Cây Mía Trổ Trắng Cờ, Người Trồng Mía Trắng Tay

Mía trổ trắng cờ, chết khô, đồng nghĩa người trồng mía nơi đây cũng trắng tay trong vụ mía này.
Giá mía liên tục sụt giảm trong thời gian qua khiến cho người trồng mía ở các địa phương vùng ĐBSCL như Hậu Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh… lao đao. Nghiêm trọng hơn tại nhiều địa phương, do mía đã vượt ngưỡng thu hoạch nhiều ngày nhưng không có thương lái tìm mua nên đã trổ cờ, chết khô giữa đồng.
Mía trổ trắng cờ, thân mía bắt đầu teo tóp chết khô trên đồng và người trồng mía ngậm ngùi muốn chết đứng khi nghĩ đến cảnh trắng tay sau gần một năm bỏ công chăm sóc, vất vả. Hình ảnh xót xa này dễ bắt gặp khi về xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang vào thời điểm này.
Bà Nguyễn Thị Sáu - một hộ trồng mía ở xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, than thở: “Bây giờ chúng tôi không biết tính toán thế nào nữa. Giờ mía đã trổ cờ mà chưa bán được, không ai mua. Giá cả lại rẻ không đủ để trả nợ đồng vốn”.
3 năm qua, khi mía đến mùa thu hoạch, người trồng mía ở ĐBSCL nói chung và Hậu Giang nói riêng không còn háo hức niềm vui trúng mùa, trúng giá như những năm trước, thay vào đó là nỗi xót xa vì lỗ lã khi giá mía ngày một bấp bênh.
Vào thời điểm này, tại huyện Phụng Hiệp vẫn còn hơn 2 ngàn ha mía đã quá ngưỡng thu hoạch nhưng chưa có người mua, tập trung nhiều ở xã Tân Phước Hưng và Thị trấn Búng Tàu, trong đó, xã Tân Phước Hưng chiếm gần 1.500 ha. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Phước Hưng cho biết: “Mía hiện nay trổ cờ và chết. Hàng năm đó, ở xã Tân Phước Hưng đến thời điểm này mía bán chỉ còn 300 đến 400 ha nhưng hiện nay toàn xã còn đến hơn 50% và giá hiện nay mua 720 đồng đến 740 đồng/kg hà. Bà con năm nay có thể không có vốn đầu tư trở lại, lý do công tiền vay ngân hàng rồi cây mía năm nay lỗ. Một ha lỗ khoảng 30 triệu đồng”.
Những ngày này, bà con không cam tâm đứng nhìn cây mía trổ cờ và dần dần chết để công sức của mình bỏ sông, bỏ bể, người trồng mía Phụng Hiệp lại chạy đôn, chạy đáo tìm thương lái vào thu mua. Đến khi tìm được thương lái, họ lại kỳ kèo bớt đầu bớt đuôi.
Chị Huỳnh Thị Đẹp ở Thị trấn Búng Tàu cho biết: Giờ chị còn hơn 400 tấn mía đã qua 11 tháng nhưng chưa thu hoạch. Những ngày qua, thương lái trả giá chưa qua ngưỡng 700 đồng/kg. Tóm lại, trước sau gì cũng phải bán, nếu càng để lâu, cây mía chết nhiều, giảm năng suất gây thua lỗ.
Mía là một trong những cây trồng có chi phí đầu tư cao so với nhiều loại cây trồng khác, bên cạnh đó thời gian từ lúc trồng đến khi thu hoạch cũng kéo dài từ 9 đến 10 tháng. Tuy nhiên, với giá mía cứ bấp bênh khi vào chính vụ như những năm vừa qua đã đẩy người trồng mía vào cảnh khốn khó.
Để người trồng mía thật sự an tâm, đồng thời để duy trì và phát triển bền vững vùng mía nguyên liệu, đã đến lúc cần có các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người trồng mía như đối với các cây trồng khác, đồng thời với việc triển khai nhiều giải pháp khả thi hơn. Nếu trồng mía cứ thua lỗ, nông dân dần dần sẽ không còn mặn mà với cây mía vốn đã gắn bó từ lâu.
Thực tế, trong thời gian qua nhiều nông dân ở ĐBSCL đã quay lưng với cây mía. Theo thống kê, chỉ trong vụ mía này, toàn vùng đã sụt giảm hàng ngàn ha mía so với vụ trước, trong đó chỉ riêng tỉnh Hậu Giang, diện tích mía đã giảm hơn 1.000 ha.
Có thể bạn quan tâm

Người nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đang phải đối diện với tình trạng thua lỗ nặng vì tôm chết và rớt giá. Hiện nay, ở nhiều vùng tôm như: Ninh Hà, Ninh Lộc… diện tích đìa thả nuôi rất ít.

Đồng Tháp sẽ đưa ra khỏi quy hoạch gần 700 ha vùng nuôi do không đáp ứng tiêu chí. Trong 5 ngành hàng chủ lực mà tỉnh Đồng Tháp lựa chọn để thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì ngành hàng cá tra đóng vai trò khá quan trọng.

Tiết kiệm nhiên liệu, tăng giá bán sản phẩm, làm cầu nối giữa đất liền và tàu khai thác thủy sản xa bờ là ưu thế của tàu dịch vụ hậu cần. Nhưng, hiện nay số lượng tàu dịch vụ hậu cần thủy sản của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu chưa đáp ứng đủ năng lực đánh bắt.

Sáng ngày 16-6, tại Công viên 3 Tháng 2 (thị trấn Long Mỹ), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang phối hợp với UBND huyện Long Mỹ, Vị Thủy và thành phố Vị Thanh tổ chức Lễ thả cá nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản năm 2015. Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ban ngành liên quan và đông đảo người dân địa phương đến dự.

Theo thông tin từ các hộ nuôi cua xanh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, hiện nay, giá cua xanh nuôi đìa đang ở mức khá cao. Cua gạch loại 1 khoảng 300.000 đồng/kg, cua gạch loại 2 hơn 200.000 đồng/kg, cua thịt 190.000 đồng/kg. Mức giá này cao hơn thời điểm cuối năm 2014 hơn 40%.