Chăn Nuôi Ở Vùng Đất Ngập Mặn

Đầu năm 2013, khi anh Lê Văn Tân mới đến lập trang trại tổng hợp ở thôn Đông Hà, xã Tân Lập, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh), có nhiều người ái ngại cho anh bởi đây là vùng đất “trồng lúa, lúa chết, trồng khoai, khoai ủng”, ai lại dại mang hàng trăm triệu đồng mà đổ vào đây đầu tư bao giờ, rồi cũng đến ngày bỏ đất mà đi thôi…
Trang trại của anh Tân là vùng đất nhiễm mặn giáp khu vực bãi triều, khu đất này thường xuyên bị ngập mặn, ảnh hưởng đến vài chục ha trồng lúa, năng suất thấp, thậm chí mất mùa, dẫn đến nhiều thửa ruộng bị bỏ hoang. Ban đầu, có nhiều người khuyên anh Tân, nên đào đầm nuôi tôm.
Nhưng anh Tân nhìn chất đất bạc màu, không có nguồn dinh dưỡng từ đất để tạo thức ăn tự nhiên cho tôm, nếu nuôi tôm ở đây, thì con tôm phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thức ăn công nghiệp, như thế tôm sẽ chậm lớn và dễ mắc dịch bệnh.
Sau nhiều ngày suy nghĩ tính toán, anh Tân quyết định mở trang trại tổng hợp chăn nuôi lợn, gà trên diện tích 2,2ha. Anh quy hoạch khu đất cao, diện tích gần 1.500m2 để xây dãy chuồng và luôn nuôi duy trì khoảng 100 con lợn. Vào mùa mưa bão, nước biển tràn vào trang trại, ngập cao hơn mức bình thường khoảng 1m.
Từ thực tế đó, anh Tân đưa ra hướng xuất bán lợn trước mùa mưa, rồi lợi dụng luôn việc nước biển lên cao ngâm chuồng, do nước mặn nhiều muối có tính sát trùng tốt làm vệ sinh sạch chuồng trại, tránh được nhiều dịch bệnh. Anh Tân bảo: “Vào những dịp dịch bệnh “lở mồm, long móng” hoành hành ở một số nơi, nhưng lợn nuôi ở trang trại của tôi vẫn khoẻ mạnh như thường”. Khởi nghiệp đầu năm, đến cuối năm 2013, chỉ riêng nuôi lợn anh thu lãi khoảng 140 triệu đồng.
Từ nguồn chất thải của lợn, anh xây 10 bể bioga để tạo nguồn khí đốt nấu cám chăn nuôi lợn, ngan, vịt, nguồn nhiệt sưởi ấm cho vật nuôi vào mùa đông.
Diện tích còn lại, anh Tân quy hoạch ao (diện tích khoảng 5.000m2) nuôi cá vược và cá rô phi lai từ đầu tháng 3 năm nay, theo đánh giá của anh, thì cá hợp với môi trường nước lợ, đang phát triển tốt, chắc chắn sẽ mang lại nguồn thu không nhỏ. Trên bờ ao, anh nuôi gần 1.000 con vịt, vài trăm con ngan. Vịt, ngan bơi lội ăn tôm, tép ở nước nhiễm mặn, hàng ngày đẻ từ 400-500 quả trứng.
Anh cho biết, do vịt, ngan ăn đồ biển nên hương vị của trứng đậm hơn, lòng đào nhiều hơn so với chăn nuôi trên bờ; đặc biệt do sống ở môi trường nhiễm mặn nên chúng có sức đề kháng dịch bệnh tốt hơn. Hàng năm từ chăn nuôi ngan, vịt mang lại cho anh Tân khoản lãi hơn trăm triệu đồng.
Tân Lập có nhiều vùng đất nhiễm mặn, nhất là khu vực thôn Đông Hà không phù hợp với phát triển các mô hình trồng lúa, nuôi tôm; bị nước mặn xâm nhập, nhưng người dân không chủ động điều chỉnh được nguồn nước, bởi cửa đê nằm ở xã khác (thôn Xóm Giáo, xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà)…
Vì thế, trang trại chăn nuôi trên vùng đất ngập mặn của anh Tân là một trong các mô hình điểm mà xã Tân Lập đang vận động các hộ gia đình trên địa bàn, nhất là các hộ có trang trại phát triển theo hướng này.
Có thể bạn quan tâm

Sáng 17-9, tại xã Kim Tân, huyện Ia Pa, Viện Nghiên cứu Mía đường phối hợp với Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác mía năng suất và chất lượng cao cho nông dân trồng mía vùng Đông Nam tỉnh.

Vụ mùa năm nay, xã Tùng Bá tiếp tục thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lúa lai diện tích lớn với sự quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, khuyến nông viên xã; đặc biệt xã chủ động đứng ra bảo lãnh với Đại lý phân phối vật tư nông, lâm nghiệp cung ứng trước giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ thực hiện mô hình để sản xuất kịp khung thời vụ theo phương châm “5 cùng”... hứa hẹn mang lại hiệu quả cao hơn.

Trong khi các xã khác trên địa bàn huyện Mèo Vạc đang khẩn trương thu hoạch ngô, chuẩn bị đất để gieo trồng vụ mới thì người dân ở các xã: Niêm Tòng, Niêm Sơn, Khâu Vai mới bắt đầu tiến hành vun các diện tích ngô trồng lại.

Những năm qua, trên địa bàn xã Bản Luốc (Hoàng Su Phì) đã có nhiều hộ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng KH – KT vào sản xuất. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống người dân tại địa phương.

Nhiều người hiện nay đã chuyển hướng sang dùng trái cây nội địa hoặc hàng nhập khẩu từ nước khác. Nắm lấy cơ hội này, tiểu thương tại các chợ trên địa bàn cũng nhập về nhiều loại rau, củ từ Thái Lan. Hiện, ngoài thị trường, hàng Thái Lan đang lấn át hàng Trung Quốc về số lượng lẫn sức mua.