnh chưa đảm bảo chất lượng, nguồn tôm giống nhập về cũng khó kiểm soát một cách chặt chẽ về chất lượng.
Người nuôi trồng thủy sản rất băn khoăn về chất lượng con giống, bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự thành bại của vụ tôm.
Ông Nguyễn Văn Cảm, Giám đốc Kế hoạch và Phát triển kinh doanh lĩnh vực thủy sản, Công ty cổ phẩn chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết: “Mặc dù, nhu cầu giống của người nuôi thì lớn nhưng đơn vị chuyên cung ứng giống tôm thẻ chân trắng cho người nuôi ở vùng Ngũ Điền (Phong Điền) chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu.
Công ty bán tôm giống có bao bì, nhãn mác đàng hoàng, nhưng khi công ty bán giống cho người nuôi là không có cam kết, giống là “bất thành văn”, giống bắt ra khỏi trại là người nuôi chịu hoàn toàn trách nhiệm”.
Hộ nuôi tôm Nguyễn Văn Nhuệ, ở xã Phong Hải (Phong Điền) bức xúc, mỗi khi bước vào vụ nuôi, điều mà bà con chúng tôi lo lắng nhất là mua tôm giống ở đâu để đảm bảo chất lượng. Hiện nay, ở địa phương có khoảng gần 100 công ty chào bán về tôm giống, nhưng bà con không tin tưởng lắm bởi nhiều lần mua giống về thả nuôi sau 10 ngày tôm chết không biết kêu ai.
Khó phân biệt tốt, xấu
Thực tế, phần lớn ở các trại sản xuất giống không có chứng nhận chuyên môn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống không đăng ký đảm bảo vệ sinh môi trường, không công bố chất lượng hàng hóa nhưng vẫn vô tư tồn tại.
Việc kiểm tra, tập huấn, hướng dẫn, quản lý điều kiện kinh doanh giống chưa được quan tâm đúng mức nên ý thức chấp hành của người dân chưa cao.
Hiện nay, thị trường tôm giống chưa được bảo hộ nên có tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, không ít cơ sở sản xuất tôm giống sạch nhưng vẫn “ì ạch” vì đầu ra không ổn định.
Nhiều người nuôi tôm sẵn sàng chọn mua tôm giống đảm bảo chất lượng với giá cao hơn bình thường; các nhà sản xuất tôm giống chân chính cũng sẵn sàng đầu tư để sản xuất giống sạch với điều kiện giá phải phù hợp để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, hai đối tượng này ít có cơ hội gặp nhau, bởi người nuôi rất khó xác định đâu là tôm giống sạch, trong khi một số đối tượng sản xuất, kinh doanh giống lại thường dùng chiêu bài giống sạch để lừa người nuôi. Số cơ sở làm ăn chân chính, đầu tư lớn để nâng cấp chất lượng thường xuyên bị lợi dụng nhãn hiệu, bao bì, bị cạnh tranh về giá nên rất khó đứng vững trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Cảm cho hay Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam mua giống từ Mỹ về Thái Lan thuần giống tránh hiện tượng cận huyết sau đó mới đưa về Việt Nam cho sinh sản. Với sự đầu tư bài bản, công phu như vậy nên tôm giống của công ty bán ra với giá 90 đồng/con post 12, cao hơn so với giá thị trường khoảng 5 đến 10 đồng/con.
Tuy nhiên, tôm giống chất lượng là điều quan trọng nhất chứ với giá hơn nhau không mấy. Khi tôi hỏi, thế anh có khẳng định nguồn giống của công ty mình đảm bảo chất lượng 100% không, thì vị này không dám khẳng định (!?)
Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh cho biết, bây giờ chất lượng tôm giống thì vàng thau lẫn lộn, họ bán tôm ở bể có giấy kiểm dịch hẳn hoi nhưng khi bán cho người nuôi thì lại bắt ở bể tôm kém chất lượng, không có kiểm dịch. Biết vậy, nhưng khi người dân mua giống về thả nuôi không kiểm soát xuể do lực lượng cán bộ chi cục quá mỏng.
Có thể bạn quan tâm

Gần đây, dư luận xôn xao về việc tái xuất hiện thương lái lùng mua gốc, rễ tiêu ở xã Ia Blang-huyện Chư Sê (Gia Lai). P.V Gialaionline đã trực tiếp về địa phương, làm việc với người dân và chính quyền địa phương để tìm hiểu vấn đề này.

Năm 2009, huyện Tháp Mười được chương trình Heifer Việt Nam và tỉnh Đồng Tháp chọn thực hiện Dự án nâng cao đời sống nông hộ với mô hình phát triển cộng đồng (gọi tắt là Dự án Heifer) tại 2 xã Láng Biển và Mỹ Hòa. Dự án đã giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Cho vay theo chuỗi dự án tuy là một hình thức mới, với kỳ vọng tháo gỡ những vướng mắc lâu nay trong lĩnh vực cho vay tam nông, tuy nhiên để việc cho vay vốn đạt hiệu quả, các địa phương cần phải tạo cơ sở cho “tam nông” đón vốn.

Các tiểu thương kinh doanh mặt hàng thịt heo, gà cho biết, gần 1 tuần nay, giá thịt heo, gà bán lẻ đã tăng khoảng 2-3 ngàn đồng/kg. Hiện giá thịt heo đùi bán tại các chợ của TP.Biên Hòa (Đồng Nai) từ 85-87 ngàn đồng/kg, thịt ba rọi 90 ngàn đồng/kg, thịt gà tam hoàng nguyên con làm sẵn 65 ngàn đồng/kg, thịt gà ta làm sẵn 100 ngàn đồng/kg...

Năm 2014, xã Ý Tý (Bát Xát - Lào Cai) triển khai trồng thử nghiệm 12 ha cây đương quy tại 6 thôn gồm: Nhìu Cồ San, Mò Phú Chải, Choản Thèn, Lao Chải 1, Lao Chải 3, Sín Chải 1 với sự tham gia của 142 hộ dân.