Cây Bưởi Hồng Trên Đất Sỏi Cơm

Tuy chỉ cách quốc lộ 20 vài cây số, nhưng đường vào vườn bưởi của ông Phạm Trí Việt ở ấp 94, xã Túc Trưng (huyện Định Quán, Đồng Nai) lại khá vất vả vì chỉ có con đường mòn đầy sỏi đá, lên dốc xuống đèo.
Khu vực này chỉ có thể dùng xe máy chở bưởi ra ngoài đường lớn, nhưng vài năm nay thương lái vẫn nườm nượp tìm đến tận vườn để thu mua vì chất lượng trái ngon. Ông Phạm Trí Việt là người đã góp phần mang lại tiếng thơm cho giống bưởi da xanh ruột hồng ở Định Quán với thành tích đạt nhiều giải cao tại Hội thi trái ngon - an toàn Nam bộ.
* Cải tạo đất cằn
Ông Việt vốn là con nhà nghèo, không được học hành nhiều nên phải ra đời sớm, và cũng chỉ biết đến nghề nông. Lập gia đình cũng không có bao nhiêu vốn nên vợ chồng ông phải mượn nợ mua vùng đất đồi hẻo lánh. Bao nhiêu năm, gia đình phải đốt đèn dầu sống trong rẫy để bám đất, bám vườn. Khoảng 10 năm trở lại đây, ông mới kéo nhờ được nguồn điện cho sinh hoạt, nhưng vẫn phải chạy máy dầu phục vụ cho tưới tiêu, sản xuất.
Theo ông Việt, cực nhất vẫn là tìm ra nguồn nước tưới. Ở đây là vùng đất đồi, sỏi đá nên với diện tích đất vườn gần 3 hécta, ông phải khoan đến 4 giếng nước thì chỉ có 2 giếng cho nước. “Giếng nước là cả gia tài của nông dân, những ngày đầu lập nghiệp, tôi phải chắt chiu từng chút vốn, vay mượn thêm mới có tiền khoan giếng” - ông Việt chia sẻ.
Hiện tại, khu vườn cằn cỗi ngày nào giờ đã rất phát triển với từng hàng bưởi, sầu riêng sum suê. Ông Việt tự hào khoe: “Tôi đã mất bao năm chăm chút, cải tạo để vùng đất đồi này được màu mỡ như bây giờ. Hiện toàn bộ vườn cây đã được lắp đặt hệ thống tưới nước, bón phân tự động”.
* Chọn hướng chuyên canh
Mấy mươi năm làm nông, ông Việt đã thử nghiệm đủ loại cây trồng, từ cà phê, chôm chôm đến xoài, quýt... Mỗi khi phát hiện có giống cây trồng mới, ông đều mua về trồng thử nghiệm.
Chỉ riêng cây bưởi, ông cũng đã trồng thử các giống khác nhau, như: Năm roi, bưởi đường lá cam... “Khoảng 10 năm trước, bưởi Năm roi được thị trường rất chuộng, nhưng qua thử nghiệm tôi thấy giống bưởi da xanh ruột hồng rất phù hợp với thổ nhưỡng ở đây, cho sản lượng cao, chất lượng trái lại ngọt ngon hơn những vùng khác nên quyết định đầu tư trồng chuyên canh” - ông Việt chia sẻ.
Đây là quyết định khá “liều” vì thời đó thương lái chuộng bưởi miền Tây, Đồng Nai thì chỉ có tiếng về bưởi Tân Triều. Khi vườn bưởi bắt đầu cho thu hoạch, vợ chồng ông phải tự hái bưởi chở đi bỏ mối. Có khi phải đổ ra lề đường bán xô với giá chỉ bằng một phần giống bưởi Năm roi.
Nhưng nhờ chất lượng trái ngon, ổn định, có thể cung cấp với sản lượng lớn nên nhiều thương lái biết tiếng và tìm đến tận vườn thu mua. Đến nay, nhiều nhà vườn ở đây cũng đầu tư trồng chuyên canh giống bưởi này. Mùa bưởi chín, cả vùng như rộn rã hẳn lên vì tấp nập người mua bán.
Ông Việt chăm chút vườn cây, nâng niu bọc giấy che nắng cho từng trái bưởi trong vườn để mỗi trái bưởi ra thị trường đều ngọt ngon, có hình thức đẹp. Mang trái bưởi vườn nhà tham gia Hội thi trái ngon - an toàn Nam bộ cũng là cách người nông dân chất phác này nâng cao giá trị cho trái bưởi quê nhà.
Có thể bạn quan tâm

Nghiên cứu, chọn tạo các giống chè năng suất, chất lượng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các nhà khoa học nhằm góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu thưởng thức đồ uống của người dân trong nước và xuất khẩu.

Được biết, trong thời gian trở lại đây, sản xuất rau an toàn (RAT) không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, tạo uy tín cho người tiêu dùng mà góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Thực tiễn thành công của một số mô hình sản xuất RAT đã cho thấy việc nhân rộng và phát huy hiệu quả của mô hình này là cần thiết.

Khổ qua là một loại rau xanh có thể tác dụng trị bệnh, lại chế biến được khá nhiều món ăn ngon. Theo y học cổ truyền, trái khổ qua có vị đắng-ngọt, tính bình; ăn khổ qua dễ tiêu hóa, có tác dụng tốt đối với người bị bệnh tiểu đường.

Nói đến nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng, người ta thường nghĩ đến cà phê, trà, dâu tằm… Thế nhưng, “Lúa gạo Cát Tiên” là sản phẩm nông nghiệp thứ năm của tỉnh Lâm Đồng được cấp giấy chứng nhận thương hiệu.

Lễ hội Tịch điền vào mỗi mùa xuân dưới chân núi Đọi (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) có ý nghĩa nhắc chúng ta nhìn nhận đầy đủ hơn đến sự phát triển nông nghiệp bền vững của nông nghiệp trong thời đại ngày nay.