Cần Thơ - Nagasaki Hợp Tác Lĩnh Vực Thủy Sản Và Xử Lý Nguồn Nước

Ngày 6/11, lãnh đạo thành phố Cần Thơ đã tiếp và làm việc với đoàn làm việc của tỉnh Nagasaki (Nhật Bản) do ông Kurosaki Isamu, Cục trưởng Cục Xúc tiến các chương trình hợp tác về môi trường, Sở Lao động và Công nghiệp tỉnh Nagasaki làm trưởng đoàn.
Trong buổi làm việc, hai bên đã bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, canh tác nông nghiệp và xử lý nước ô nhiễm.
Ông Kurosaki Isamu cho biết tỉnh Nagasaki có nhiều nét tương đồng với Cần Thơ vì đều có kinh tế nông nghiệp là chủ đạo.
Trong quá trình công nghiệp hóa nền nông nghiệp, Nagasaki cũng đã phải vượt qua nhiều áp lực về ô nhiễm môi trường nước. Vì thế, Nhật Bản mong muốn thông qua những giải pháp khoa học công nghệ hiện đại mà Nhật Bản đã áp dụng thành công sẽ giúp Việt Nam giảm thiểu được những tác hại của ô nhiễm môi trường nước.
Bên cạnh đó, Nagasaki cũng sẽ giúp Cần Thơ nâng cao năng suất, chất lượng của hàng nông sản bằng những kỹ thuật nuôi trồng, canh tác hiện đại.
Một trong những kỹ thuật được đoàn Nhật Bản giới thiệu lần này là thiết bị lọc nước tại các đầm, ao nuôi thủy hải sản; quy trình sử dụng vỏ trấu để cải tạo đất; kỹ thuật sản xuất bã thực phẩm thành phân bón.
Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, nhấn mạnh Cần Thơ có thế mạnh về nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản nhưng còn nhiều hạn chế về áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật canh tác nông nghiệp và xử lý chất lượng nguồn nước bị ô nhiễm.
Vì thế, Cần Thơ mong muốn Nhật Bản hỗ trợ và chuyển giao những thành tựu khoa học tiên tiến để mang lại những lợi ích thiết thực trong việc cải tạo môi trường nước và nâng cao năng suất nông-thủy sản cho tỉnh Cần Thơ.
Lãnh đạo thành phố luôn ưu tiên và chào đón các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào địa phương trong các lĩnh vực trên.
Nguồn bài viết: http://www.vasep.com.vn/Tin-Tuc/51_38680/Can-Tho-Nagasaki-hop-tac-linh-vuc-thuy-san-va-xu-ly-nguon-nuoc.htm
Có thể bạn quan tâm

Khi nhiều nơi đang loay hoay để giữ rừng, tìm nguồn sống cho người trồng rừng thì anh Lê Mai Hiền ở thôn Tân Phong, xã Tân Nguyên (Yên Bình, Yên Bái) lại giàu có từ sản xuất, kinh doanh sản phẩm của rừng và giúp đỡ nhiều nông dân khác.

Nhằm giúp nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho bà con nông dân trồng dừa, tỉnh Bến Tre đã triển khai thí điểm mô hình “Cánh đồng mẫu dừa” (CĐMD) trên địa bàn huyện Giồng Trôm. Bước đầu, mô hình này đang mang lại hiệu quả khả quan.

Với nghị lực phi thường, anh Đặng Anh Tuấn (sinh năm 1957), trú ở xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) đã một mình chinh phục những quả đồi hoang lập trang trại. Giấc mơ được sánh vai với những tỷ phú nông dân trên thế giới của anh đã trở thành hiện thực…

“Nhờ được Agribank hỗ trợ kịp thời nguồn vốn 3,5 tỷ đồng, con tàu đánh bắt xa bờ 510CV đã hoàn thành đúng tiến độ và chuẩn bị ra khơi hứa hẹn đón những mẻ cá đầu tiên”- ngư dân Lê Văn Thức, xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) chia sẻ.

Đến nay, toàn huyện Đông Giang (Quảng Nam) có hơn 450ha trồng chuối chuyên canh, trong đó hơn 300ha trồng tập trung, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.