Cây Ớt Niềm Hy Vọng Của Nông Dân

Giá rau sau Tết Nguyên đán rớt giá thê thảm khiến nhiều nông dân trồng rau huyện Đak Pơ (Gia Lai) rơi vào cảnh trắng tay. Trước tình hình đó, mặc dù giá cả so với trước Tết có giảm, nhưng với mức giá từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng/kg, cây ớt hiện đang trở thành niềm hy vọng của bà con nơi đây.
Đak Pơ là huyện có hơn 5.000 ha đất trồng rau. Trước Tết, giá rau rớt thê thảm, nhiều nông dân chịu thiệt, quyết định phá bỏ để tập trung trồng rau cho dịp sau Tết với hy vọng giá cả khá hơn. Nhưng lại một lần nữa, hành chỉ còn 700 đồng-1.000 đồng/bó, rau ngò 300 đồng/bó, bắp sú 500 đồng-700 đồng/kg, xà lách cũng rớt giá còn 1.000 đồng/kg khiến nhiều nhà nông điêu đứng.
Nhận thấy giá ớt chỉ giảm nhẹ, đồng thời cây ớt cho thu hoạch dài ngày và ổn định, các nhà nông ở đây đã quyết định trồng cây ớt làm cây chủ lực để giữ vốn trong vụ rau này.
Theo đa số người dân ở đây thì trồng ớt khỏe và yên tâm hơn so với trồng các loại rau khác bởi giá ớt ít có biến động, ngoài ra ớt cũng cho sản lượng lớn đem lại lợi nhuận cao.
Cùng với các loại rau khác, bà Lê Thị Thanh (thôn Tân Định, xã Cư An) đã có kinh nghiệm hơn 10 năm trồng ớt. Những mùa trước, cây ớt đem lại cho gia đình bà Thanh hơn 40 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Hiện tại, một sào ớt nhà bà đang sinh trưởng tốt và sắp bước vào thời điểm ra hoa.
Bà Thanh chia sẻ: “Thấy các loại rau khác rớt giá quá nên nhà tôi cũng không trồng nhiều, chỉ trồng cầm chừng và tập trung cho cây ớt. Mặc dù cây ớt cũng đòi hỏi phải đầu tư nhiều, khoảng 15 triệu đồng/vụ nhưng bù lại giá cả ổn định nên chúng tôi cũng yên tâm hơn”.
Giá ớt trên thị trường thường dao động trong khoảng từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng/kg, thời điểm thấp nhất cũng khoảng 10.000 đồng/kg, cao nhất có thể lên đến 50.000 đồng/kg nên vẫn được nhà nông lựa chọn để đầu tư. Gia đình chị Đào Thị Kim Diễm (thôn An Cư, xã Cư An) cũng trồng gần 2 sào ớt. Trong vụ năm ngoái, 2 sào ớt đem lại cho gia đình chị hơn 70 triệu đồng sau khi trừ hết các khoản chi phí.
Chị Diễm chia sẻ: “Trồng ớt cũng có lợi lắm. Nếu cây ớt tốt, khi vào vụ thu hoạch rộ thì 4-5 ngày hái một lần, mỗi lần hái được khoảng 5 tạ. Còn bình thường cũng được 3 tạ/lần hái. Tính chi li thì có lời hơn so với trồng các loại rau khác”.
Cũng nắm bắt được sức giảm của các loại rau nên ngay từ trước Tết, gia đình chị Nguyễn Thị Hảo (thôn Tân Sơn, xã Tân An) đã quyết định nhổ bỏ toàn bộ rau để thay vào đó cây ớt, chị Hảo nói: “Bây giờ chỉ dựa vào cây ớt thì mới mong có lời thôi, còn trồng các loại rau khác chỉ sợ mất vốn chứ mong gì lãi”.
Có thể bạn quan tâm

Nhà NK và phân phối tôm của Đức Ristic, đã có nhiều khoản đầu tư cho ngành tôm Costa Rica, đang tiếp tục nỗ lực sản xuất tôm bền vững thông qua việc phát động sáng kiến mới có tên “clean shrimp”.

Để khắc phục tình trạng tôm nuôi chết nhiều trên diện rộng, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đang phát triển các mô hình nuôi tôm mới theo hướng liên kết và thâm canh; trong đó mô hình nuôi thâm canh - bán thâm canh bền vững sẽ được nhân rộng.

Các nước có xuất khẩu tôm trong khu vực như Ấn Độ, Thái Lan hay các nước Nam Mỹ vốn có thế mạnh về tôm thẻ chân trắng, còn Việt Nam với điều kiện tự nhiên thuận lợi có thể nuôi một lúc tôm thẻ chân trắng lẫn tôm sú và có thể chuyển đổi cho nhau khi nhu cầu thị trường cần.

Tỉnh Cà Mau đang đẩy mạnh chương trình sản xuất tôm giống sạch giai đoạn 2015 - 2020 với mục tiêu hướng tới cung cấp nguồn tôm giống sạch cho người nuôi, loại trừ khả năng sử dụng nguồn giống kém chất lượng vốn đã chiếm tới 30% nguồn tôm giống thả nuôi hiện nay.
Đó sẽ là những sản phẩm "made in Vietnam" được tạo bởi nhóm học sinh trường THPT An Lạc Thôn (thị trấn An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng).