Cần Sớm Tìm Giải Pháp Hạn Chế Tổn Thất Chất Lượng Cá Ngừ Đại Dương

Cá ngừ đại dương là một trong số những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Khánh Hòa. Thông qua hoạt động này, giá trị của sản phẩm đã dần được khẳng định trên thị trường các nước trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên những năm gần đây, đa phần ngư dân đã thay đổi hình thức khai thác, chuyển từ câu vàng sang câu tay kết hợp ánh sáng dẫn đến chất lượng cá ngừ sau khai thác không đảm bảo cho xuất khẩu. Mặc dù thực trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay, thế nhưng bài toán về chất lượng cá ngừ đại dương do ngư dân đánh bắt vẫn chưa tìm thấy đáp án khả thi.
Đầu năm 2012, hoạt động khai thác cá ngừ đại dương bằng nghề câu tay kết hợp ánh sáng (hay còn gọi câu đèn) bắt đầu xuất hiện ở Khánh Hòa. Chi phí đầu tư của nghề này chỉ bằng 50% so với nghề câu vàng truyền thống, nhưng sản lượng đánh bắt lại tăng gấp đôi và ngư dân bám biển quanh năm.
Do vậy, đến cuối năm 2012, nhiều tàu khai thác cá ngừ đại dương ồ ạt chuyển từ câu vàng sang câu đèn. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 160 tàu thuyền câu đèn với sản lượng đánh bắt hơn 2.000 tấn/năm.
Tuy nhiên theo đánh giá, phương pháp khai thác mới đã làm giảm chất lượng cá ngừ đánh bắt được, bởi các yếu tố như: tốc độ thu câu, quá trình và cách thức bảo quản của ngư dân chưa phù hợp khiến cho thịt cá nhanh chóng chuyển màu.
Ông Nguyễn Văn Đẩu - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa nhận xét: Phương pháp khai thác mới liên quan đến vấn đề bảo quản sản phẩm và chất lượng cá ngừ. Qua nghiên cứu của Trường đại học Nha Trang, Tổng cục thủy sản và Viện nghiên cứu thủy sản đã hình thành một quy trình bảo quản mới và đã tập huấn cho bà con ngư dân.
Thực tế thời gian qua, mặc dù quy trình bảo quản cá ngừ đại dương sau khai thác đã được triển khai đến hầu hết ngư dân đánh bắt ở Khánh Hòa, thế nhưng, chi phí mà các chủ phương tiện phải bỏ ra để đầu tư cho quy trình này là không hề nhỏ.
Một điều nan giải khác, hiện nay khi một số chủ tàu áp dụng quy trình bảo quản hiện đại, cá ngừ đánh bắt về đạt chất lượng tốt nhưng lại được thương lái thu mua với giá ngang bằng với cá được bảo quản bằng công nghệ lạc hậu.
Chính vì vậy, việc ngư dân áp dụng công nghệ mới có thể thực hiện được nhưng vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là ai sẽ đứng ra thu mua cá ngừ bảo quản bằng công nghệ này.
Bởi việc đầu tư từ 200 - 300 triệu đồng cho một quy trình để rồi ngư dân vẫn không tìm thấy lối ra cho sản phẩm cá ngừ do mình đánh bắt.
Thạc sĩ Vũ Đình Đáp – Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam cho biết thực tế ngư dân bảo quản sau thu hoạch rất tốt nhưng cá lại được mua với giá giống như những người không áp dụng phương pháp bảo quản mới.
Theo thống kê của Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, năm 2013, sản lượng cá ngừ của Việt Nam khai thác được hơn 25.000 tấn, tăng 12% so với năm 2012. Dự kiến, năm 2014, sản lượng có thể đạt khoảng 27.000 tấn.
Tuy nhiên, trong đó chỉ có khoảng 25% sản lượng có thể xuất khẩu tươi, còn lại phải qua chế biến, đóng hộp nên giá trị xuất khẩu giảm nhiều. Hiện nay, nghề câu đèn cũng có nhiều mặt tích cực, song để nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến việc xây dựng thương hiệu cá ngừ Việt Nam, các cấp quản lý, doanh nghiệp, ngư dân và nhà khoa học cần có sự chung tay thực hiện quản lý theo chuỗi từ khâu đánh bắt đến chế biến, xuất khẩu; đồng thời tiến hành quản lý nghề câu tay và câu vàng cá ngừ đại dương phù hợp với đặc trưng khai thác của từng vùng miền.
Có thể bạn quan tâm

Ông Võ Thành Nhơn làm 6,2 ha lúa ở ấp Vĩnh Thành cho biết: "Tham gia mô hình này, Trạm BVTV huyện xuống tập huấn áp dụng chương trình "3 giảm, 3 tăng" và "1 phải, 5 giảm". Sau đó, hướng dẫn trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch, nhờ đó giảm được lần phun thuốc ở giai đoạn đầu và trước khi thu hoạch".

An Giang là tỉnh sản xuất lúa lớn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, năng suất và sản lượng lúa không ngừng gia tăng, đã góp phần quan trọng phục vụ xuất khẩu và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Thành công này có phần đóng góp không nhỏ của công tác khuyến nông, đó là chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tăng thu nhập cho nông dân.

Vụ Đông Xuân (ĐX) 2013 - 2014 và vụ Thu 2014, huyện Phù Cát (Bình Định) đã thực hiện 2 mô hình (MH) cánh đồng mẫu lớn (CĐML) sản xuất đậu phụng trên diện tích 88 ha tại 2 xã Cát Hiệp và Cát Hải, có 373 hộ tham gia. Bên cạnh việc thực hiện tốt quy trình kỹ thuật, MH còn được triển khai 5 công thức bón phân cho cây đậu phụng.

“Nông dân cần kịp thời được tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ vốn, giống mới. Thu hoạch cách nhau mấy ngày mà chênh lệch đến mấy triệu đồng... Sống nhờ vườn mà nghề vườn bấp bênh, rủi ro quá, nhiều người đã bỏ đất đi làm thuê làm mướn”, anh Nghĩa nói vậy. Bản thân anh cũng đang hợp đồng với ngành du lịch Vĩnh Long chạy đò chở khách để kiếm thêm phụ vợ nuôi bầy con.

Với giá trị kinh tế nổi bật, cây cam đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho các hộ trồng cam trên địa bàn huyện Cao Phong. (Gia đình anh Cao Xuân Quỳnh, xóm Nam Thành, xã Nam Phong (Hòa Bình) thoát nghèo vơn lên làm giàu nhờ cây cam).