Cây Đổi Đời Dưới Chân Núi LangBiang

Đến chân núi LangBiang, rẽ tay trái, đi thêm vài trăm mét đường đất là tới thung lũng “cây đổi đời” rộng tới 30ha của đồng bào K’Ho ngụ tại thôn Bon Dưng 1, thị trấn Lạc Dương (Lâm Đồng).
Với đồng bào K’Ho dưới chân núi LangBiang này, cây dâu tây còn có một tên gọi khác, giàu ý nghĩa và trìu mến hơn: Cây đổi đời!... Sở dĩ có tên gọi như vậy, bởi chính cây dâu tây đã làm cho diện mạo cuộc sống của đồng bào K’Ho nơi đây thật sự thay da đổi thịt chỉ trong thời gian ngắn.
Có gần 70 hộ trồng loại cây này, trong đó chiếm 80% là đồng bào K’Ho định cư ngay dưới chân núi LangBiang. Từ khi cây dâu tây được đưa về trồng thương phẩm, chẳng ai còn phải đi lo đến cái ăn, cái mặc như cách đây một số năm về trước. Điều mà hàng chục hộ đồng bào K’Ho bây giờ hướng tới là làm giàu hơn nữa trên chính mảnh đất này.
Năm 2011, trong lúc cây dâu tây tại Đà Lạt đang trong tình trạng lâm nguy vì dịch bệnh tràn lan, một số gia đình người K’Ho ở thị trấn Lạc Dương nhận thấy giá dâu tây khá cao liền “liều lĩnh” đưa giống cây này về trồng. Giống họ chọn không phải là dâu tây sạch bệnh đắt đỏ của Pháp, Nhật hay New Zealand mà chính là các loại dâu tây truyền thống của Đà Lạt như mỹ hương, mỹ đá.
Nhận thấy đồng bào K’Ho mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây rau sang dâu tây, chính quyền huyện Lạc Dương lập tức chỉ đạo Phòng Nông nghiệp phối hợp với Hội Nông dân thị trấn Lạc Dương mở nhiều lớp tập huấn ngắn ngày phổ biến kỹ thuật trồng dâu cho những gia đình có nhu cầu.
Nắm chắc kỹ thuật, đất đai lại sẵn, chỉ trong một thời gian ngắn, vùng đất suốt mấy chục năm làm rau mà vẫn không đủ ăn đã được đồng bào ở đây nhanh chóng chuyển sang trồng cây dâu tây. Một trong những hộ tiên phong tại địa phương là ông Cil Roan. Gia đình ông Roan thuộc diện khó khăn của thị trấn Lạc Dương. Ông Roan có 5 sào đất, trước đây trồng rau, cà rốt, củ cải… làm lụng vất vả quanh năm mà vẫn không đủ ăn.
Từ khi chuyển sang trồng dâu tây, được sự “hậu thuẫn” về kỹ thuật của cán bộ thị trấn, huyện Lạc Dương, một năm sau đó gia đình ông thoát nghèo, và nay trở nên khá giả. Hiện, giá bán dâu tây trung bình là 40.000đ/kg, với 5 sào dâu tây này, mỗi năm trừ chi phí đầu tư, thuê nhân công lao động, ông Roan vẫn còn bỏ túi khoảng 250 triệu đồng - số tiền mà lúc trước gia đình ông Roan chưa bao giờ dám nghĩ tới vì nó quá xa xỉ.
Ông Trần Quang Kỳ, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Lạc Dương cho biết, cây dâu tây được đồng bào K’Ho đưa về trồng đại trà tại địa phương chưa lâu nhưng hiệu quả kinh tế đã trông thấy rõ. Nhờ có dâu tây mà nhiều gia đình trước đây được liệt vào diện nghèo nay đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ chính đôi tay lao động cần cù của mình. Không ít gia đình đồng bào K’Ho đã mua sắm được các phương tiện đi lại hiện đại trị giá hàng chục triệu đồng, những vật dụng đắt tiền như tủ lạnh, tivi, dàn karaoke, lò vi sóng… và xây cất được nhà cửa kiên cố, rộng rãi. Nhiều hộ còn có tiền gửi tiết kiệm.
Hiện tại, thị trấn Lạc Dương có tới gần 70 gia đình trồng dâu tây, trong đó, chiếm 80% là đồng bào K’Ho. Địa điểm trồng dâu tập trung chủ yếu dưới chân núi LangBiang tạo thành một thung lũng dâu tây rộng tới 30ha, đẹp như trong tranh. Cây dâu tây cho thu nhập cao, giúp hàng chục gia đình tại thị trấn Lạc Dương thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Có thể bạn quan tâm

Thịt lợn sề màu hồng sẫm sau khi được “đánh phấn, trang điểm” bằng lớp tiết bò bên ngoài thì nó có màu lại càng sẫm như những tảng thịt bò thứ thiệt. 10 kg thịt bò "đểu" này bán hết lãi tới cả triệu bạc.

Dù lịch thời vụ mới qua được gần 2 tháng nhưng 80% diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được người dân thả giống. Tuy nhiên, khan giống, dịch bệnh, thời tiết diễn biến phức tạp... là những khó khăn mà người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đang gặp phải.

Thời tiết tương đối thuận lợi cho các hoạt động khai thác cá Nam ở Khánh Hòa, các loại thủy sản xuất hiện ngay từ đầu vụ, giá một số loại thủy sản tăng và tương đối ổn định nên đã khuyến khích các hộ ngư dân trong tỉnh đồng loạt ra khơi bám biển.

Những năm gần đây, chăn nuôi trong tỉnh Bắc Ninh có sự phát triển cả về quy mô và phương thức với tổng đàn lợn đạt hơn 404 nghìn con; đàn trâu, bò đạt gần 70 nghìn con; đàn gia cầm, thủy cầm đạt gần 4,5 triệu con mỗi năm.

Những năm gần đây, người nông dân Nghĩa Đàn (Nghệ An) chú trọng trồng cây dưa hấu nhưng giá cả bấp bênh lại sâu bệnh nhiều nên thất thu. Năm 2014 nhiều xã đã định hướng cho người dân chuyển đổi sang cây trồng khác hiệu quả hơn. Ở xã Nghĩa Bình, nhờ nắm bắt được nhu cầu thị trường nên nông dân đã chuyển từ cây dưa sang trồng 20 ha cây bí xanh và bí đỏ cho thu nhập cao...