Cấy Sạ Chạy Hạn

Đến ngày 25/5, nông dân trong tỉnh Quảng Ngãi đã cấy sạ 20.704 ha lúa hè thu, đạt 62,4% kế hoạch. Trong điều kiện trời nắng nóng, khô hạn, ngành nông nghiệp đang phối hợp với các huyện, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ cấy sạ lúa hè thu.
Chủ động cấy sạ sớm
Bây giờ lên huyện miền núi Ba Tơ hay về Đức Phổ thấy nhiều cánh đồng lúa sắp bước vào bón phân đợt một. Ông Trần Em - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết: Thấy mực nước các hồ đập xuống thấp nên huyện tiến hành rà soát lại các vùng tưới và thống nhất bỏ không gần 800 ha; đồng thời đề nghị Sở NN & PTNT cho phép huyện cấy sạ sớm hơn lịch thời vụ khoảng 10 ngày. Đề nghị được Sở đồng ý, huyện Đức Phổ đã vận động bà con nông dân nhanh chóng cấy sạ. Đến ngày 25/5, toàn huyện đã cấy sạ 4.470 ha, vượt kế hoạch 2,8%. Ở huyện miền núi Ba Tơ, thấy mực nước các hồ đập suy giảm hơn mọi năm, nên một số vùng đồng bào cấy sạ lúa hè thu sớm. Đến nay, toàn huyện đã cấy sạ 2.095 ha, đạt 100% kế hoạch.
Khi tại nhiều vùng trong tỉnh mực nước xuống thấp, tranh thủ thời điểm đập dâng Thạch Nham mở nước hai cống Bắc và Nam, nông dân ở 7 huyện, thành phố đồng bằng trong tỉnh tập trung làm đất để xuống giống lúa hè thu. Điều đáng mừng là trong thời điểm mở nước, ở vùng đầu nguồn có mưa nên lượng nước bổ sung về khá dồi dào. Đến ngày 25/5 đã có trên 17.000 ha ruộng lúa ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Nghĩa Hành nước đã về đến ruộng. Bà con nông dân hợp đồng với các chủ máy tiến hành làm đất. Đến ngày 25/5, huyện Bình Sơn đã sạ được 3.500 ha (đạt 89%), Sơn Tịnh đã sạ 3.000 ha (50%), Mộ Đức đã sạ 2.115 ha (47% kế hoạch).
Tiếp tục “ chạy" trước hạn
Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Đào Minh Hường cho biết : Theo kế hoạch, toàn tỉnh phải hoàn thành cấy sạ lúa hè thu trước ngày 10/6 để cho lúa trổ từ 20/7 đến ngày 10/8, thu hoạch dứt điểm trước ngày 10/9 để tránh tình trạng lúa trổ gặp gió Tây Nam khô nóng làm cho hạt lép; hoặc cấy sạ quá muộn có nguy cơ bị lũ sớm xuất hiện gây khó khăn cho việc thu hoạch. Đồng thời, trong vụ hè thu này phải sử dụng giống lúa có thời gian sinh trưởng trung ngày đến ngắn ngày thì mới có thể né được mưa lũ xảy ra lúc cuối vụ. Hướng dẫn này được các địa phương thực hiện khá nghiêm túc. Tuy vậy, điều có thể nhận thấy là khi các địa phương trong tỉnh đồng loạt làm đất cấy sạ dẫn đến một số cánh đồng thiếu máy băm phải làm đất chậm hơn. Điều này, đòi hỏi các hợp tác xã phải tăng cường công tác điều phối máy cho phù hợp và nếu những cánh đồng cấy sạ muộn thì cần hướng dẫn cho bà con cấy sạ giống lúa ngắn ngày.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, hiện nay có mưa ở đầu nguồn nên lượng nước về khá dồi dào. Nhưng nếu trời chuyển sang nắng gay gắt thì lượng nước đưa về giảm sút, việc làm đất cấy sạ chắc chắn sẽ khó khăn. Do vậy, các địa phương cần vận động bà con nông dân tranh thủ làm đất cấy sạ theo đúng lịch thời vụ. Nếu chậm trong khâu làm đất, khi mực nước ở đập dâng Thạch Nham xuống thấp, nông dân sẽ khó khăn trong việc làm đất và không đảm bảo tiến độ cấy sạ lúa hè thu.
Có thể bạn quan tâm

Hơn 12 năm gắn bó với nghề nuôi heo nhân giống, bà Võ Thị Nành, khóm 7, thị trấn Thới Bình gặp không ít thất bại, nhưng nhờ kiên trì, đến nay, nghề này đã mang lại thu nhập khá cho gia đình.

Ông Đặng Chiến Thuật sinh năm 1951, quê gốc ở tỉnh Nam Định. Ông nhập ngũ năm 1975, đơn vị Cục Hậu cần Quân khu 7, đến năm 1977 tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Ông xuất ngũ năm 1981 với thương tật một bên chân (thương binh 4/4).

Với việc mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích, áp dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thời gian qua, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở xã Đắk N’Drót (Đắk Mil) đã nỗ lực vươn lên làm giàu và có cuộc sống ổn định.

Với tâm huyết và nỗ lực để đưa sản phẩm rau đảm bảo an toàn đến bàn ăn của người dân tại địa phương, năm 2011, xã Tâm Thắng đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Chư Jút chọn 10 hộ dân chuyên sản xuất rau xanh tại thôn 4 để triển khai mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn Viet GAP.

Trong những ngày này, về xã Nam Đà, ở các thôn, xóm, sân nhà nào cũng ngập một mùa vàng của lúa. Còn ngoài cánh đồng, không khí ngày mùa càng rộn rã hơn bởi tiếng máy nổ, tiếng guồng quay của máy gặt lúa.