Chăn Nuôi Gia Công Ở Bà Rịa Vũng Tàu Lời Ít Nhưng An Toàn

Người chăn nuôi gia cầm đang phải chịu nhiều rủi ro vì giá thức ăn, dịch bệnh, đầu ra cho sản phẩm… Để tránh những rủi ro này, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu ngày càng nhiều hộ gia đình chuyển hướng sang chăn nuôi gia công cho DN trong và ngoài nước. Đây đang là mô hình chăn nuôi ít rủi ro do được bao tiêu sản phẩm.
Chăn nuôi theo hình thức gia công có độ an toàn với dịch bệnh cao do đội ngũ cán bộ thú y của doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ và người chăn nuôi không lo đầu ra cho sản phẩm. Trong ảnh: Cán bộ thú y tiêm vắc xin phòng cúm gia cầm cho đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, trong 82 trang trại chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh, có 53 trại chăn nuôi gia công. Trang trại nuôi heo theo hình thức gia công cũng phát triển mạnh. Nguyên nhân tăng số lượng trang trại chuyển sang chăn nuôi gia công là do tác động của dịch bệnh và giá cả thị trường.
Để ổn định đầu ra cho sản phẩm và ít phải chịu rủi ro nên nhiều trang trại chuyển sang chăn nuôi gia công. “Trước đây, tôi nuôi heo với hình thức nhỏ lẻ trong gia đình ở tỉnh Đồng Nai và gặp nhiều rủi ro từ dịch bệnh cho đến khâu mua thức ăn, tiêu thụ sản phẩm…
Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi quyết định đầu tư chuồng trại để chăn nuôi gia công cho một công ty nước ngoài và nhận thấy chăn nuôi theo hướng này an toàn hơn. Vật nuôi được đối tác tiêm phòng vắc xin, khử độc chuồng trại… nên rất an toàn. Chấp nhận hưởng lãi ít hơn nuôi cho mình, nhưng tránh được tình trạng như dịch bệnh, đầu ra, đầu vào đều có đối tác bao tiêu”- ông Hồ Xuân Thống, ở Phước Hội (huyện Đất Đỏ) cho biết.
Ông Trần Quang Hoàn, một hộ chăn nuôi gia công gia cầm tại huyện Đất Đỏ cũng cho biết thu nhập từ việc chăn nuôi gia công của gia đình ông ổn định. Ông Hoàn nhận định, tình hình dịch bệnh hiện rất phức tạp, thức ăn cho gia cầm, tiền cước vận chuyển… đều tăng, vì vậy, chăn nuôi gia công đang là lựa chọn tốt cho người chăn nuôi ở thời điểm này.
Theo các hộ chăn nuôi gia công, trung bình mỗi tấn sản phẩm heo hơi, người chăn nuôi hưởng khoảng 3 triệu đồng, gia cầm khoảng 2,2 triệu đồng tùy theo thỏa thuận giữa người chăn nuôi và đối tác. Các hộ chăn nuôi gia công sẽ được đối tác đầu tư trọn gói từ giống, thức ăn, kỹ thuật còn người chăn nuôi chỉ tốn công chăm sóc, vệ sinh chuồng trại.
Theo đánh giá của Chi cục Thú y, lợi thế của việc chăn nuôi theo mô hình tập trung là an toàn dịch bệnh cao, được ngành thú y và cán bộ kỹ thuật của công ty kiểm soát, quản lý chặt chẽ nên ít xảy ra dịch bệnh. Cụ thể, trong chăn nuôi gia công, những quy định quản lý dịch bệnh được các cơ sở chăn nuôi áp dụng theo quy trình của đối tác. Phía địa phương kiểm soát chặt đầu vào, đầu ra, kiểm soát con giống ngay từ khi các công ty đối tác của người chăn nuôi đưa vào.
Theo định kỳ, lực lượng thú y sẽ kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y, có lấy mẫu huyết thanh để kiểm tra bảo hộ đàn gia súc, gia cầm. Khi mức độ bảo hộ thấp, ngành thú y sẽ làm việc với các công ty đối tác của người chăn nuôi để bảo đảm an toàn trong chăn nuôi.
Với những ưu điểm đó, chăn nuôi gia công đang là một lựa chọn được nhiều hộ chăn nuôi phát triển. Và chăn nuôi gia công cũng là một trong những hướng phát triển đã được ngành nông nghiệp tỉnh định hướng và xây dựng. Theo đó, cùng với khuyến khích người chăn nuôi tham gia thì ngành nông nghiệp cũng đã khuyến cáo người chăn nuôi, ngoài lợi ích kinh tế, cần cố gắng tích lũy những kinh nghiệm và những kiến thức tiến bộ khoa học trong chăn nuôi.
Có thể bạn quan tâm

Tỉnh Hậu Giang đang đẩy mạnh sự liên kết giữa “bốn nhà” (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông) nhằm tìm hướng phát triển ổn định, bền vững cho nghề nuôi cá tra. Thị xã Ngã Bảy là nơi đầu tiên trong tỉnh thực hiện việc liên kết “bốn nhà” và đang có những kết quả khả quan.

Sinh ra và lớn lên ở Phú Yên, năm 21 tuổi, anh Nguyễn Văn Minh (thường gọi là Đức, SN 1949) lên Đăk Lăk tìm cơ hội mới và lập nghiệp tại khối 5, phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột. Lúc đầu với hai bàn tay trắng, giờ đây ông Minh đã trở thành một "cao thủ" nuôi heo rừng có tiếng, thu nhập lên tới trên 500 triệu đồng/năm.

Hạn chế đẻ nhánh vô hiệu bằng cách bón phân đạm sớm, bón tập trung: Phân urê thường được bón lót sâu với lượng 30-50% (tổng lượng bón cho lúa vụ xuân 6-12kg/sào Bắc bộ 360m2) cho lúa trước khi cấy và bón thúc sớm 60-40% lượng đạm sau cấy 15-20 ngày khi lúa bén rễ hồi xanh. Tuy nhiên với những loại đất cát pha, đất cát khả năng giữ phân kém chỉ nên bón lót 20-30%, bón thúc lần 1 khoảng 50-60% chia làm 2 lần cách nhau 4-5 ngày để tăng hiệu quả của phân bón. Nên bón đạm sớm kết hợp với phân kali (tỷ lệ 2đạm/1kali).

Khoảng tháng chạp, tháng giêng, nguồn cá giống bống tượng và cá sặc bổi từ khai thác tự nhiên khá nhiều, cũng là lúc những hộ dân có thâm niên nghề sản xuất cá giống bước vào vụ mới. Nhiều người nuôi hiện đã rất thành công trong việc nuôi cá bống tượng kết hợp với nuôi cá sặc bổi.

Sả là một trong những gia vị phổ biến nhất ở Việt Nam, Malaysia, Thái Lan. Cũng giống như gừng, nghệ, tỏi, sả không những được dùng để tăng thêm sự đậm đà và ngon miệng cho món ăn, nó còn được dùng như thuốc để điều trị. Dưới đây chúng ta cùng khám phá những tác dụng vô cùng độc đáo của loại gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn này.