Cây Hồ Tiêu Ở Chư Đăng Ya (Gia Lai)

Cây hồ tiêu xuất hiện ở Chư Đăng Ya-xã đặc biệt khó khăn của huyện Chư Pah (Gia Lai) từ năm 2008 với quy mô nhỏ lẻ và chính thức phát triển mạnh từ năm 2012 đến nay.
“Hiện tại, diện tích trồng tiêu của xã trên 20 ha-con số không nhiều so với tổng diện tích đất canh tác toàn xã gần 1.000 ha nhưng đã mở ra hướng chuyển dịch cây trồng mới giúp người dân xã nghèo thoát nghèo bền vững trong tương lai”-Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya cho biết.
Một trong những cơ sở để kiểm chứng hiệu quả của cây tiêu trên đất Chư Đăng Ya chính là vườn tiêu 1.800 trụ của gia đình anh Henh, làng Có-người đầu tiên đưa cây tiêu về trồng tại xã. Lúc tôi đến, anh Henh cùng 3 người nữa đang thu hoạch tiêu.
Anh Henh cho biết trong 1.800 trụ tiêu của anh, 800 trụ chưa đến thời kỳ thu hoạch. 500 trụ tiêu đang thu bói và 500 trụ thời kỳ kinh doanh. Dựa vào lượng tiêu hái hàng ngày thì sản lượng tiêu thu được từ 500 trụ tiêu thời kỳ thu bói không dưới 1 tấn tiêu khô.
Còn 500 trụ tiêu kinh doanh chưa thu hoạch nên khó đưa ra con số chính xác sản lượng tiêu đạt bao nhiêu song cách đây mấy ngày, anh Henh chọn 1 trụ tiêu sai hạt nhất trong số 500 trụ tiêu kinh doanh để thu hoạch, kết quả đạt 16,3 kg. Mật độ đậu hạt của các trụ tiêu còn lại không bằng trụ chọn làm điểm nhưng không dưới 12 kg/trụ.
Từ dự ước này, anh Henh tin chắc vụ tiêu năm nay gia đình thu được từ 4 đến 5 tấn tiêu khô. Với giá tiêu tư thương thu mua hiện nay trên 130 ngàn đồng/kg tiêu khô thì vụ tiêu này anh Henh thu trên 500 triệu đồng tiền bán tiêu.
Theo ông Lê Đức Thụ-cán bộ Văn phòng UBND xã Chư Đăng Ya, ngoài anh Henh, một vài vườn tiêu khác trên địa bàn xã đã thu hoạch xong, năng suất tiêu đạt không thấp hơn vườn tiêu của anh Henh đã thúc đẩy người dân trên địa bàn xã đầu tư trồng tiêu. Ngay cả anh Henh-người đã có 1.800 trụ tiêu song sau vụ thu hoạch này sẽ đầu tư trồng thêm 200 trụ tiêu nữa.
Mới đây, Trưởng thôn làng Ya-ông Yưt cũng mạnh dạn trồng 200 trụ tiêu và nhiều hộ còn quỹ đất thì đầu tư trồng tiêu quy mô lớn, hộ ít đất thì cải tạo vườn tạp để trồng tiêu. Hồ tiêu phát triển mạnh trong những năm gần đây ít nhiều xóa bỏ tâm lý lo ngại sự phát triển của loại cây trồng mới này trong dân. Việc đào giếng lấy nước trồng tiêu cũng dễ dàng hơn. Nguồn giống, trụ bê tông trồng tiêu được cung ứng tại chỗ làm giảm chi phí đầu tư.
Dù phong trào trồng tiêu đang phát triển mạnh ở Chư Đăng Ya, song khảo sát thực tế cho thấy phong trào này mới đến được các hộ dân có vốn tích lũy còn các gia đình khó khăn về kinh tế dù có nguyện vọng cải tạo vườn nhà, chuyển đổi diện tích cà phê, cây dong riềng, mì, cây hàng năm kém hiệu quả và cả diện tích trồng mía hiện nay sang trồng tiêu nhưng chưa thực hiện được vì không có vốn đầu tư. Với giá tiêu hiện nay, 1 sào tiêu thu nhập vài chục triệu đồng, cao hơn nhiều lần trồng cà phê, dong riềng, mía và các loại cây trồng hàng năm khác.
Có thể bạn quan tâm

So với đầu tháng 8, giá cá tra loại 1 tăng ít nhất 2.000 đồng (từ 19.000 đồng lên 21.000 đồng/kg). Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định giá cá tra sẽ tăng trở lại từ tháng 9 trở đi, mức giá giao động có thể từ 22.500 - 23.000 đồng/kg, tăng 1.500 - 2.000 đồng so với hiện nay.

Với giá heo hơi hiện nay thì người chăn nuôi mới huề vốn, chưa có lãi. Chính vì vậy, các trang trại chăn nuôi đã phải tính toán tận dụng nguồn thức ăn sẵn có để giảm chi phí đầu vào. Cách phối trộn thức ăn đơn giản là kết hợp giữa cám đóng gói và bắp, khoai mỳ, tấm gạo…

Với mục đích phát hiện sâu bệnh trên cây trồng và hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ, chăm bón hiệu quả, Chi cục BVTV Hưng Yên đã tiến hành thành lập 5 bệnh xá cây trồng. Tuy mới đi vào hoạt động, song bước đầu mang lại hiệu quả trong việc phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, được nông dân đồng tình ủng hộ. Đặc biệt, các hoạt động của bệnh xá được hỗ trợ miễn phí cho nông dân.

Trong khi Khánh Sơn (Khánh Hòa) còn đang tìm giải pháp để chấm dứt tình trạng vàng thau lẫn lộn giữa sầu riêng Khánh Sơn với sầu riêng mạo danh, thì giờ đây, thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn lại có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng hóa chất ép trái chín nhanh đang diễn ra tràn lan.

Theo Cục Chăn nuôi, hiện đầu ra cho chồn nhung đen chưa có, trong khi xuất hiện những cá nhân trục lợi theo kiểu bán hàng đa cấp đã đẩy giá của 1 đôi chồn nhung đen lên lên tới 3-4 triệu đồng (trong khi giá trị thực chỉ khoảng 300.000 - 400.000 đồng).