Chấn Chỉnh Việc Lạm Dụng Dùng Kháng Sinh Trong Nuôi Tôm

Đối với những thị trường nhập khẩu (NK) thủy sản khó tính như EU và Nhật Bản, liên tục phát hiện mức dư lượng kháng sinh quá quy định sẽ là điểm trừ trong bài toán mở rộng thị trường xuất khẩu (XK) ở đây.
Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản - Nafiqad (Bộ NNPTNT), chỉ chưa đầy 4 tháng đầu năm 2014, EU và Nhật Bản đã cảnh báo 11 lô hàng tôm nuôi nhập khẩu từ Việt Nam do bị phát hiện dư lượng Oxytetracycline vượt mức giới hạn cho phép.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhìn nhận, để xảy ra sự việc tôm nuôi xuất khẩu của nước ta bị cảnh báo về dư lượng kháng sinh có trách nhiệm của nhiều bên liên quan: Doanh nghiệp cung cấp thức ăn thủy sản, người nuôi tôm và cả doanh nghiệp thu mua, chế biến. Trong đó, bản thân các doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu tôm đều có phòng thí nghiệm kiểm soát đầu vào và chất lượng sản phẩm đầu ra nhưng lại làm chưa chặt chẽ.
Để kiểm soát chặt chẽ dư lượng Oxytetracycline đối với lô hàng tôm nuôi của Việt Nam, Nafiqad đã có văn bản đề nghị Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y chỉ đạo các cơ quan quản lý nuôi trồng thuỷ sản thuộc các Sở NNPTNT phổ biến tình trạng cảnh báo Oxytetracycline trong các lô hàng tôm xuất khẩu. Đồng thời hướng dẫn cơ sở nuôi thuỷ sản sử dụng đúng cách các hoá chất, kháng sinh trong nuôi thuỷ sản và tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
Đối với các cơ sở có lô hàng bị cảnh báo, Nafiqad đã có văn bản gửi từng cơ sở yêu cầu điều tra nguyên nhân và thực hiện khắc phục. Song song với đó, tổ chức tự thẩm tra hiệu quả của các hành động khắc phục đã thực hiện, lập báo cáo giải trình và áp dụng chế độ kiểm tra tăng cường chỉ tiêu Oxytetracycline đối với từng lô hàng tôm nuôi xuất khẩu của các cơ sở này.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cũng nhấn mạnh việc làm đầu tiên là phải thông tin kịp thời đến cơ sở sản xuất thức ăn cho tôm, cảnh báo về nguy cơ sử dụng thức ăn này ảnh hưởng đến chất lượng tôm nuôi. Cùng với đó, hướng dẫn cho bà con quy trình nuôi đảm bảo ATTP, tức là vẫn sử dụng kháng sinh nhưng ở mức độ nhất định.
Hiện Bộ NNPTNT đang chỉ đạo nghiên cứu các chất thay thế Oxytetracycline để đảm bảo phòng bệnh cho tôm và đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu. Đặc biệt, yêu cầu các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm tới đây tăng cường liên kết, kiểm soát toàn bộ chuỗi từ ao nuôi tới thị trường, đảm bảo chất lượng.
Theo thống kê của Nafiqad, từ ngày 14/3 đến nay, đã có thêm 4 lô hàng tôm nuôi của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản bị cảnh báo chỉ tiêu Oxytetracycline, nâng tổng số lô hàng tôm nuôi và sản phẩm từ tôm nuôi bị cảnh báo ở thị trường này lên 6 lô hàng.
Còn tại thị trường EU, từ đầu năm 2014 đến nay, các lực lượng chức năng của EU đã cảnh báo 5 lô hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam, trong khi cả năm 2013 chỉ là 2 lô.
Có thể bạn quan tâm

Hiệp hội thủy sản tỉnh Đồng Tháp vừa phối hợp với Hiệp hội Thủy sản huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) tổ chức hội thảo nuôi trồng thủy sản MêKông và biến đổi khí hậu.

Từ việc kinh doanh cây cảnh, anh Bùi Thanh Khiết (thôn Thượng Phường, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) đã xây nhà khang trang, mua ô tô...

Đó là khuyến cáo mới nhất của các nhà khoa học trước thực trạng, nhiều nông dân ở các tỉnh miền Bắc đang có xu hướng mở rộng, phát triển nghề nuôi ba ba.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, 63 tuổi ở xã Hộ Hải, (huyện Ninh Hải - Ninh Thuận) áp dụng thành công mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên 3,5 sào đìa của gia đình.

Những năm trở lại đây, giống Cà tím Nhật đang được nhiều nông dân ở huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) trồng và phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm làm ra có chỗ đứng trên thị trường, tiêu thụ nhanh, ngoài ra còn xuất khẩu sang Nhật.