Chăn Nuôi Theo Hướng Công Nghiệp Mang Lại Hiệu Quả Cao

Bên cạnh cây cao su, hiện nay người dân xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng (Bình Dương) đang chú trọng vào lĩnh vực chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Những mô hình chăn nuôi gà bằng trại lạnh, nuôi heo giống mới... đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Theo chân cán bộ Hội Nông dân xã Long Nguyên, chúng tôi đến nhà ông Lê Thành Nguyên, ấp Bà Phái. Gia đình ông Nguyên đã áp dụng thành công mô hình chăn nuôi gà trong trại lạnh. Mặc dù sở hữu 5 trại gà với số lượng lên tới 66.000 con nhưng các trại gà lạnh của ông không có mùi hôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyên cho biết, khi chưa dùng hệ thống trại lạnh cho gà, ông làm trại lá nên kết quả đạt được không cao do phụ thuộc vào thời tiết, sau thời gian ngắn cây và lá bị mục.
Sau đó, ông đã đi tham quan mô hình trại gà lạnh ở Đồng Nai; thấy mô hình tốt nên ông về nhà vay vốn đầu tư áp dụng mô hình này cho trại gà ở nhà. Khi áp dụng mô hình này, gà nuôi luôn khỏe mạnh và cho xuất lứa đúng thời gian. Ngoài ra, nuôi gà trại lạnh môi trường trong sạch hơn rất nhiều so với trại gà lá trước đây.
Đến nay, trung bình một lứa gà (nuôi trên 42 ngày là xuất bán) 12.000 con đem về cho ông Nguyên thu nhập 75 triệu đồng. Đó là chưa kể các nguồn thu kiếm được từ mô hình khép kín như trấu trong chuồng gà bán cho nhà vườn trồng cao su, hay phân gà cho cá trê... Ông Nguyên còn dự định sắp tới sẽ mở thêm 2 trại gà lạnh nữa.
Bên cạnh mô hình trại gà lạnh, nhiều gia đình ở xã Long Nguyên còn đầu tư nuôi heo giống mới cho năng suất cao. Điển hình như gia đình ông Diệp Lợi ở ấp Bà Phái. Hiện trong chuồng của gia đình ông có 32 con heo nái giống. Bình quân một con heo nái giống mới đẻ 30 heo con một năm, hơn hẳn so với heo giống thường.
Năm 2005, ông Lợi nuôi 3 con nái, sau đó ông mở rộng có lúc lên tới 40 con heo nái. Số heo con do heo nái đẻ được ông nuôi hơn 5 tháng đạt trọng lượng 100 - 110 kg/con và bán heo thịt với giá 50.000 đồng/kg, đem lại thu nhập đáng kể cho ông.
Ông Nguyễn Văn Sáu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Nguyên, cho biết hiện nay ở xã Long Nguyên có khoảng 80 hộ dân phát triển mô hình trồng trọt - chăn nuôi kết hợp. Tuy gặp không ít khó khăn, rủi ro như dịch bệnh, đối tác thu mua chậm… nhưng nhờ các cấp chính quyền quan tâm đầu tư đồng bộ về điện, đường giao thông nông thôn, cộng với ý chí và tâm huyết của bà con, ngành nông nghiệp của xã ngày càng phát triển hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm

So với các huyện ngoại thành khác của Hà Nội, Đông Anh là huyện có điều kiện thuận lợi về sản xuất nông nghiệp hơn cả, với các vùng sản xuất rau quả an toàn, cho giá trị kinh tế cao. Cũng chính nhờ thế, thu nhập trung bình của nông dân tại đây đã đạt khá cao và đang tiếp tục tăng.

Ngày 2.11 tại Hà Nội, Bộ NNPTNT tổ chức hội thảo “Giáo sư Bùi Huy Đáp – Cuộc đời và sự nghiệp”.

Hiện nay, tại Bình Định, gỗ rừng trồng được các thương lái và doanh nghiệp thu mua với giá rất cao, gần 1,4 triệu đồng/tấn (đầu vụ chỉ có 1,25 triệu đồng/tấn). Vì thế, người trồng rừng đang hy vọng vào mùa thu hoạch bội thu.

Đó là một trong những mục tiêu mà Hà Nội sẽ hướng tới trong nhiệm kỳ lần thứ XVI (2015-2020) này.

Gần đây, thương lái Trung Quốc lùng mua tổ ong đất với giá 300.000-500.000 đồng/kg khiến người dân ở một số xã thuộc huyện Si Ma Cai (Lào Cai) bất chấp nguy hiểm bắt ong về nuôi.