Cảnh Giác Với Tăng Nóng Hồ Tiêu!

Năm 2014, lần đầu tiên hồ tiêu gia nhập “câu lạc bộ xuất khẩu 1 tỷ USD” của Việt Nam. Niềm vui không phải chờ đến cuối năm. Mới hết tháng 10/2014, kim ngạch xuất khẩu tiêu đã tới 1,1 tỷ USD. Cùng với gạo, cà phê, hạt điều, tiêu Việt Nam thuộc nhóm các mặt hàng có vị thế cao trên thị trường thế giới.
Thành công đó được tích tụ trong mấy chục năm qua. Diện tích tiêu được mở rộng khá nhanh: Năm 1986 mới có 3.900 ha, năm 1995 tăng lên 7.000 ha, năm 2005 tăng vọt lên 49.100 ha, năm 2012 đạt tới 58.900 ha; bình quân tăng trên 11%/năm- tốc độ rất cao so với các cây trồng khác. Và, xuất khẩu tiêu cũng “thăng hoa” tỷ lệ thuận với diện tích trồng tiêu. Năm 2012 so với 1986, lượng tiêu xuất khẩu bình quân tăng 15%/năm.
Tiêu Việt Nam có mặt ở nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có 23 thị trường đạt trên 1.000 tấn là Hoa Kỳ, Đức, Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Hà Lan, Singapore, Ai Cập, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Anh, Nga, Pakistan, Hàn Quốc, Philippines, Ukraine, Ba Lan, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Italia, Nam Phi, Australia, Canada, Thái Lan.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về chu kỳ thất thường của thị trường nông sản thế giới, hồ tiêu không phải là ngoại lệ. Chu kỳ thị trường có hai pha “nóng - lạnh”: Sau một thời gian giá cả tăng đủ độ nóng, hối thúc tăng mạnh diện tích, sản lượng, ắt dẫn tới tình trạng cung lớn hơn cầu, từ đó giá bắt đầu giảm và sẽ giảm mạnh trong một thời gian đủ dài. Thị trường hồ tiêu thế giới đã qua hai chu kỳ “nóng - lạnh” 1985-1993 và 1994-2005. Từ năm 2006 đến nay, thị trường đang trong chu kỳ nóng, rất có thể sắp đến chu kỳ lạnh.
Tuy giá tiêu trên thị trường thế giới tăng, nhưng Việt Nam chưa tận dụng tốt cơ hội, nguyên nhân: Công nghệ xử lý và chế biến chưa được quan tâm thích đáng; xuất khẩu chủ yếu là tiêu đen và tiêu trắng chưa xay. Các doanh nghiệp xuất khẩu phải thu mua khoảng 80% tổng khối lượng tiêu qua thương lái, rất khó kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.
Hơn nữa, để trồng 1 ha tiêu, chi phí trên dưới 600 triệu đồng, khoảng 3 năm mới thu hoạch. Vì thế, nhiều người ví cây tiêu là “cây của nhà giàu”. Nếu gom hết vốn liếng để trồng tiêu, khi bị dịch bệnh, người trồng không kịp xử lý sẽ chịu rủi ro lớn.
Mặc dù vậy, một số nơi, diện tích trồng tiêu vẫn tăng nhanh, dường như chưa dừng lại. Nông dân nhiều nơi bất chấp khuyến cáo của các cơ quan chức năng đã phá bỏ các loại cây điều, cà phê, cao su, ồ ạt chuyển sang trồng tiêu. Không cẩn thận có ngày cây tiêu sẽ lại phải chịu số phận “chặt bỏ” như nhiều loại cây khác!
Nguồn bài viết: http://baocongthuong.com.vn/xuat-nhap-khau/73370/canh-giac-voi-tang-nong-ho-tieu.htm#.VIUZlo0cTDc
Có thể bạn quan tâm

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản gửi Ban chỉ đạo PCLB trung ương, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính về việc xin hỗ trợ giống cây trồng và vật tư phòng chống dịch bệnh khôi phục sản xuất sau bão, lũ.

Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, kế hoạch phát triển diện tích nuôi tôm công nghiệp đến hết năm 2013 là 7.500ha và đến năm 2015 là 12.000 ha. Nhưng đến nay, diện tích nuôi tôm công nghiệp tỉnh này mới được hơn 5.400 ha, thấp hơn nhiều so với kế hoạch.

Trong 5 năm trở lại đây, đàn bò của Việt Nam giảm khoảng 1,5 triệu con, nguyên nhân chính là sự sụt giảm diện tích đồng cỏ. Đã có một số doanh nghiệp đầu tư trang trại nuôi bò thịt nhưng chỉ dừng lại ở quy mô khoảng 200 con.

Đến nay, dự án nuôi tôm CN-BCN với quy mô 500ha ở xã Long Điền Tây đã hoàn thành 4/10 gói thầu và giải ngân hơn 25 tỷ đồng.

Nguồn vốn, nguồn thức ăn thô thiếu trầm trọng, cộng với môi trường bị ô nhiễm, dịch bệnh bùng phát... khiến cho công tác tái đàn chăn nuôi của người dân vùng lũ Thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) gặp nhiều khó khăn. Hơn lúc nào hết, người chăn nuôi đang rất cần sự hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể...